Thậm chí, VPKL xảy ra ở cả những vị trí trọng yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung của đơn vị và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi VPKL là bài toán khó đối với các cơ quan, đơn vị. Chúng tôi xin giới thiệu một số cách làm hiệu quả với mong muốn giúp các đơn vị đối chiếu, vận dụng vào thực tiễn quản lý bộ đội.
Còn 15 phút nữa mới đến giờ báo thức, nhưng các phòng của cán bộ, chỉ huy các cấp ở Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) đều đã sáng đèn. Ngày nào cũng vậy, bất kể mùa đông, mùa hè, nắng hay mưa, các anh đều chủ động thức dậy trước giờ báo thức của đơn vị; vừa để kiểm tra việc thực hiện nền nếp, chế độ của cán bộ, chiến sĩ, vừa chủ động tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt cho ngày làm việc mới.
 |
Giờ nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3). |
Hỏi chuyện, chúng tôi được Đại úy Lương Văn Đức, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 335, chia sẻ: "Thói quen này của chỉ huy đơn vị được duy trì nhiều năm nay, trở thành ý thức tự giác của từng người". Anh cho rằng, việc nêu gương trong thực hiện lễ tiết tác phong, chấp hành kỷ luật của đội ngũ cán bộ các cấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến sĩ. Sự nêu gương ấy không phải cái gì cao xa, mà nó được thể hiện từ những việc làm nhỏ nhất: Xưng hô, chào hỏi, lời ăn, tiếng nói, quan hệ ứng xử, giải quyết mối quan hệ cấp trên, cấp dưới cho đến chấp hành các nội quy, quy định của đơn vị; chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông...
Tìm hiểu sâu hơn về nội dung này ở Sư đoàn 324, chúng tôi mới “vỡ lẽ”, chủ trương chung của Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn chính là điều kiện tiên quyết để nhiều năm nay, đơn vị không để xảy ra VPKL nghiêm trọng phải xử lý; nội bộ cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất, cùng chung ý chí và quyết tâm trong mọi hoạt động. Cùng với đó, theo Thượng tá Đoàn Xuân Bường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 324: Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn đề cao vai trò, trách nhiệm “tự soi, tự sửa” để khắc phục khuyết điểm, kiên quyết đấu tranh, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm, không để tồn đọng, kéo dài...
Tại vùng cao Tây Bắc, chúng tôi được tiếp cận với phương pháp quản lý kỷ luật khá đặc thù của Lữ đoàn 604 (Quân khu 2). Do đặc điểm đóng quân phân tán, bộ đội chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ở các ca, trạm lẻ trên khắp các điểm cao vùng Tây Bắc; có những trạm nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, cách đơn vị trung tâm gần 500km, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội còn nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Để quản lý chặt chẽ con người ở các đơn vị nhỏ lẻ này, Đại tá Lê Hồng Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 604 cho biết: "Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tư tưởng, tình cảm của bộ đội qua hệ thống thông tin liên lạc, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn định kỳ phân công chỉ huy lên thăm, động viên bộ đội, nắm việc chấp hành kỷ luật, mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ thông qua cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang bị sinh hoạt, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là những trạm trên cao, quanh năm giá rét. Hiện, bộ đội thực hiện nhiệm vụ tại các ca, trạm lẻ của Lữ đoàn 604 đều được tắm nước nóng vào mùa đông, được trang bị đầy đủ các thiết bị nghe, nhìn theo quy định...".
Tại các hội nghị rút kinh nghiệm về công tác quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn, khi nhắc đến giải pháp nâng cao chất lượng phòng, chống VPKL, các ý kiến đều khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ chủ trì các cấp. Đại tá Trần Đình Thọ, Phó chính ủy Sư đoàn 395 (Quân khu 3) cho rằng: "Ở đâu cấp ủy, chỉ huy thực sự sâu sát, coi trọng tập thể, quan tâm đến bộ đội, thì ở đó khó có thể xảy ra VPKL nghiêm trọng".
Để cán bộ nêu gương chấp hành kỷ luật, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn 395 ban hành nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước” với những nội dung, giải pháp đồng bộ, thống nhất, sát đặc điểm nhiệm vụ đơn vị và địa bàn. Đặc biệt, ngoài các nội dung giáo dục chính trị theo quy định, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đã chỉ đạo biên soạn bộ bài giảng giáo dục về “Kỹ năng sống cho bộ đội”, làm bộ thẻ đa năng, tích hợp các kiến thức về pháp luật, kỷ luật và phát hành hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp có nội dung sát thực tiễn cuộc sống để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật cho bộ đội. Cùng với đó, nhiệm vụ giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc sư đoàn luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, người chỉ huy, không có tình trạng “khoán trắng” cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả đơn vị.
Chúng tôi còn ghi nhận cách làm sáng tạo của Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong duy trì kỷ luật, kỷ cương trước hết bắt đầu từ thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ nắm, dự báo, định hướng tư tưởng bộ đội, nhất là chiến sĩ mới để kịp thời xử lý những tình huống tư tưởng phát sinh và ngăn ngừa dấu hiệu VPKL từ lúc manh nha hoặc tiềm tàng.
Thực tiễn cho thấy, các vụ việc VPKL của bộ đội thường xảy ra vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Do đó, để cán bộ, chiến sĩ không có cơ hội nảy sinh những biểu hiện, hành động tiêu cực và VPKL, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần phát huy đúng vai trò, trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao, thực sự gần gũi, sâu sát bộ đội; nắm chắc diễn biến tư tưởng bộ đội. Cùng với đó, quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần bộ đội, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đồng thời, cần thường xuyên tạo môi trường đoàn kết, gắn bó cán-binh, coi chiến sĩ như những người thân trong gia đình, như những người đồng chí, cộng sự thực sự thân thiết. Đó là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa các vụ việc VPKL ngay từ sớm, từ xa.
NGUYỄN HỒNG SÁNG