QĐND - Trong suốt chặng đường gần 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ ngành quân giới đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, thi đua lao động sáng tạo, nghiên cứu, cải tiến, sản xuất các loại vũ khí, trang bị (VKTB) cung cấp cho các chiến trường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) tiếp tục được Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đặc biệt coi trọng, là động lực tinh thần, biện pháp hữu hiệu để quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TĐKT và Phong trào TĐQT, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới việc tổ chức thực hiện Phong trào TĐQT theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích; gắn với đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng; kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua và công tác khen thưởng. Trong triển khai thực hiện Phong trào TĐQT, đã thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành, hướng vào giải quyết hiệu quả khâu yếu, việc khó. Các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành nội dung, chương trình hành động cụ thể với nhiều cách làm sáng tạo, có sức thuyết phục và sự lan tỏa sâu rộng. Trọng tâm là triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, đẩy mạnh sản xuất kinh tế, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Theo đó, thường xuyên quan tâm, phát huy vai trò của Hội đồng TĐKT và cơ quan chính trị các cấp trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá và đề xuất khen thưởng. Việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến có kế hoạch cụ thể; quan tâm xây dựng điển hình là các tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khó khăn, gian khổ.
 |
Cán bộ, nhân viên Nhà máy Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) tiếp nhận thiết bị mới của dây chuyền sản xuất súng bộ binh. Ảnh: Sỹ Hùng
|
Với những hiệu ứng tích cực từ Phong trào TĐQT, đến nay, một số nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi hàm lượng khoa học-công nghệ cao đã được cán bộ, công nhân viên, người lao động trong tổng cục giải quyết hiệu quả. Tổng cục đã làm chủ công nghệ và sản xuất được một số sản phẩm mới như: Đạn pháo cao xạ 37mm, 57mm; khí tài quan sát ngắm bắn đêm; các loại thuốc nổ mạnh; tàu tên lửa, tàu pháo đến 500 tấn; tên lửa phòng không tầm thấp, tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo súng bộ binh thế hệ mới. Nghiên cứu, đóng mới thành công tàu tên lửa tiến công nhanh M1, M2; tàu pháo TT400TP, tàu khảo sát đo đạc biển… Thi đua thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, đơn vị đã tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại; phát động phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học. Giá trị hàng xuất khẩu hằng năm luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, năm 2014 dự kiến đạt hơn 2000 tỷ đồng. Tổng cục đã triển khai hàng trăm đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học-công nghệ các cấp; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất và nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo VKTB mới. Tổng cục cũng đã đẩy mạnh phong trào thi đua trên các mặt công tác huấn luyện, cải cách hành chính quân sự, xây dựng nền nếp chính quy… Với những kết quả đạt được trong thực hiện Phong trào TĐQT giai đoạn 2009-2014, Tổng cục CNQP đã có 5 tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới, cùng hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại trong tổ chức thực hiện Phong trào TĐQT những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP rút ra một số kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua, đó là: Cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có nhận thức đúng về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TĐKT và Phong trào TĐQT; đề cao trách nhiệm, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua. Chủ đề thi đua phải ngắn gọn; chỉ tiêu thi đua cụ thể, có tính khả thi; mục tiêu thi đua phải có tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đột phá vào những khâu yếu, việc khó. Quá trình tổ chức thi đua chú ý việc lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào thi đua của các ngành.
Tổng cục và các cơ quan, đơn vị luôn coi trọng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức và tạo động cơ thi đua đúng đắn, nhằm khơi dậy ý thức tự giác thực hiện của các tập thể, cá nhân; đấu tranh phê phán những biểu hiện ganh đua, thổi phồng thành tích, hoặc nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh đơn thuần. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng; TĐKT với công tác chính sách, công tác cán bộ. Trong khen thưởng cần hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đối tượng lao động, công tác trực tiếp ở cơ sở; quan tâm củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả của Hội đồng TĐKT và cơ quan chính trị các cấp; thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác TĐKT.
Trung tướng NGUYỄN ĐỨC LÂM, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP