Đơn vị 8, Đoàn B95, Quân khu 3 vừa tổ chức hội nghị “điểm” về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu bãi tập để các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 rút kinh nghiệm, nhân rộng. Trong

Hăng say luyện tập. Ảnh: Internet

điều kiện bãi tập của nhiều đơn vị ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng huấn luyện, đòi hỏi từng đơn vị cần có biện pháp sáng tạo, phù hợp để giải quyết hiệu quả.

Cái khó, ló... sáng kiến

Thượng tá Phạm Văn Quân, chỉ huy trưởng Đơn vị 8 dẫn tôi đi tham quan một vòng doanh trại. Đứng bên hồ nước khá rộng, anh Quân giới thiệu: Trước kia, nơi đây là hồ nuôi cá, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư cải tạo thành hồ phục vụ huấn luyện bơi cho bộ đội. Tuy không còn nguồn thu đáng kể từ nuôi cá, góp phần cải thiện bữa ăn, nhưng bù lại, đây là nơi khá “lý tưởng” để huấn luyện bơi cho bộ đội ngay trong doanh trại. Điều này hết sức cần thiết, nhất là ở đơn vị chủ lực, luôn sẵn sàng cơ động, huấn luyện, diễn tập, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn rộng, qua nhiều loại địa hình.

Đóng quân ở vùng đồng bằng ven biển, đất chật người đông, đơn vị chủ động tận dụng mọi diện tích đất, san lấp một số ao hồ, đất trũng để quy hoạch, xây dựng bãi tập. Được địa phương quan tâm, cấp thêm hơn 10ha đất, đơn vị khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh bãi tập huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, huấn luyện chiến thuật (cấp đại đội trở xuống); chủ động liên hệ sử dụng trường bắn của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình khi tổ chức bắn đạn thật. Đến nay, các nội dung, khoa mục huấn luyện, đơn vị đều có địa điểm huấn luyện, không để xảy ra chồng chéo bãi tập hoặc không thực hành huấn luyện được do thiếu bãi tập. Qua kiểm tra của Bộ, quân khu… hầu hết các nội dung huấn luyện, đơn vị đều đạt khá, giỏi, an toàn tuyệt đối.

Chuẩn bị mô hình, đồ dùng huấn luyện đủ số lượng, chủng loại, đúng quy cách; chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, khả năng áp dụng rộng rãi… góp phần khắc phục thiếu bãi tập và những hạn chế của địa hình, thời tiết, khí hậu. Các phân đội đã làm mới nhiều bệ huấn luyện bắn súng tiểu liên AK ở tư thế nằm, đứng; các loại hàng rào, ụ súng, lô cốt gọn nhẹ, tiện lợi, dễ cơ động, sử dụng ở nhiều địa hình. Việc cải tiến giá treo tranh thành hộp treo tranh khi huấn luyện đã khắc phục được tình trạng tranh bị bay, rách, bộ đội khó theo dõi… nhất là khi gió to. Hộp sử dụng thuận tiện, bảo quản tranh tốt hơn khi huấn luyện, di chuyển… Mong muốn chung của cán bộ, chiến sĩ là các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, sản xuất, cấp phát thống nhất các mô hình, đồ dùng huấn luyện “mẫu”, tiện cơ động, bố trí ở các loại địa hình.

Điều hành huấn luyện khoa học

Các phân đội nắm chắc địa bàn đóng quân, xác định thời điểm thu hoạch lúa, hoa màu của nhân dân, tận dụng diện tích chưa trồng, cấy để huấn luyện một số nội dung phù hợp với từng đối tượng; xây dựng công trình huấn luyện dã chiến ngoài doanh trại. Việc bố trí, sử dụng bãi tập được điều hành theo kế hoạch, hợp lý, phù hợp với đối tượng huấn luyện. Các bãi tập “vòng ngoài” (cách đơn vị khoảng 3 đến 4km) được dành cho chiến sĩ năm thứ nhất, năm thứ hai; bãi tập trong doanh trại ưu tiên cho huấn luyện chiến sĩ mới, phù hợp với diện tích và đường cơ động. Được cấp trên đầu tư và phát huy nội lực, đến nay, hệ thống bãi tập trong doanh trại của đơn vị đã đáp ứng được 100% các nội dung huấn luyện về điều lệnh, thể lực, kỹ thuật chiến đấu bộ binh bài 1, huấn luyện chiến thuật đến cấp tiểu đội.

Theo Đại tá Phạm Đức Lâm, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn B95: Việc tự học, tự rèn của cán bộ, vận dụng kiến thức cơ bản, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu… phù hợp với điều kiện bãi tập, địa hình của từng đơn vị là hết sức quan trọng. Trong tập huấn cán bộ, với đặc điểm bãi tập như Đơn vị 8, Đoàn chỉ đạo chú trọng bồi dưỡng các nội dung kỹ thuật, chiến thuật ở địa hình đồng bằng, chủ yếu dựa vào công sự ứng dụng, thế trận chiến tranh nhân dân, cụm làng xã chiến đấu; tăng cường xoay vòng đổi tập, chia bài tập thành các phân đoạn nhỏ để tổ chức huấn luyện. Cán bộ phải tích cực bám nắm, điều hành huấn luyện, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung, địa điểm… Các phân đội từng bước xây dựng, hoàn chỉnh đầu bài, phương án tập, tưởng định chiến thuật tiến công và phòng ngự sát với địa bàn; triệt để lợi dụng đê, kênh mương, rìa làng… để tổ chức huấn luyện.

Tại các khu vực đất canh tác, đất nhàn rỗi của địa phương, đơn vị liên hệ tổ chức huấn luyện các nội dung kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật cấp trung đội, đại đội. Với bãi tập xa doanh trại, đơn vị tổ chức hành quân huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận kết hợp luyện tập chiến thuật, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, kiểm tra bắn hỏa lực; vừa rèn luyện sức khỏe dẻo dai cho bộ đội, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy hành trú quân chiến đấu cho cán bộ các cấp, luyện tập phương án phòng tránh, đánh trả sát với thực tế địa bàn.

Những giải pháp của Đơn vị 8 trong khắc phục tình trạng thiếu bãi tập khá hiệu quả, cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm, vận dụng linh hoạt, phù hợp với địa hình, địa bàn đóng quân, đặc điểm nhiệm vụ của từng đơn vị.

PHẠM QUÂN