QĐNĐ Online -Báo Quân đội nhân dân Online xin trích đăng và giới thiệu với độc giả những tư liệu mới nhất trong cuốn hồi ký Mắt bão của cựu Giám đốc CIA George Tenet...
LỜI NÓI ĐẦU
Vụ khủng bố, tấn công ngày 11-9-2001 tại Mỹ là một “cú sốc” cho nước Mỹ cũng như toàn thế giới.
Đã có rất nhiều tác phẩm, lời bình luận, và đã có rất nhiều lý do được đưa ra để bào chữa cho vụ 11-9, cho “thất bại tình báo lớn nhất trong lịch sử Mỹ kể từ sau vụ Trân Châu cảng”, nhưng có lẽ, cuốn hồi ký Mắt bão của George Tenet do Harper Collins xuất bản là cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin chân thực và đáng tin cậy.
 |
Cựu Giám đốc CIA George Tenet |
George Tenet, sinh ngày 5-1-1953 trong một gia đình Hy Lạp định cư tại Mỹ, tốt nghiệp Khoa đối ngoại Đại học Georgetown năm 1976; tốt nghiệp Thạc sĩ quan hệ quốc tế Đại học Columbia năm 1978. Từng làm việc dưới chính quyền Clinton và chính quyền Bush, giữ chức vụ Giám đốc Uỷ ban Tình báo Thượng viện từ
1988-1993; nhân viên Hội đồng An ninh quốc gia 1993-1995; Phó Giám đốc CIA 1995-1996; Quyền Giám đốc CIA 1996-1997; Giám đốc CIA (DCI) 1997-2004, song ngày 3-6-2004, ông nộp đơn xin từ chức Giám đốc CIA vì lý do cá nhân.
Nhiều năm hoạt động trong ngành tình báo, bảy năm trên cương vị Giám đốc CIA đã giúp cho George Tenet có những nhận xét, cách nhìn nhận những công việc thực hiện đối phó với mối đe dọa đến nước Mỹ, việc giải trừ các vũ khí hủy diệt hàng loạt, việc làm cầu nối hàn gắn mối quan hệ giữa Israel và Palestine, về cuộc chiến ở Iraq, v.v., một cách “khách quan và không hề tô vẽ”. Chúng ta sẽ tìm được tất cả những điều đó trong cuốn Mắt bão.
Trong cuốn hồi ký này, tác giả coi đó là “những hồi ức của tôi về thời kỳ đầy hỗn loạn của nước Mỹ”, nó có thể không hoàn toàn khách quan, và cũng có một số đánh giá về một số sự kiện, chỉ là những ý kiến riêng của cá nhân tác giả.
PHẦN MỞ ĐẦU
Bình minh thứ tư, ngày 12-9-2001, bắt đầu một ngày cả thế giới trở nên hỗn loạn. Tất cả mọi chuyện đều đã thay đổi. Sáng sớm hôm đó, thức dậy sau một đêm chỉ chợp mắt vài tiếng đồng hồ, tôi chui vào chiếc xe bọc thép Ford Expedition đang đợi sẵn ngoài cổng để đến gặp Tổng thống.
An ninh bên ngoài ngôi nhà của tôi ở vùng ngoại ô Maryland, Washington được thắt chặt hơn bao giờ hết. Khi đến Nhà Trắng, tôi thấy nhân viên Sở Mật vụ có mặt ở mọi nơi, tất cả đều lăm lăm vũ khí. Các máy bay chiến đấu đang tuần tra trên bầu trời. Chưa đầy 24 giờ trước, nước Mỹ đã bị tấn công bởi một lực lượng quân sự nước ngoài vô chính phủ. Hàng nghìn người đã chết ở thành phố New York, ở Lầu Năm góc và trên một cánh đồng ở bang Pennsylvania. Lực lượng CIA chúng tôi có đủ lý do để tin rằng nhiều cuộc tấn công nữa sẽ diễn ra trong vài giờ hay vài ngày tiếp theo và sự kiện 11-9 chỉ là phát súng mở màn của một chuỗi các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ.
Đang miên man với những suy nghĩ này khi đi dưới hàng hiên dẫn đến tòa nhà Cánh Tây, tôi nhìn thấy Richard Perle bước ra từ nơi tôi đang định bước vào. Perle là một trong những người đứng đầu phong trào bảo thủ mới và khi đó là người đứng đầu Ủy ban chính sách quốc phòng, một nhóm tư vấn độc lập cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chúng tôi chưa tiếp xúc nhiều với nhau. Khi những cánh cửa đóng lại sau lưng ông ta, chúng tôi nhìn nhau rồi gật đầu chào. Tôi vừa đến cửa thì Perle bỗng quay về phía tôi và nói: “Iraq sẽ phải trả giá cho những gì xảy ra hôm qua. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Tôi bất ngờ, nhưng không nói gì cả. Mười tám giờ trước, tôi vừa ngồi rà soát cẩn thận danh sách hành khách của bốn chiếc máy bay không tặc bị nghi là do al-Qa’ida đứng sau. Sau đó, chúng tôi đã kiểm tra rất cẩn thận khả năng có một nhà nước hậu thuẫn cho âm mưu đó. Tuy nhiên, các tin tức tình báo khi đó và cả bây giờ đều cho thấy không có bằng chứng nào chứng tỏ Iraq đồng loã trong vụ này.
Dừng lại ở trạm kiểm soát an ninh Sở Mật vụ, tôi quay lại nhìn Perle và nghĩ: “Ông ta đang nói về cái quái quỷ gì vậy?” Sau đó, tôi tự hỏi: “Richard Perle gặp ai ở Nhà Trắng vào buổi sớm của một ngày như hôm nay vậy nhỉ?” Nhưng tôi không bao giờ có được đáp án cho câu hỏi này.
Chủ nghĩa khủng bố và Iraq luôn là hai chủ đề xuyên suốt trong bảy năm trên cương vị DCI của tôi. Tính đến khi tôi kết thúc công việc này vào tháng 7-2004, những vấn đề đó dường như lấn át tất cả các hoạt động tình báo khác mà CIA đã thực hiện, cũng như tất cả những vấn đề chúng tôi phải đối mặt trong nhiệm kỳ của mình. Mặc dù khi đó tôi không nhận ra điều này, nhưng tôi vẫn nghĩ cuộc gặp gỡ chóng vánh với Richard Perle là lần đầu tiên hai đề tài chính trong sự nghiệp của tôi được phân biệt rõ ràng.
Là con trai của một người lao động nhập cư, lớn lên ở khu Queens của thành phố New York, tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình có thể ngồi ở vị trí DCI. Tôi khao khát được làm việc trong chính phủ nhưng không hề nghĩ đến một cuộc sống trong thế giới ngầm của hoạt động tình báo. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, trải qua hàng loạt những khúc quanh và ngã rẽ bất ngờ trong công việc, tôi lại lạc vào thế giới tình báo đầy bí mật này.
Trong sự nghiệp của tôi, làm việc trong ngành tình báo là giai đoạn rùng rợn và đầy thất vọng, vì theo như định nghĩa về tình báo, công việc này bao gồm toàn những sự không rõ ràng, những việc không được biết, và những việc hoàn toàn bị che giấu. Các nhân viên tình báo Mỹ phải cố gắng khám phá những gì kẻ thù của nước Mỹ đang cố che đậy. Trong toàn bộ sự nghiệp bản thân, theo đúng đặc tính của ngành tính báo, tôi cố giữ mình ở vị thế không nổi bật, ít bị công chúng nghe ngóng hay nhìn thấy nhất.
Khi không còn làm việc trong Chính phủ, tôi cảm thấy cần phải dừng lại một chút, suy nghĩ trước khi tôi viết hay nói điều gì. Qua thời gian và nhờ những gì tôi đã có, tôi tin mình có nghĩa vụ chia sẻ vài điều tôi được biết trong suốt những năm tháng lãnh đạo giới tình báo Mỹ. Tôi cảm thấy mắc nợ gia đình tôi, các đồng nghiệp cũ của tôi và lịch sử về những sự việc tôi đã được chứng kiến trong suốt thời gian làm việc ở CIA.
Cuốn hồi ký này được viết dựa trên những hồi ức của tôi về thời kỳ đầy hỗn loạn của nước Mỹ. Một công trình như thế này có thể không hoàn toàn khách quan, nhưng tôi đã cố gắng hết sức để nó thật chân thực, không hề tô vẽ. Có rất nhiều điều khiến tôi tự hào về thời gian làm DCI của mình và cũng có nhiều điều mà tôi từng ước là mình có thể được làm lại. Tôi sẽ nói rõ trong cuốn sách những sai lầm mà tôi hoặc cơ quan mà tôi từng lãnh đạo đã mắc phải. Người đọc sẽ thấy những đoạn thú nhận đó không hề bị rút gọn chút nào. Khi tôi nhắc về những dịp chúng tôi thực hiện tốt công việc, tôi cũng hy vọng rằng các đánh giá đó được đưa ra dựa trên những cân nhắc hết sức công bằng. Cuốn sách này thuật lại cách tôi nhìn nhận mọi việc khi tôi đang ở trung tâm của cơn bão.
Cách bạn giải quyết vấn đề thường phụ thuộc vào vị trí của bạn. Từ vị trí của mình, tôi nhìn thấy con sóng mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố. Và từ vị trí của mình, tôi cũng nhìn thấy một nhóm nhỏ những chiến binh đơn độc, thiếu thốn đang bơi ngược con sóng đó – tất cả đều ở đó đơn độc, cố cảnh báo, ngăn cản và tiêu diệt một phong trào đang được triển khai ở gần 70 quốc gia trên toàn thế giới nhằm mục đích làm chúng tôi sụp đổ.
Đây là câu chuyện về cách chúng tôi nhìn nhận các mối đe dọa, những công việc chúng tôi thực hiện để đối phó với mối đe dọa đó, những điều chỉ là đề xuất mà chưa được thực hiện, sự phát triển suy nghĩ của chúng tôi, và tại sao các nhân viên CIA đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch hành động dùng vũ lực phản ứng lại việc 3000 người dân Mỹ và các nước khác đã thiệt mạng. Đây cũng là câu chuyện về việc làm thế nào chúng tôi giúp giải trừ các vũ khí hủy diệt hàng loạt ở một quốc gia mà không tốn một viên đạn và làm thế nào chúng tôi đưa ra trước vành móng ngựa kẻ phổ biến vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất mà thế giới từng biết đến. Cuốn sách sẽ thuật lại những nỗ lực của chúng tôi nhằm làm cầu nối xóa đi các mâu thuẫn lịch sử giữa người Israel và người Palestine để giúp các nhà ngoại giao có cơ hội tìm kiếm giải pháp chính trị cho một vấn đề khủng hoảng lâu đời. Đây cũng là câu chuyện cảnh báo về những mối đe dọa chưa xảy ra nhưng mức độ tàn khốc còn có thể hơn cả hậu quả của các cuộc tấn công ngày 11-9.
Những quan chức cao cấp trong cả hai chính quyền tôi từng làm việc, chính quyền Clinton và chính quyền Bush, đều cố làm những gì họ cho là tốt nhất cho nước Mỹ. Điều cần đánh giá là biện pháp và kết quả thực hiện các nỗ lực đó chứ không phải động cơ của họ. Và cho đến khi chính quyền Mỹ giành quyền kiểm soát Iraq, số anh hùng ở Washington không nhiều, đa số họ đang ở đất nước đầy bất trắc kia. Tuy nhiên trong cuộc chiến chống khủng bố lại có rất nhiều anh hùng, cả ở Washington và những nơi khác trên thế giới. Chính chính quyền đã thất bại ở Baghdad lại từng thành công rực rỡ khi truy quét al-Qa’ida sau vụ 11-9. CIA đã thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ to lớn với lòng dũng cảm tuyệt vời và sự tận tuỵ đáng kinh ngạc. Chúng ta được đọc quá ít về những anh hùng này.
Với tất cả áp lực và gánh nặng trên vai một DCI, tôi tin là tôi đã có vị trí tốt nhất trong Chính phủ. Niềm vui lớn nhất của tôi là hàng ngày được tiếp xúc với những người dám mạo hiểm mạng sống của mình để bảo vệ đất nước này. Tôi đã có cơ hội để phục vụ đất nước mình và cố giữ đất nước được an toàn ngay những giờ phút nguy hiểm nhất. Không phải lúc nào tôi cũng thành công, nhưng tôi được an ủi khi biết rằng tôi đang ở giữa đấu trường, cố chiến đấu vì những điều đúng đắn. Chỉ ở nước Mỹ, con trai một người nhập cư mới có được đặc ân này. Tôi sẽ luôn biết ơn cha mẹ tôi, John và Evangelia Tenet, vì đã rời bỏ làng quê của họ ở Hy Lạp tới đây để cho tôi cơ hội này.
(Còn nữa)