QĐND - Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng, Bộ đội Pháo binh quân đội ta đã tham gia tất cả các chiến dịch. Ở từng chiến dịch, với từng đối tượng tác chiến, Bộ đội Pháo binh luôn chủ động, sáng tạo, biết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tìm ra cách đánh hay; phát huy được sức mạnh tổng hợp, tập trung vào các trận đánh then chốt và hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu; tạo thời cơ quan trọng để nâng cao hiệu quả hỏa lực chi viện cho binh chủng hợp thành đánh thắng địch trong từng trận đánh, từng tình huống chiến dịch. Một trong những trận đánh nổi bật đó là trận Thượng Đức năm 1974.

Chiến thắng Thượng Đức đã mở toang "cánh cửa thép" bảo vệ phía Tây Đà Nẵng, nó còn mang ý nghĩa về mặt chiến lược: Đó là tạo thế, tạo lực cho những chiến dịch có ý nghĩa chiến lược tiếp theo. Trong Chiến dịch Thượng Đức, pháo binh có vai trò rất quan trọng, chi viện đắc lực, kịp thời và hiệu quả cho Sư đoàn 304 và các lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh địch. Vai trò đó thể hiện ở từng trận đánh, từng giai đoạn cụ thể của chiến dịch.

Bộ đội Pháo binh quân Giải phóng miền Nam bắn chế áp hỏa lực địch. Ảnh tư liệu.

Căn cứ Thượng Đức ở phía Tây Quảng-Đà, cách thành phố Đà Nẵng 40km, là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng-một trong những căn cứ lớn của địch ở miền Nam. Địch chia Thượng Đức làm ba khu vực phòng ngự, bố trí thành cụm cứ điểm, tạo thế liên hoàn với các đơn vị tinh nhuệ, quân số đông, nhiều lực lượng chốt giữ. Tại đây, địch còn tăng cường công sự phòng ngự kiên cố với hệ thống hầm ngầm hoàn chỉnh và các hỏa điểm bí mật, nên được mệnh danh là "mắt ngọc", "cánh cửa thép bất khả xâm phạm".

Ngày 6-6-1974, Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 304 mang mật danh Đoàn 711, được tăng cường Trung đoàn Bộ binh 3 (Sư đoàn 324, Quân đoàn 2) và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng-Đà, cùng với một số đơn vị chiến đấu và bảo đảm chiến đấu khác, đảm nhiệm tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch trong khu vực Thượng Đức. Để đánh trận Thượng Đức, Sư đoàn 304 phải thực hiện một khối lượng công việc rất to lớn, phải tổ chức và thiết bị chiến trường để có thể đánh hiệp đồng binh chủng, đánh liên tục dài ngày cả mùa khô và mùa mưa. Phải làm mới và sửa chữa 124km đường ô tô, trong đó có hơn 300 cầu và ngầm từ trục đường Đông Trường Sơn trở về Thượng Đức. Phải cơ động lực lượng từ Quảng Trị và Bắc Khu 5, chặng đường dài xấp xỉ 400km. Phải vận chuyển hàng nghìn tấn đạn, gạo và các phương tiện vật chất kỹ thuật khác để có thể vừa đánh thắng ở Thượng Đức vừa sẵn sàng đánh bại quân địch ra phản kích chiếm lại. Ngoài ra, sư đoàn làm nhà ở tạm, đào hầm và chuẩn bị lương thực, thuốc men để sơ tán hơn 10.000 dân khi ta đánh và giữ Thượng Đức. Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho tỉnh Quảng-Đà phối hợp chiến đấu với Sư đoàn 304.

Chiến dịch Thượng Đức mở đầu vào 5 giờ ngày 29-7-1974. Đến sáng 7-8-1974, ta hoàn toàn giải phóng Thượng Đức. Tham gia chiến dịch, các lực lượng pháo binh đã quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm chiến đấu tốt, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt địch ngay từ loạt đạn đầu.

Trong chiến dịch, ta đã phát huy hiệu quả hỏa lực pháo binh với cách đánh độc đáo, luồn phía sau địch, chiếm lĩnh bí mật, bố trí trận địa hiểm hóc. Bộ đội Pháo binh đã dũng cảm đưa pháo lên cao, kéo pháo vào gần, bắn ngắm trực tiếp chi viện cho bộ binh trên từng hướng, từng mũi đánh địch hiệu quả. Để phát huy uy lực của pháo binh, đặc biệt là bắn các mục tiêu kiên cố trong công sự, đồng thời làm cho tinh thần địch hoang mang, cơ quan pháo binh Quân khu 5 và Sư đoàn 304 lập kế hoạch đưa pháo 85mm từ điểm cao 118 lên điểm cao 296 để bắn ngắm trực tiếp ở cự ly 700m. Đây là kế hoạch sử dụng pháo táo bạo và hiểm hóc. Trung đoàn Pháo binh 68 đã thực hiện thành công việc tháo rời từng bộ phận để di chuyển pháo, trinh sát phát hiện mục tiêu chính xác, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa pháo binh với bộ binh và các loại hỏa lực khác để chi viện cho các lực lượng tiến công địch giành thắng lợi.

Ta đã vận dụng sáng tạo phương pháp bắn, cơ động lực lượng nhanh, cơ động hỏa lực kịp thời để xử trí các tình huống, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu chi viện hỏa lực trong chiến đấu. Khi phát triển vào trung tâm, các mũi tiến công của ta vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch, chấp hành mệnh lệnh của Sở chỉ huy chiến dịch, Bộ đội Pháo binh đã sáng tạo dùng hỏa lực bắn lướt sườn chi viện cho bộ binh đập tan các ổ đề kháng của địch. Việc chuyển hướng tiến công đã hạn chế một phần hỏa lực bắn thẳng và phi pháo của địch, tạo điều kiện đột phá thành công. Cùng với lực lượng địa phương, các đơn vị pháo binh tham gia chiến dịch đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu được giao trong chiến dịch.

Mất Thượng Đức, cánh cửa bảo vệ phía Tây khu liên hợp quân sự lớn của địch ở Đà Nẵng đã mở toang, đây là một đòn nặng cả về quân sự và tâm lý đối với địch. Do vậy, địch quyết định điều phần lớn sư đoàn dù từ Quảng Trị vào Quảng-Đà cùng với Sư đoàn 3, mở cuộc hành quân chiếm lại Thượng Đức. Bộ đội Pháo binh tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho Sư đoàn 304 tổ chức chiến đấu giữ vững vùng mới giải phóng Thượng Đức.

Chiến dịch Thượng Đức thắng lợi thể hiện ý chí, lòng quyết tâm và tinh thần sáng tạo, không ngừng phát huy sáng kiến cải tiến phương thức tác chiến của lực lượng pháo binh. Bài học về tổ chức, sử dụng pháo binh trong chiến dịch Thượng Đức tiếp tục được nghiên cứu, phát triển để vận dụng xây dựng cách đánh mới của Bộ đội Pháo binh trong điều kiện tác chiến mới.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CÔN
Tư lệnh Binh chủng Pháo binh