QĐND - "... Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày..."

 Bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu hẳn nhiều người đã thuộc lòng. Hình ảnh của mẹ là biểu trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm của người mẹ Việt Nam. Tượng đài Mẹ Suốt hiện nay được xây dựng ở thành phố Đồng Hới, bên bờ sông Nhật Lệ. Mẹ hiên ngang đứng cầm chèo, đầu ngẩng cao, bóng mẹ trùm lên tốp chiến sĩ được mẹ đưa qua sông... Đi tìm lại kỷ vật của mẹ hơn 40 năm về trước, tôi được biết thêm: Có một người đã sát cánh cùng mẹ trên chiếc thuyền lập nhiều kỳ tích. Gần một năm trời, ông đã cùng xông pha lửa đạn, đưa hàng trăm chuyến đò chở bộ đội qua sông. Đó là ông Lại Tấn Chuyên, nay đã 65 tuổi, ở Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới. Dáng ông còn lộ vẻ cường tráng của một ngư dân, mái tóc và bộ râu quai nón dài bạc trắng. Tôi gặng mãi ông mới kể về những năm tháng cùng mẹ Suốt vượt qua sóng to gió lớn và bom đạn của kẻ thù.

Mẹ Suốt chèo đò cùng ông Chuyên trên sông Nhật Lệ năm 1965. Ảnh: ĐAQĐ

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5-8-1964) đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Quảng Bình là tuyến đầu chống Mỹ, mọi người đều nêu cao tinh thần cảnh giác. Xã Bảo Ninh ở phía Đông thị xã Đồng Hới, như một chiến hạm có vị trí quân sự quan trọng. Mặt trước giáp biển, mặt sau giáp sông, phía Tây có cầu Dài là huyết mạch trên Quốc lộ 1A. Muốn qua Bảo Ninh, phương tiện duy nhất là những con đò ngang. Ban đầu mẹ Suốt chở cán bộ qua lại thị xã công tác, sau đó chở bộ đội và dân quân. Chiến tranh ngày càng ác liệt, tuổi mẹ đã cao, hợp tác xã cử ông Chuyên lúc ấy mới 19 tuổi, có sức khỏe tốt, cùng mẹ chèo đò đưa khách. Những chiến sĩ hải quân cũng như bộ đội chủ lực và địa phương đóng quân ở Bảo Ninh, trong ký ức luôn nhớ hình ảnh: Mẹ Suốt chèo lái và anh thanh niên khỏe mạnh chèo phách. Mẹ Suốt coi anh Chuyên như con đẻ, đôi khi có những chuyến đò "cảm tử", mẹ nói: "Tau già rồi, chết cũng không sao, con chưa có vợ, chết uổng lắm, để tau chèo chuyến ni một mình". Anh Chuyên khâm phục ý chí của mẹ nhưng không bao giờ để mẹ chèo một mình trong bom đạn. Không quản mưa nắng, bất kể ngày đêm, dù yên bình hay có máy bay trên trời, lúc nào cần là thuyền của hai mẹ con sẵn sàng phục vụ.

Đầu năm 1965, máy bay Mỹ ồ ạt tập kích vào các vị trí xung yếu dọc bờ biển Quảng Bình. Thị xã Đồng Hới và các vùng phụ cận là mục tiêu đánh phá của lũ giặc trời. Sáng 11-2-1965, để mở đầu cho chiến dịch "Mũi lao lửa", có tới 60 máy bay các loại của không quân và hải quân Mỹ cùng oanh tạc trên bầu trời Đồng Hới. Do biết trước âm mưu của đế quốc Mỹ, các đơn vị bộ đội phòng không và dân quân bảo vệ Thị xã đã kiên cường nổ súng, bắn rơi 6 máy bay, bắt sống tên thiếu tá Su-mếch-cơ. Trong chiến công ấy, có phần đóng góp của nhân dân xã Bảo Ninh, trong đó có mẹ Suốt và anh Chuyên chèo đò.

Buổi sáng hôm đó, xã Bảo Ninh tổ chức "Tết trồng cây", riêng các đội trực chiến vẫn sẵn sàng bên trận địa. Khi trận đánh diễn ra, pháo và súng phòng không đan lưới lửa bảo vệ Thị xã. Các đơn vị đóng ở Bảo Ninh phối hợp nhịp nhàng, bắn rơi máy bay Mỹ. Nhưng đến gần trưa, một số pháo thủ hy sinh, đạn cũng vơi gần hết. Nhiều người dân, kể cả trẻ em cũng xung phong đi tiếp đạn, bởi thế đã xuất hiện gương "Em bé Bảo Ninh" dũng cảm băng qua chiến hào tiếp đạn như trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã ca ngợi. Mặc cho bom nổ trên bờ dưới sông, mẹ Suốt và anh Chuyên không quản hiểm nguy, hết chở bộ đội qua rồi chở thương binh về cấp cứu. Có lúc lại chở nhiều thùng đạn pháo 37, đạn súng 12,7mm. Máy bay quần đảo gần một ngày trời, sông Nhật Lệ dựng lên nhiều cột sóng, hai mẹ con vẫn bình tĩnh đưa thuyền vượt qua... Ngày 2-3-1965, đế quốc Mỹ lại đánh phá Quảng Bình và Đồng Hới với quy mô lớn hơn: 160 lần chiếc máy bay oanh tạc gần một ngày liên tục. Quân dân Quảng Bình lại bắn rơi 11 máy bay, là chiến thắng giòn giã nhất. Ngày hôm đó, hai mẹ con chèo thuyền qua lại sông hơn chục lần dưới làn bom, chiếc thuyền bị mảnh bom phạt đứt một miếng trước mũi. Chiến tranh làm cho Đồng Hới hoang tàn, cầu Dài bị bom đánh sập, bộ đội thường qua sông ven theo làng cát Bảo Ninh hành quân vào Nam, hai mẹ con lại cần mẫn cùng "Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày".

 Mái chèo ông Chuyên nhiều lần đưa bộ đội qua sông. Ảnh: Xuân Vui

Cuối năm 1965, Lại Tấn Chuyên tạm biệt mẹ Suốt và con đò, tham gia thanh niên xung phong. Ông được phiên chế về đơn vị N73 thuộc Binh trạm 16, chuyên bắc cầu treo cho bộ đội và thanh niên xung phong qua suối. Lăn lộn trên những cung đường ác liệt, hết đường 16 đến đường 20, làm cầu dây mây, dây gỗ rồi đến dây cáp. Từ cua chữ A đến đèo 750, đèo Phu La Nhích, trọng điểm nào ông cũng có mặt. Năm 1967, ông trở thành bộ đội thuộc Đoàn 559, sau đó về đơn vị Q165-Tổng cục Hậu cần. Năm 1975, ông Chuyên xuất ngũ về địa phương, mới biết tin mẹ Suốt đã được phong Anh hùng năm 1967 và mất năm 1968, trong một trận bom bi. Ông tần ngần đứng trước bàn thờ mẹ hồi lâu, rồi xuống bến tìm con đò đã xa cách 10 năm. Đò đã bị bom Mỹ phá hỏng, cái chèo của mẹ còn nguyên nhưng chèo của anh bị 5 lỗ bom bi xuyên thủng.

Đầu tháng 10-2010, tôi đến Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình tìm mái chèo của mẹ Suốt. Mái chèo bằng gỗ lim, dài 3,8 mét mang số hiệu BTQB771, khiêm nhường nằm ở góc hiện vật lịch sử. Còn mái chèo của ông Chuyên, theo sự mách bảo của một số người, tôi đã về thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh để tìm. Ngôi nhà của mẹ Suốt năm xưa, nay là nhà lưu niệm, cũng là nơi ở của con trai bà, anh Nguyễn Hùng. Chị Tý, vợ anh Hùng cho biết anh mới mất năm ngoái. Khi tôi hỏi về cái chèo phách trên chiếc đò của mẹ Suốt năm xưa, chị bảo nó đã nằm sâu nhiều năm trên gác xép. Tôi dọn một đống lưới đầy bụi bặm mới rút được cái chèo ra, nó dài 2,5 mét, còn dùng được. Ông Chuyên bảo cây chèo được làm bằng gỗ huyệnh, rất bền. Rồi ông lục an-bum, đưa tôi xem tấm ảnh cùng mẹ Suốt chèo đò trên sông Nhật Lệ, do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện năm 1965. Trên thuyền, ông luôn ở vị trí "Đứng mũi chịu sào", còn mấy chục năm nay ông vẫn là "Người hát bè trầm" trong khúc hát ca ngợi chiến công của mẹ Suốt anh hùng.

Xuân Vui