QĐND - Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn và bản chất hiếu chiến, để cứu vãn sự thất bại chiến lược ở miền Nam nước ta, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, đế quốc Mỹ sẽ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta. Trước tình hình đó, yêu cầu phải có lực lượng tinh nhuệ làm nhiệm vụ tác chiến đối không để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những bước leo thang mới của địch, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về công tác phòng không nhân dân. Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Đây là bước ngoặt đột phá phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Ra đời trong thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước, nhận rõ vinh dự lớn lao và trách nhiệm nặng nề, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, toàn quân chủng đã gấp rút chấn chỉnh tổ chức lực lượng, bổ sung, hoàn thiện các phương án tác chiến, duy trì chặt chẽ các chế độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bố trí thế trận sẵn sàng giáng cho kẻ địch những đòn đích đáng.
Hơn nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, từ các đơn vị tiền thân như Ban Nghiên cứu Không quân, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, rồi các lực lượng ra-đa, không quân tiêm kích, tên lửa... lần lượt ra đời. Với ý chí quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”, Bộ đội PK-KQ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ ác liệt, chiến đấu anh dũng, kiên cường, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống Pháp, lưới lửa phòng không đã bao vây không vực tác chiến cắt đứt cầu hàng không-con đường tiếp tế duy nhất của địch, góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần mưu trí, dũng cảm và ý chí “Quyết chiến, quyết thắng”, Bộ đội PK-KQ đã ra quân đánh thắng trận đầu, mở “mặt trận trên không” thắng lợi, cùng quân và dân cả nước đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, mà đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 |
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ trao đổi với các nhân chứng từng tham gia Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972. Ảnh: Xuân Giang |
Bộ đội PK-KQ đã hiệp đồng chặt chẽ với các quân binh chủng hợp thành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu trong Chiến dịch Biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các hoạt động quốc tế giúp đỡ nước bạn Lào, Cam-pu-chia và các nhiệm vụ khác của quân chủng.
Là một trong những lực lượng chủ lực, nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam, tuy có những bước thay đổi về biên chế, tổ chức cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử, song các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của quân chủng luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả; thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX. Theo đó, Quân chủng PK-KQ được xác định là một trong những lực lượng được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại.
Thực hiện chủ trương trên, những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện, kiên quyết, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, nổi lên là nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất khác. Quân chủng thường xuyên chủ động nghiên cứu hình thái chiến tranh kiểu mới của địch, ý định của đối phương, đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, trình độ, khả năng tác chiến của bộ đội. Quân chủng tham gia diễn tập, cơ động, điều chuyển lực lượng; mua sắm, sản xuất, cải tiến, tiếp nhận, nghiệm thu, huấn luyện, chuyển loại làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, hiện đại. Quân chủng đã làm tốt việc tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng không quân, không quân hải quân, xây dựng Đề án Quy hoạch, chấn chỉnh lực lượng các đơn vị chiến đấu thành các Miền PK-KQ. Công tác đối ngoại quân sự được mở rộng, có chiều sâu. Hoạt động CTĐ, CTCT được quân chủng duy trì có nền nếp; khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nghiêm túc, chặt chẽ.
Để xây dựng Quân chủng PK-KQ vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng xác định: Tập trung xây dựng quân chủng vững mạnh toàn diện, trước hết là chú trọng xây dựng quân chủng tinh nhuệ về chính trị. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, là điều kiện tiên quyết, bảo đảm cho quân chủng hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong điều kiện mới. Toàn quân chủng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức, xác định tốt nhiệm vụ; xây dựng bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Toàn quân chủng thường xuyên quán triệt tốt phương châm huấn luyện "Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, sát đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng, từng binh chủng. Công tác huấn luyện phải phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị hiện có, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam; kinh nghiệm chiến đấu và cách đánh truyền thống của Bộ đội PK-KQ; giỏi tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng với các quy mô khác nhau. Huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo và phát huy có hiệu quả tính năng của VKTBKT được biên chế, nhất là đối với vũ khí mới, hiện đại và mới cải tiến tĩnh năng kỹ thuật, chiến thuật. Bộ đội PK-KQ thường xuyên nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ, sẵn sàng đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch, bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu của quốc gia; đồng thời, làm nòng cốt cho các lực lượng phòng không của đất nước. Quân chủng kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; giáo dục-đào tạo gắn với huấn luyện chiến đấu; huấn luyện chống chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh hủy diệt lớn của các thế lực thù địch gây nguy hại đến an ninh quốc gia; huấn luyện sát thực tế chiến đấu với cường độ cao.
Để xây dựng lực lượng PK-KQ theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, quân chủng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đủ về số lượng, chất lượng cao, bảo đảm làm chủ VKTBKT mới, cải tiến. Toàn quân chủng thực hiện tốt bảo đảm an toàn trong huấn luyện, an toàn lao động, an toàn bay vững chắc; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và an toàn giao thông. Toàn quân chủng huy động mọi nguồn lực, thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về đối ngoại quốc phòng để góp phần đầu tư, hiện đại hóa VKTBKT, nâng cao khả năng tự bảo đảm kỹ thuật để có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu, ngày đêm, bảo đảm hiệu suất chiến đấu cao. Các cơ quan, đơn vị không ngừng chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kế thừa và phát huy truyền thống hơn nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Bộ đội PK-KQ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, trong thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền bầu trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trung tướng, TS PHƯƠNG MINH HÒA (Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ)