QĐND Online – Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa được giao nhiệm vụ giúp đồng bào dân tộc thiểu số bốn xã đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh xóa đói giảm nghèo, kết hợp với xây dựng nông thôn mới, đến nay, mặc dù thời gian triển khai chưa nhiều, bài toán xóa đói nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn không ít khó khăn, song, với tinh thần vì nhân dân quên mình, Lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa đã thu được một số kết quả bước đầu khá vững chắc.
“Vật cản” tiến trình xóa đói nghèo
Xã Sơn Thái nằm ở phía Tây và cách trung tâm huyện Khánh Vĩnh 18 km. Toàn xã có 409 hộ/1.836 nhân khẩu, trong đó có 95% là người dân tộc thiểu số Trin, Răglay, Ê Đê, Tày, H,Rê... Qua khảo sát của chính quyền địa phương và Ban chỉ huy quân sự huyện Khánh Vĩnh, xã Sơn Thái có 296 hộ nghèo, trong đó có 118 hộ đói ăn (thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/tháng). Hệ thống điện, đường, trường, trạm của địa phương đã được xây dựng và củng cố. Song, so với 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới vẫn chưa đạt yêu cầu, có nhiều nội dung phải xây dựng từ đầu và cũng có nội dung phải củng cố thêm. Chung tình trạng ấy, xã Khánh Phú, nơi có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ trên 90%, với 642 hộ gia đình, nhưng có tới 192 hộ nghèo và 175 hộ cận nghèo. Tại huyện Khánh Sơn, khảo sát tại xã Ba Cụm Nam, Thành Sơn cũng có những đặc điểm chung tương tự, đó là: tỉ lệ hộ gia đình nghèo và cận nghèo khá cao; cơ sở hạ tầng giao thông và chắm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa, thể thao... còn nhiều hạn chế. Một trong những khó khăn chung lớn nhất, là vật cản ảnh hưởng đến kết quả xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở những địa phương này, đó là trình độ dân trí thấp, người dân chưa có ý thức cao trong việc thay đổi nếp nghĩ và các tập quán, phương thức sản xuất truyền thống, chưa ứng dụng được nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng và canh tác.
 |
Cán bộ LLVT tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mít nghệ cho bà con dân tộc thiểu số |
 |
Quân y của LLVTT tỉnh Khánh Hòa khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Thượng tá Nguyễn Sơn, Chính trị viên BCHQS huyện Khánh Sơn cho biết, do trình độ nhận thức còn hạn chế nên một số ít đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, đem các tài sản có giá trị mà các đơn vị, địa phương tài trợ để đổi lấy nhu yếu phẩm và các vật dụng khác... Thực tế tại xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) cho thấy, một số hộ gia đình còn trông chờ, ỷ nại vào Nhà nước, các tổ chức xã hội nên trách nhiệm với việc chăn nuôi và chăm sóc cây trồng chưa cao. Trong 2.000 cây mít nghệ do các đơn vị đưa đến giúp bà con trồng tại đây, tỉ lệ sống sót là 87%, tỉ lệ hao hụt do bò ăn, do chăm sóc không đúng quy trình, do úng ngập, hạn hán chiếm tỉ lệ 13%. Thượng tá Đoàn Tiến Thành, Chỉ huy trưởng BCHQS huyện Khánh Vĩnh, người đã có thâm niên gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số hai huyện trên kể, việc tuyên truyền cho đồng bào thực hiện nếp sống mới và áp dụng các biện pháp khoa học vào canh tác, nuôi trồng phải khéo léo, kiên trì và liên tục, đó là quá trình rất dài, tiến hành không thể nóng vội và chủ quan.
Già làng Mấu Xuân Dương ở xã Ba Cụm Nam, người đã nhiều năm gắn bó với việc vận động bà con dân tộc Gaglai trồng lúa nước, trồng chuối thoát nghèo và thực hiện nếp sống mới chia sẻ, ngày trước đồng bào còn du canh, du cư, phương pháp canh tác gói gọn trong mấy từ “cuốc, đốt, cốt, trỉa”, nếu không có bộ đội giúp đỡ thì bà con khó có cuộc sống ổn định và sung túc như hiện nay.
Tìm hiểu thực tế tại địa phương cho thấy, bên cạnh nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số chăm chỉ sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mà cán bộ tập huất, tuyên truyền thì cũng có một số hộ gia đình chưa chú tâm làm ăn, chưa thay đổi nếp nghĩ và cách làm, đời sống còn nhiều khó khăn. Đây chính là vật cản, cản trở thực hiện mục tiêu xóa nghèo tại địa phương, cũng như cản trở việc xây dựng nông thôn mới đang triển khai.
Giúp dân cái “cần” để câu “cá”
Trung tá Trịnh Việt Thành, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi năm các đơn vị được giao nhiệm vụ đều đặt ra mục tiêu “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị đã trải qua nhiều lần rút kinh nghiệm chặt chẽ, từ khâu chỉ đạo đến khâu tổ chức, triển khai thực hiện, trong đó hết sức coi trọng công tác rà soát đối tượng nghèo và cận nghèo. Đại tá Lê Văn Chín, Chính ủy Bộ CHQS Khánh Hòa phân tích, nếu tặng sổ tiết kiệm, đến hạn các hộ rút tiền ra tiêu không phải suy nghĩ gì. Nếu cho gạo, đồng bào ăn, hoặc đổi vật dụng rồi cũng hết. Nếu cho vật dụng thiết yếu, khả thi đấy, nhưng chưa phải là giải pháp bền vững. Phương án tối ưu là phải chỉ cho đồng bào cách làm ra sản phẩm trên chính mảnh đất của họ. Nói một cách hình ảnh là cho họ cái cần câu, chỉ cho họ cách làm thế nào để câu được cá, thay vì cho họ con cá. Cuối cùng Đại tá Lê Văn Chín chốt lại: Đây là việc cực khó, không thể làm ngày một ngày hai, không thể có các đơn vị quân đội và lực lượng vũ trang địa phương mà phải là sự đồng tâm, hiệp lực và trách nhiệm của nhiều ngành tại địa phương.
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số địa phương thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã cử các đội công tác đến từng hộ gia đình khảo sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng rồi mới phân tích, tổng hợp, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương biện pháp tháo gỡ. Đối với các đội công tác, việc tuyên truyền vận động người dân tự giác từ bỏ dần các hủ tục mê tín dị đoan trong cuộc sống là việc thường xuyên, liên tục. Theo Thượng tá Đoàn Tiến Thành, chỉ huy trưởng Ban CHQS Khánh Vĩnh, đồng bào ở hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã bỏ được chế độ mẫu hệ; hiện tượng cúng ma, cúng giàng, phạt vạ... đã hạn chế nhiều; ăn uống trong lễ cưới không kéo dài, nhiều hộ gia đình đã dần học theo nếp sống, sinh hoạt của người miền xuôi. Cũng theo Thượng tá Thành, nhiều hộ dân tộc thiểu số nghe, làm theo sự hướng dẫn của bộ đội và cán bộ khuyến nông đã vươn lên, không chỉ thoát nghèo mà còn có tích lũy một cách bền vững, điển hình như hộ gia đình ông Cao Văn Quảng và Bùi Văn Năm ở Khánh Trung, thu nhập mỗi năn từ làm rãy, trồng gió bàu và chăn nuôi đạt từ 100 triệu đồng trở lên. Mấu Thái Cư, Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, nhiều hộ gia đình làm theo cách chỉ dẫn của cán bộ đã có của ăn của để, mua được nhiều vật dụng hiện đại. Giờ thì đồng bào rất ưng cái bụng và và nghe theo bộ đội hướng dẫn trồng mít nghệ, mía tím, nuôi bò, trồng keo, trồng lúa nước.
 |
Tặng bò cho bà con dân tộc thiểu số |
 |
Giúp nhân dân địa phương canh tác |
Với chủ trương giúp nhân dân tạo cần câu, 6 tháng đầu năm 2012, Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức được nhiều đợt phối hợp tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, canh tác cho đồng bào các xã: Ba Cụm Nam, Thành Sơn (huyện Khánh Sơn); xã Sơn Thái, xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh). Tổ chức thăm, tặng 232 xuất quà, tương đương 65.450.000 đồng, 200kg gạo, 215 bộ quần áo cho các đối tượng chính sách và đồng bào nghèo. Các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương: trồng 5 hecta sầu riêng, 2 hécta keo lá tràm; sửa chữa 01 nhà dân; trao, tặng 05 sổ tiết kiệm, 4 con bò giống, 4 bộ âm thanh loa đài cho 4 thôn của xã Khánh Phú và dụng cụ cấp dưỡng cho Trường mẫu giáo Sơn Ca, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 lượt người, với tổng giá trị 205 triệu đồng.
Vài năm lại đây, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, đặc biệt là sự phối hợp tuyên truyền, vận động hiệu quả của các cán bộ Ban CHQS huyện và các ngành của địa phương, bộ mặt nông thôn ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã có bước phát triển mới, nét nổi bật là đời sống các hộ gia đình dân tộc thiểu đã được nâng lên, tỉ lệ hộ đói nghèo ngày càng giảm, số hộ thoát nghèo bền vững ngày càng tăng. Bà con dân tộc thiểu số đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các chăn nuôi và trồng trọt để cho hiệu quả kinh tế cao. Kết quả đó có một phần công lao đóng góp không nhỏ trong chỉ đạo của Đảng ủy Bộ CHQS và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn. Hy vọng rồi đây, việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục đem lại cho địa phương, cho đồng bào các dân tộc thiểu số thêm một nét mới, hiệu quả hơn, khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi sẽ dần thu hẹp.
Bài, ảnh: Mạnh Thắng