QĐND - Tại Khu di tích Nhà tù Phú Quốc có trưng bày một tấm ảnh chụp lại cuộc gặp gỡ đặc biệt của hai con người từng là những người lính ở hai bên chiến tuyến trở về sau chiến tranh. Trong ảnh, viên cai tù khét tiếng Trần Văn Nhu đang cúi gục đầu trước ánh nhìn đăm đắm của Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Thanh Phương.

Trước đó, khi đi tham quan khu di tích, chúng tôi được hướng dẫn viên kể câu chuyện về sự tra tấn dã man mà viên cai tù Trần Văn Nhu thực hiện với người chiến sĩ cách mạng Đoàn Thanh Phương. Bởi vậy, tấm ảnh đặc biệt này càng thôi thúc chúng tôi tìm hiểu đầu cuối câu chuyện.

Theo tư liệu, đó là bức ảnh được chụp vào tháng 2-1993, tại nhà riêng của Trần Văn Nhu, ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Hôm đó, đồng chí Đoàn Thanh Phương, là một chiến sĩ cách mạng bị giam giữ và chịu mọi sự tra tấn tàn độc trong Nhà tù Phú Quốc, đã gặp lại tên cai ngục Trần Văn Nhu, có sự tham gia của lãnh đạo địa phương.

Bắt đầu buổi trò chuyện, một đồng chí cán bộ huyện Phú Quốc gợi ý: Ngày trước, ông làm trưởng trại giam tù binh Phú Quốc... chắc ông biết nhiều việc. Hôm nay, ông kể đúng sự thật để chúng tôi ghi lại, để đời đời con cháu biết được tội ác của Mỹ-ngụy, đồng thời các cán bộ cũng có cơ sở để xây dựng Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc.

Viên cai ngục Trần Văn Nhu đáp: “Tôi ra đây làm giám thị trưởng... Đúng là tôi có đánh đập anh em tù binh, có bỏ họ biệt giam vào chuồng cọp, có đánh nhiều anh em, rồi giam riêng để họ đói khát. Tôi cũng hành hạ, đánh đập, lấy (nhổ) móng tay, móng chân, đục lấy răng của họ. Tôi có đánh roi cá đuối, rọi bóng đèn làm nổ con ngươi mắt, dùng chày “vồ sầu đời” đánh vào đầu gối, bàn tay, bàn chân, mắt cá, cùi chỏ của họ...

Bức ảnh về cuộc gặp giữa đồng chí Đoàn Thanh Phương và Trần Văn Nhu. Ảnh tư liệu 

Tiếp đó, Trần Văn Nhu nhận tội là ngày đó mình như một con vật, một loài thú độc ác cứ  tra tấn và giết người. Rồi Trần Văn Nhu xúc động: “Nhờ ơn Đảng và Nhà nước, tất cả anh em tù binh thương tôi, nên cho tôi sống. Nếu không thương tôi thì giết tôi cũng được vì tội của tôi đáng chết”.

Đồng chí Đoàn Thanh Phương hỏi: “Có phải ông Bảy Nhu ra đây làm giám thị khu B2 không?”... Rồi người cựu tù nghiêm nghị: “... Tôi tự giới thiệu cho ông biết, tôi tên trong tù là Đoàn Văn Công, ông nhớ chứ? Tôi đã từng bị ông bỏ vào biệt giam chuồng cọp. Tôi cũng đã từng vượt ngục, ông nhớ chứ?”.

Nghe đến đó, Trần Văn Nhu hoảng hốt, ngất xỉu, lật ngửa ra phía sau rồi gục đầu xuống khóc: “Xin lỗi, tha tội chết cho tôi vì hồi đó tôi ác quá. Tôi nhớ ra rồi”.

Trong cuộc nói chuyện, đồng chí Đoàn Thanh Phương cho phép  Trần Văn Nhu được gọi mình bằng “chú em" vì Trần Văn Nhu năm  đó cũng đã cao tuổi. Trần Văn Nhu nói tiếp: "Thưa chú Phương!  Chú kể lại thì tôi nhớ ra. Phải rồi, chính tôi đánh chú. Tôi đánh, bỏ biệt giam chú 4 lần và chú vượt ngục 4 lần... Tôi hành hạ, đánh đập chú chết đi sống lại. Nhiều lần tôi bỏ chú đói khát, phơi nắng, phơi mưa, lột hết lớp da này đến lớp da khác... Tôi tính đánh đòn hiểm như thế thì chú đã chết. Tôi... tôi không ngờ bây giờ chú vẫn còn sống”.

Khi đồng chí Đoàn Thanh Phương lên xe chuẩn bị rời nhà viên cai ngục ngày xưa, Bảy Nhu chạy theo xin tha thứ cho những tội ác trong quá khứ (!) Đồng chí Đoàn Thanh Phương chậm rãi nói: “Nếu tôi giết ông thì tôi đã giết từ lâu rồi. Ông nên nhớ rằng, Đảng sẽ tha thứ cho kẻ có tội mà biết nhận lỗi, biết sửa chữa lỗi lầm, sẽ được khoan hồng. Chỉ sợ có tội mà không nhận tội, đó mới là người xấu”. Rồi đồng chí Đoàn Thanh Phương quay lại nói với mọi người xung quanh: “Tất cả anh em tù binh của chúng ta không được có hành động gì quá khích với tên Trần Văn Nhu, để sau khi bảo tồn Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, Trần Văn Nhu sẽ là nhân chứng sống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam. Việc “ác quỷ” Trần Văn Nhu được sống đến hôm nay, là bằng chứng về chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

 (Bài viết tham khảo Biên bản ghi lại cuộc gặp giữa đồng chí Đoàn Thanh Phương và tên cai ngục Trần Văn Nhu, vào tháng 2-1993).

 NGUYỄN SÔNG TRÀ