LLVT tỉnh Quảng Bình vừa tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa bố trí lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi nước rút, cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Lệ Thủy cùng lực lượng dân quân khẩn trương triển khai công tác tổng dọn vệ sinh, giúp nhân dân tu sửa nhà cửa, dọn lũ tại các địa phương. Việc mà bộ đội ưu tiên nhất lúc này là việc giúp các trường học khắc phục hậu quả để thầy và trò sớm quay lại học hành. Do lực lượng mỏng nên cán bộ, chiến sĩ chia thành nhiều kíp, mỗi kíp từ 2-3 người tiến hành tổng dọn vệ sinh. Tại các trường học, chúng tôi thấy các kíp phối hợp rất nhịp nhàng, triển khai công việc hiệu quả. Kíp thì dùng ván để đẩy bùn ra khỏi khuôn viên nhà trường; kíp khác lại dùng vòi phun nước cỡ lớn rửa sạch toàn bộ sân trường và các lớp học. Cứ thế, các cán bộ, chiến sĩ miệt mài dọn lũ từ điểm trường này qua điểm trường khác...
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lệ Thủy giúp Trường Mầm non thị trấn Kiến Giang khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Nằm ở trung tâm huyện Lệ Thủy nhưng Trường Mầm non thị trấn Kiến Giang năm nào cũng bị ngập nặng. Mấy ngày trước, nhà trường chìm sâu trong nước lũ hơn 1,2m. Cô Võ Thị Đoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Kiến Giang tâm sự: “Nước đã rút, nhưng cơ sở vật chất ngổn ngang, chìm trong bùn đất. Cán bộ, giáo viên, nhà trường chủ yếu phụ nữ nên xác định phải mất 2-3 ngày mới dọn dẹp xong. Rất may, có các anh bộ đội tới giúp đỡ cô trò. Chúng tôi biết thời gian qua, các anh phải căng mình tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, thế nhưng khi thấy mưa lũ về, chẳng quản ngại khó khăn, các anh lại chung tay giúp nhà trường khắc phục hậu quả. Nhờ đó mà ngày mai, nhà trường đã có thể tổ chức dạy học trở lại".
Trực tiếp chỉ huy khắc phục hậu quả tại 3 xã miền núi Lâm Thủy, Kim Thủy và Ngân Thủy, Thượng tá Trần Đình Thắng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lệ Thủy, cho biết: “Trước đó, chúng tôi đã chủ động triển khai các phương án vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa chủ động phòng, chống thiên tai với phương châm "4 tại chỗ". Đối với các xã miền núi và các xã dọc sông Kiến Giang chúng tôi bố trí 20 cán bộ của cơ quan và hơn 500 đồng chí dân quân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tập trung tuyên truyền, vận động di dời gần 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Chính vì thế, trên địa bàn, đợt lũ này không bị thiệt hại về người”. Mưa lũ đi qua làm 13 ngôi nhà tại bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) của bà con Vân Kiều bị thiệt hại nặng. Ngay sau mưa lũ, cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện và lực lượng dân quân địa phương đã giúp bà con dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Đợt lũ vừa qua, căn nhà của gia đình bà Hồ Thị Lài bị thiệt hại nặng nhất. Giọng bùi ngùi bà Lài kể với chúng tôi: “Nhà tui ở bên suối. Bất ngờ con nước ầm ầm trên núi đổ về khiến căn nhà bị sập. May mà trước đó, tui nghe bộ đội đi lên trụ sở ủy ban nhân dân xã ở tạm. Bây giờ, mấy chú bộ đội còn sửa sang lại nhà cho tui nữa...”. Nói chưa dứt câu, đôi mắt bà Lài rưng rưng, giọng lạc đi.
Tính đến ngày 20-10, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Lệ Thủy đã sửa sang lại 47 nhà dân bị hư hỏng; vệ sinh môi trường, khử khuẩn 17 trường học, 13 trạm y tế. Ngoài ra, Ban CHQS huyện phối hợp với Ban quản lý Công trình công cộng thu dọn các cây gẫy đổ, khắc phục 50km tuyến đường liên thôn, liên xã, nội thị bị rác vùi lấp...
Những ngày qua, LLVT tỉnh Quảng Bình vừa phải tham gia phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả tham gia giúp nhân dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ, DQTV có mặt ở các thôn, bản, trên các tuyến đường, trường học, trạm y tế... giúp người dân dọn lũ, tu sửa nhà cửa, di dời tài sản khiến người dân nơi đây thêm ấm lòng và trân quý!
Bài và ảnh: HOA LÊ - HỮU HIỆP