Năm 1947, giặc Pháp kéo quân về thôn cầu Đơ, thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông (trước đây) để lập đồn bốt chống phá quân ta. Chúng bắt thanh niên trong làng vào đội quân hương dũng (lực lượng tề tại địa phương) để bắt bớ những người đi hoạt động kháng chiến, đồng thời phối hợp với bọn Com-măng-đô (quân tình nguyện) và Ba-ti-găng (quân chính quy) để bảo vệ cơ quan mật thám của địch ở Bắc Việt và cơ quan đầu não ở Hà Đông. Bọn hương dũng đóng ở bốt cầu Đơ có nhiều tên phản động khét tiếng, thường đi lùng sục, tuần tra, bắt bớ và tra tấn dã man những người theo cách mạng. Thôn cầu Đơ những năm đó lại chưa gây dựng được cơ sở kháng chiến, nên việc đi lại, hoạt động của cán bộ địch vận gặp rất nhiều khó khăn… Đến năm 1953, một số chị em phụ nữ có người nhà tham gia kháng chiến mới dám làm giao liên mật.

Bà Túc Lâm là người có họ với ông Thông, đang giữ chức phó sếp bốt. Cách mạng giao cho bà phải gây dựng mối quan hệ chặt chẽ với “sếp” phó để lấy tin tức, nhờ vậy, ta nắm rất rõ quân số, vũ khí trang bị trong đồn và thủ đoạn hoạt động của bọn mật thám. Ông Thông còn giúp ta rải truyền đơn ở chợ thị xã Hà Đông phản đối quân xâm lược và bọn tay sai, kêu gọi anh em binh lính bỏ hàng ngũ địch trở về với quê hương. Cuối 1953, ban địch vận giao nhiệm vụ cho ông Thông tuyên truyền tin thất thiệt trên chiến trường và bằng mọi cách hạn chế lính đồn cầu Đơ đi gây tội ác. Giữa 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân địch bị tan rã ở nhiều nơi, ông Thông và ban địch vận của ta tăng cường vận động hương dũng đồn cầu Đơ mang nộp toàn bộ vũ khí, trở về với kháng chiến.

Bốt đồn cầu Đơ không còn một tên giặc, quân ta không cần đánh mà địch vẫn tan rã.

NGUYỄN CÔNG CƯƠNG