Tuần tra giữ biển Lý Sơn.

Từ Đà Nẵng, sau hơn 10 giờ đồng hồ vật lộn với sóng gió cấp 6, cấp 7 tàu HQ 628 đã đưa chúng tôi tới huyện đảo Lý Sơn.

Khi tàu cách huyện đảo vài hải lý, cô phóng viên xinh xắn Cẩm Thủy (đài Tiếng nói Việt Nam) quên hết mệt mỏi vì say sóng, nói như reo lên:

- Lý Sơn kia rồi! Ôi đẹp quá!

Xuồng vừa cập bến, chúng tôi đã được sống trong cảm giác hân hoan, dạt dào tình cảm quân, dân. Mặc cho mưa rơi nặng hạt, gió lạnh thốc từng cơn, nhưng rất đông cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ra tận cầu cảng đón chúng tôi. Lạ mà như quen, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hoàng Nhung, phóng viên báo Đà Nẵng mắt ngấn lệ vì cảm động khi được Trung sĩ Đàm Công Đông dìu từ xuồng lên cầu cảng. Các anh Nhật Hoàng, Xuân Ánh, phóng viên đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng trên vai lỉnh kỉnh máy móc, được Lệ Thu - cô văn thư duyên dáng của huyện đảo, ghé vai mang hộ “đồ nghề”. Quà từ đất liền mang ra rất nhiều thứ, nhưng món quà quý nhất là tấm lòng nồng hậu của cả hậu phương đối với đảo nhỏ tiền tiêu.

Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân tới là UBND xã An Vĩnh. Đón nhận món quà từ tay Đại tá Nguyễn Xuân Định, Chính ủy Vùng C Hải quân trao tặng, ông Lê Văn Châu-Phó bí thư Đảng ủy xã xúc động không nói nên lời. Tại Đồn Biên phòng 328, chúng tôi được nghe Trung tá Võ Thanh Hường-Chính trị viên thông báo sơ bộ tình hình trên đảo. Những điều anh nói, như mách bảo chúng tôi rằng: Ở nơi đầu sóng, ngọn gió này, quân-dân luôn kề vai sát cánh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Nhờ sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân huyện đảo, năm qua Đồn 328 đã tổ chức 60 chuyến tuần tra trên biển, thực hiện đăng ký, đăng kiểm 24.356 lượt lao động, 2.869 lượt phương tiện đúng thủ tục, nguyên tắc. Các du khách nước ngoài đến đảo đều có cảm nhận hết sức tốt đẹp về sự tận tình chu đáo của bộ đội và nhân dân nơi đây.

Cùng đồng chí Võ Xuân Huyện-Chủ tịch UBND huyện đảo-tham quan các công trình kinh tế trọng điểm, trong tầm mắt chúng tôi, Lý Sơn là một vùng rộng lớn. Trong tương lai gần, Lý Sơn sẽ vươn mình đứng dậy bằng những tiềm năng về kinh tế biển và du lịch. Đồng thời, đây cũng là vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh. Ai đó thốt lên, Lý Sơn như một con tàu! Trong tâm thức chúng tôi, đảo nhỏ này là một chiến hạm tiền tiêu, bảo vệ cả vùng đất của “Khu năm dằng dặc khúc ruột miền Trung”.

Trao đổi với chúng tôi về công tác chuẩn bị cho đồng bào vui Tết, đón xuân, Chủ tịch Võ Xuân Huyện cho biết: “Do bão gió kéo dài, giá cả các mặt hàng tiếp tục tăng nhanh, trong khi giá hành, tỏi (hai đặc sản của đảo) và hải sản lại giảm, nên đời sống của bà con bị ảnh hưởng. Nhưng tới giờ phút này công việc chuẩn bị cho nhân dân trên đảo đón xuân, vui Tết đã được triển khai chu đáo. Kho dự trữ chuẩn bị đầy đủ lượng dự phòng để đối phó với trường hợp sóng to, gió lớn, tàu tiếp tế không ra kịp. Đảng bộ và chính quyền Lý Sơn quyết tâm không để hộ dân nào thiếu đói, bảo đảm nhà nào cũng có đủ hương vị trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Đại diện lãnh đạo huyện cùng các cơ quan, đoàn thể phối hợp với các đơn vị quân đội sẽ tới từng thôn chúc Tết, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo. Đảo cũng đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí mang đậm nét văn hóa đặc trưng vùng miền...”.

Chúng tôi về từng ngõ xóm. Mai vàng ở đảo nở sớm, sáng rực cả lối đi. Nhà nào cũng chuẩn bị đầy đủ thịt, dưa cà, câu đối... Trong ánh mắt, nụ cười của người dân rạng lên niềm phấn khởi. Ông Lê Quân ở xã An Vĩnh cảm động nói: “Trong lúc khó khăn, chúng tôi càng hiểu rõ tấm lòng vì dân, vì nước của cấp ủy, chính quyền và các đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo”. Buổi chiều, khi cơn mưa bắt đầu tạnh, chim én bay về rợp trời Lý Sơn. Loài chim gần gũi, thân thuộc với quân, dân huyện đảo như hình với bóng. Xe U-oát của cơ quan Công an huyện chậm rãi nhích từng mét một, chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người và xe lăn xuống vực sâu thăm thẳm. Sau hơn một giờ đồng hồ vượt đèo, dốc, chúng tôi mới lên tới cao điểm 478. Quà từ đất liền gửi đảo xa, ngoài các mặt hàng phục vụ Tết, chúng tôi còn thấy có cả ti vi, đàn ghi ta, sách báo, cờ tướng, băng hình... Trước sự quan tâm của hậu phương, Trạm trưởng Trạm ra-đa N50 Nguyễn Sĩ Vượng cùng cán bộ, chiến sĩ xúc động lắm. Anh khoe với tôi: “Dù ở độ cao gần 400 mét so với mực nước biển nhưng đơn vị chúng tôi vẫn tự túc được rau xanh. Hiện nay, cả trạm nuôi được 14 con bò, 20 con lợn và 100 con gà... Đẩy mạnh tăng gia không chỉ góp thêm vào khẩu phần ăn của bộ đội hằng ngày mà còn tạo môi trường gần gũi với quê nhà. Sau những giờ trực canh căng thẳng, vẳng nghe tiếng gà gáy trưa trên đảo nỗi nhớ đất liền vơi đi...”.

Để bảo đảm cho nhân dân yên tâm vui Tết, đón Xuân, Trạm ra-đa N50 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, duy trì chế độ trực canh 24/24 giờ kịp thời phát hiện các mục tiêu lạ xuất hiện cả trên trời, dưới biển, quyết tâm không để Tổ quốc bị bất ngờ. Buổi liên hoan văn nghệ giữa đất liền và đảo diễn ra sôi nổi, thắm tình quân - dân. Tiếng đàn, tiếng hát vang xa hòa lẫn tiếng sóng biển tạo thành thứ âm thanh vừa lạ vừa quen, khiến lòng người rạo rực.

Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng