Thực tế những năm qua, thiên tai, sự cố đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân; trong đó, Quân đội được Đảng, Nhà nước xác định là lực lượng nòng cốt trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa và TKCN, ngày 9-8-2004, Bộ Quốc phòng thành lập Cục Cứu hộ-Cứu nạn (CH-CN) thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày 16-7-2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự (PTDS) quốc gia và Cục CH-CN được bổ sung là Văn phòng Ban chỉ đạo PTDS quốc gia, có nhiệm vụ tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện nhiệm vụ PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; tham mưu với các cấp giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện PTDS, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN; trực tiếp chỉ đạo xử lý các sự cố, thiên tai trên phạm vi toàn quốc và là đầu mối hợp tác quốc tế về lĩnh vực này. 

leftcenterrightdel

Chỉ huy Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4, tháng 10-2023. Ảnh: QUANG THIỆN 

Từ khi thành lập, Cục CH-CN đã tham mưu, chủ trì xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật trình các cấp ban hành, như: Luật PTDS năm 2023; các nghị định trong lĩnh vực PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; kế hoạch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện chiến lược quốc gia PTDS; các đề án phát triển nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN trong phạm vi cả nước và hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời, tham mưu với Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức triển khai các hoạt động về PTDS thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, phát huy hiệu lực, hiệu quả tổ chức, chỉ huy điều hành, phối hợp hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, làm giảm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, Cục CH-CN đã xây dựng nội dung, chương trình và biên soạn tài liệu tập huấn, huấn luyện PTDS cho các đối tượng; lồng ghép nội dung tập huấn, huấn luyện PTDS trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; lồng ghép diễn tập PTDS vào trong diễn tập phòng thủ ở các cấp với nội dung đề mục bám sát đặc thù địa bàn và các hình thái thiên tai, thảm họa mới. Cục CH-CN còn tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt các cuộc diễn tập ứng phó thiên tai, thảm họa, TKCN, như: Diễn tập ứng phó động đất, sóng thần; ứng phó siêu bão; ứng phó sự cố hóa chất, độc xạ...

leftcenterrightdel
  Bộ đội tích cực tham gia chữa cháy rừng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
 
leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 754 (Bộ CHQS tỉnh Sơn La) sơ tán nhân dân vùng ngập lụt ở phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La đến nơi an toàn, ngày 24-7-2024. 

Đặc biệt, đã tham mưu tổ chức tốt cuộc diễn tập ứng phó khẩn cấp và cứu hộ nhân đạo khu vực ASEAN năm 2013 (Ardex 13). Đây là cuộc diễn tập quan trọng cấp khu vực lần đầu được tổ chức ở Việt Nam; qua đó, các nước cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó với thảm họa vượt quá khả năng kiểm soát của mỗi quốc gia, cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Qua cuộc diễn tập này đã khẳng định vị thế, trách nhiệm của QĐND Việt Nam trong việc ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Với sự tham mưu của Cục CH-CN trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các chiến lược, đề án trong lĩnh vực PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và nguồn lực của địa phương, thiết thực nâng cao năng lực ứng phó với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và TKCN của các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thuộc quyền. Công tác thông tin tuyên truyền luôn được Cục CH-CN phối hợp thực hiện tốt, bảo đảm thông tin liên tục, kịp thời, chính xác về công tác PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN trên các nền tảng truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương; giúp người dân có thêm thông tin và nâng cao kỹ năng, nhận thức để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

20 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành, Cục CH-CN đã giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả của 222 cơn bão, 84 áp thấp nhiệt đới và hàng chục nghìn sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động gần 4,2 triệu lượt người và gần 165.000 lượt phương tiện, cứu được gần 74.000 người và 6.365 phương tiện. Trong đó, Quân đội tham gia gần 3,5 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ (chiếm 83%) và 110.354 lượt phương tiện, cứu được gần 57.000 người (chiếm 77%) và 5.000 phương tiện (chiếm 76%).

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và giúp người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khắc phục hậu quả lũ quét (ảnh chụp ngày 6-8-2024). Ảnh: HÀ KHÁNH 

Một số vụ việc điển hình, như: Bão Chanchu năm 2006, bão Haiyan năm 2013, bão Damrey năm 2017, Quân đội đã điều động hơn 1,4 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ và gần 14.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả. Sạt lở đất tại khu vực miền Trung tháng 10-2020, Quân đội đã điều động gần 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và gần 1.200 lượt phương tiện tham gia TKCN, cứu được 47 người. Trong sự cố tán phát thủy ngân do cháy tại Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở Hà Nội vào tháng 8-2019, Quân đội đã điều động 1.353 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng các trang thiết bị chuyên dụng, thu gom được 111 tấn phế thải nhiễm hóa chất độc hại và khắc phục, xử lý, bảo đảm an toàn cho cả khu vực xung quanh nhà máy...

Quá trình thực hiện nhiệm vụ PTDS, ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa và TKCN, lực lượng CH-CN gặp không ít khó khăn, nguy hiểm, thậm chí nhiều đồng chí đã hy sinh, bị thương, nhưng cán bộ, chiến sĩ không bao giờ chùn bước, sẵn sàng vượt qua mọi gian nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản, cuộc sống của nhân dân theo đúng tinh thần mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định đây chính là nhiệm vụ "chiến đấu" trong thời bình của Quân đội.

leftcenterrightdel
Quân đội thường xuyên sử dụng lực lượng, phương tiện đưa ngư dân gặp nạn hoặc bị bệnh nặng từ huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vào đất liền cấp cứu. 
leftcenterrightdel
Lực lượng cứu hộ-cứu nạn của Quân đội tổ chức cứu các thuyền viên trên tàu Vietship 01 gặp nạn tại vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị), tháng 10-2020.

Thời gian tới, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu khiến thiên tai, thời tiết cực đoan ngày càng nhiều và gia tăng mức độ nghiêm trọng; sự phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về công nghiệp, xây dựng cũng làm gia tăng nguy cơ sự cố, thảm họa, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...

Trước tình hình đó, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong công tác PTDS, ứng phó với các sự cố, thiên tai, thảm họa và TKCN, Cục CH-CN xác định thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu. Tập trung tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và TKCN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nhất là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PTDS, kế hoạch, chiến lược quốc gia PTDS, Luật Tình trạng khẩn cấp và các nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tình trạng khẩn cấp.  

Cùng với đó, Cục CH-CN chủ động tham mưu kiện toàn, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của ban chỉ đạo, ban chỉ huy PTDS các cấp; kiện toàn lực lượng PTDS chuyên trách và kiêm nhiệm từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn xây dựng kế hoạch PTDS ở các cấp, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở xã Yên Định (Bắc Mê, Hà Giang), tháng 7-2024.

Đổi mới nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và TKCN. Làm tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập PTDS nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các sự cố, thiên tai, thảm họa; sẵn sàng tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường hợp tác quốc tế về PTDS; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh...

Phát huy thành tích và những bài học kinh nghiệm trong 20 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Cục CH-CN luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp hiệp đồng thực hiện tốt công tác PTDS, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, TKCN. Qua đó, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, bảo vệ cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân trước các mối đe dọa do con người hoặc thiên nhiên gây ra; góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam, xây dựng Quân đội ngày càng hùng mạnh.

20 năm qua, Cục CH-CN đã được Chủ tịch nước tặng 3 Huân chương Lao động và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ tặng 3 Cờ thi đua, 8 Bằng khen; Bộ Quốc phòng tặng 8 Cờ thi đua, 12 Bằng khen...; nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng, tuyên dương những danh hiệu cao quý.

 

Trung tướng DOÃN THÁI ĐỨC, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.