QĐND - “Lấy vũ khí của địch để đánh địch” là phương châm hành động của bộ đội ta trong chiến đấu, đồng thời là biện pháp quan trọng để bảo đảm kỹ thuật góp phần cho chiến đấu thắng lợi. Việc này được tiến hành từ những trận đánh đầu tiên khi quân đội ta mới ra đời và tiếp tục được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Đặc biệt là trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cách đây tròn 40 năm về trước, để tập trung một khối lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho chiến đấu.
 |
Kiểm tra máy bay A37 chuẩn bị đánh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975. Ảnh tư liệu
|
Trước khi vào Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã có công tác chuẩn bị chu đáo về hậu cần, kỹ thuật. Đoàn 559 đã sử dụng hơn 1000 xe vận tải cùng các lực lượng khác vận chuyển vật chất đạt 110% kế hoạch, bảo đảm đủ cho bộ đội Tây Nguyên hoạt động trong cả năm 1975. Các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của ta cũng đã tiếp nhận 1.681 tấn vũ khí, đạn. Song, ngay trong những trận đánh mở màn chiến dịch ngày 10-3, Trung đoàn Đặc công 198 đã thực hiện tốt phương châm “Lấy vũ khí của địch để đánh địch”, nhanh chóng đánh chiếm kho Mai Hắc Đế, thu giữ 50 nhà kho đạn pháo (hơn 100.000 tấn), 200 súng các loại, kịp thời trang bị cho các đơn vị sử dụng, tăng cường hỏa lực cho các đơn vị trên chiến trường. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, ta đã thu hơn 10 nghìn tấn chiến lợi phẩm, trong đó có 3.855 tấn đạn, 150 tấn vật chất cùng hàng chục nghìn khẩu súng, pháo, xe ô tô, trang thiết bị quân sự...
Đến Chiến dịch Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng, ta tiếp tục thu được 102.027 tấn chiến lợi phẩm, trong đó có hàng vạn tấn vũ khí đạn dược. Khối lượng vật chất, kỹ thuật to lớn này đã kịp thời bổ sung cho bộ đội ta bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, có ghi: “Chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng đã tăng sức chiến đấu của ta lên gấp bội. Ta thu được một khối lượng lớn vũ khí đạn dược của địch. Quân chủ lực trong một thời gian ngắn đã tăng lên gấp bội, có sức cơ động khắp chiến trường”. Trong đội hình xe đưa các binh đoàn chủ lực cơ động thần tốc vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, có nhiều phương tiện, vũ khí thu được của địch từ các chiến dịch trước đó. Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) cho biết: “Để bảo đảm cho sư đoàn cơ động chiến đấu, tiến đánh vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, Sư đoàn 304 đã sử dụng hơn 400 phương tiện các loại, trong đó có nhiều phương tiện thu được của địch trên chiến trường. Bản thân tôi là Sư đoàn trưởng khi chỉ huy bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn cũng cơ động trên một chiếc xe chiến lợi phẩm...”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã huy động tổng lực về lực lượng, VKTBKT để giành thắng lợi. Phương châm “lấy vũ khí của địch để đánh địch” tiếp tục được vận dụng sáng tạo, hiệu quả. Điển hình nhất là việc ta đã sử dụng máy bay thu được của địch để đánh địch đúng vào thời điểm then chốt của chiến dịch, khiến cho chúng càng thêm hoảng loạn, nhanh chóng sụp đổ. Ngày 28-4-1975, “Phi đội quyết thắng”, gồm 5 máy bay A37 thu được của địch, do phi công Nguyễn Thành Trung bay dẫn đường đã cất cánh từ Sân bay Thành Sơn (Phan Rang), cắt bom chính xác vào các mục tiêu trong Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay của địch. Thực hiện trận đánh này, một số phi công của ta đã phải nỗ lực huấn luyện chuyển loại gấp trong 6 ngày. Cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Phòng không-Không quân đã chuẩn bị kỹ máy bay A37 từ Đà Nẵng, hóa nghiệm xăng dầu, đưa máy bay vào Phan Rang bí mật, an toàn.
Thực hiện phương châm “lấy vũ khí của địch để đánh địch”, thể hiện rõ trong các chỉ thị, quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc tiếp quản, thu hồi trang bị, vật tư ở chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 27-3-1975, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật đã thành lập đoàn tiếp quản, thu hồi cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến đấu ở chiến trường Trị-Thiên. Đến ngày 16-4-1975, Tổng cục Kỹ thuật tiếp tục thành lập Đoàn tiếp quản gồm đầy đủ các cơ quan trong ngành kỹ thuật. Ngày 20-4, Tổng cục Kỹ thuật tiếp tục ra quyết định thành lập Cơ quan tiếp quản về kỹ thuật quân sự ở Sài Gòn-Gia Định với lực lượng hùng hậu hơn 3.800 người, trong đó có 579 cán bộ. Đặc biệt, ngay sau Chiến thắng 30-4, ngày 4-5-1975, Quân ủy Trung ương đã ra Chỉ thị số 126/QUTW về công tác thu hồi, quản lý, bảo quản, sử dụng các cơ sở vật chất, kỹ thuật thu được của địch trong vùng giải phóng. Nhờ vậy, những VKTBKT thu được từ trong chiến tranh đã được Quân đội ta quản lý, sử dụng hiệu quả...
Ngày nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, việc giữ tốt, dùng bền, sử dụng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả VKTBKT, trong đó có những VKTBKT thu được từ trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây luôn là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm, thể hiện sự trân trọng về những thành quả đã được đổi bằng xương máu của các thế hệ đi trước. Phương châm “lấy vũ khí của địch để đánh địch” là bài học kinh nghiệm sâu sắc, tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong công tác bảo đảm kỹ thuật trong giai đoạn mới...
ĐÀO DUY HÒA - HOÀNG NGỌC CẨN, Giảng viên Học viện Chính trị