Năm 2021, sáng kiến “Thiết bị kiểm tra nòng súng bộ binh” của Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh và sáng kiến “Quả khói nghiệp vụ diễn tập” của Ban CHQS huyện Cái Nước đã đoạt giải khuyến khích Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội” lần thứ 21.

Nói về sáng kiến “Thiết bị kiểm tra nòng súng bộ binh”, Đại úy Nguyễn Thế Ngọc, trợ lý quân khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau, phân tích: "Do tiết diện nòng súng bộ binh nhỏ nên khi nhìn bằng mắt thường sẽ không sâu, không xa, độ chính xác không cao, nhất là kiểm tra tình trạng kỹ thuật bên trong nòng súng. Vì thế, nhóm tác giả đã nghiên cứu cho ra đời sáng kiến “Thiết bị kiểm tra kỹ thuật nòng súng bộ binh” với cấu tạo gồm 5 bộ phận: Khung giá đỡ, gồm các thanh kẽm V3; hệ thống trượt là các ống kẽm phi 21; kính lúp; đèn led và camera loại siêu nhỏ. Sáng kiến này có hai cách sử dụng. Nếu dùng kính lúp để phóng đại hình ảnh, hoặc dùng camera để soi chiếu thì khi đưa kính lúp vào trong nòng súng, hình ảnh sẽ được khuếch đại kết hợp với ánh sáng từ đèn led gắn phía sau buồng đạn rọi vào bên trong, người kiểm tra có thể nhìn rất rõ bằng mắt thường. Còn nếu dùng camera soi chiếu có gắn đèn led để đưa vào nòng súng, lúc đó hình ảnh sẽ truyền ra bên ngoài kết nối với máy vi tính hoặc điện thoại, dễ dàng kiểm tra, đánh giá được chính xác tình trạng kỹ thuật bên trong nòng súng.

Nhóm tác giả với sáng kiến “Quả khói nghiệp vụ diễn tập”  (Ảnh chụp trước tháng 4-2021). 

Còn đối với sáng kiến “Quả khói nghiệp vụ diễn tập”, đồng chí Võ Pha Ril, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đông Thới, huyện Cái Nước (thành viên nhóm sáng kiến) cho biết, để tạo ra màn khói phục vụ huấn luyện, diễn tập chiến thuật, các đơn vị thường sử dụng vỏ xe, dầu lửa đỏ, vật liệu dễ cháy hoặc quả khói do các nhà máy của Bộ Quốc phòng sản xuất. Sử dụng các chất liệu này còn nhiều hạn chế như độc hại, ô nhiễm môi trường, chi phí cao. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, lên ý tưởng, nhóm đã sáng chế ra mô hình “Quả khói nghiệp vụ diễn tập”, cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: Thân quả khói làm bằng nhôm hoặc ống nhựa; thuốc cháy tạo màn khói, gồm hóa chất phân KNO3, giấy mềm mau tan, đường cát; bộ phận phát hỏa gồm nụ xùy và que diêm. Sản phẩm hoàn thành với trọng lượng khoảng 1kg, khói sạch, không mùi và thân thiện với môi trường, chi phí cho một sản phẩm là 100.000 đồng.

“Chúng tôi phải thử nghiệm gần 10 lần, tốn khá nhiều thời gian, công sức mới thực hiện thành công. Rất vui khi sáng kiến này đã và đang được ứng dụng trong các buổi huấn luyện, diễn tập bởi dễ sử dụng, độ an toàn cao và còn góp phần làm cho các buổi huấn luyện, diễn tập thêm sinh động”, anh Võ Pha Ril chia sẻ.

Từ năm 2015 đến nay, LLVT tỉnh Cà Mau có 57 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; trong đó có 34 sản phẩm được ứng dụng huấn luyện, diễn tập hiệu quả, điển hình như: “Mô hình cối 82mm và ĐKZ 82mm bắn đạn bằng hơi nước”, “Mô hình bay điều khiển từ xa”, “Máy phát điện phục vụ công tác huấn luyện đêm của xe thiết giáp”, “Bia tự động điều khiển từ xa bắn bài 1 súng tiểu liên AK”, “Lò nấu mỡ tẩy vũ khí”... Trung tá Nguyễn Văn Bon, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Các sáng kiến giúp người học dễ tiếp thu, dễ nhớ và nắm chắc nội dung, thực hành thuần thục. Đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị phục vụ huấn luyện ngày càng phát triển, nhất là khai thác tối đa nguyên vật liệu sẵn có, tại chỗ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ CHQS tỉnh có nhiều chủ trương, quan tâm, động viên để phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập của địa phương trong thời gian tới”.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC