QĐND - Một tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1959 đã từng dự đoán cuối năm 1962, số lượng tên lửa tầm xa của Mát-xcơ-va sẽ gấp 3 lần Mỹ. Tổng thống Ken-nơ-đi rất quan tâm tới điều này. Chính vì vậy, trong ba năm cầm quyền (1961-1963), Tổng thống Ken-nơ-đi liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng. Tháng 3-1961, Ken-nơ-đi ra lệnh đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất tên lửa Polaris bắn từ tàu ngầm và tên lửa Minuteman phóng từ lòng đất. Ngoài ra, Mỹ còn tìm cách tăng cường sự có mặt của mình ở Tây Đức, Áo, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để hình thành thế bao vây đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi (bên phải) và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô  Khơ-ru-xốp  – hai “cái đầu lạnh” giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1962. Ảnh tư liệu

 

Tạo thế cân bằng

Trong hai năm 1959 và 1960, quân đội NATO  nhiều lần tổ chức diễn tập liên hợp lấy Liên Xô và Đông Âu làm kẻ địch giả tưởng. Những quả tên lửa của Mỹ bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mất 5-6 phút là có thể vươn tới Mát-xcơ-va. Trong khi đó, nếu phóng từ lãnh thổ của mình và muốn đến được nước Mỹ, tên lửa của Liên Xô phải mất từ 20 đến 30 phút bay. Cục diện bất lợi này khiến Khơ-ru-xốp cảm thấy bất an. Tháng 5-1962, Khơ-ru-xốp thăm Bun-ga-ri. Khi đi dạo bên bờ Biển Đen, Nguyên soái R. Ma-li-nốp-xki (R. Malinovsky), Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, đã chỉ tay sang phía bờ đối diện và nói với Khơ-ru-xốp: “Chỉ cần vài phút là những quả tên lửa hạt nhân bố trí ở các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có thể hủy diệt Ki-ép, Min-xcơ và Mát-xcơ-va". Lúc đó, Khơ-ru-xốp đã hỏi: “Vậy tại sao chúng ta không thể thiết lập căn cứ quân sự ở gần nước Mỹ?”.

Đúng lúc này, quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba leo thang căng thẳng. Trong một thời gian ngắn, Cu-ba đã cử hai đoàn đại biểu sang thăm Liên Xô, đề nghị Mát-xcơ-va giúp La Ha-ba-na. Điều đó đã thúc đẩy Khơ-ru-xốp quyết định phải xây dựng căn cứ quân sự và bố trí tên lửa hạt nhân, máy bay Il-28 ở Cu-ba.  Kết quả của việc bố trí tên lửa hạt nhân ở Cu-ba không chỉ có thể khống chế hành động quân sự tùy tiện của Mỹ nhằm vào Cu-ba, mà còn giúp tạo thế cân bằng hạt nhân giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn.

Chính phủ Liên Xô phê chuẩn kế hoạch của Khơ-ru-xốp, căn cứ vào hiệp định bí mật ký với Cu-ba, quyết định bố trí tên lửa tầm trung ở Cu-ba và cung cấp máy bay ném bom phản lực Il-28 cho Cu-ba. Hàng chục quả tên lửa (mỗi quả có thể mang đầu đạn hạt nhân có sức công phá lớn gấp hàng chục lần so với quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki - Nhật Bản) và hàng chục chiếc máy bay đã được tháo rời, đóng vào kiện, bí mật chuyển lên những chiếc tàu chở hàng đưa đến Cu-ba.

Khoảng 3.500 nhân viên kỹ thuật Liên Xô cũng xuống tàu sang Cu-ba. Tới ngày 2-9-1962, khi hai đoàn đại biểu Liên Xô và Cu-ba ra tuyên bố chung, kế hoạch vận chuyển vũ khí và nhân viên kỹ thuật của Liên Xô cơ bản đã hoàn tất.

Điều bí ẩn của những chiếc máy bay do thám tầm cao U-2

Trong khi Liên Xô bí mật vận chuyển tên lửa và máy bay đến Cu-ba,  Mỹ cũng không một phút ngơi nghỉ, vận dụng mọi thủ đoạn có thể để tìm hiểu chân tướng sự việc và đề ra sách lược đối phó.

Sau khi xảy ra sự kiện bãi biển Gi-ron, Ken-nơ-đi đã phê chuẩn kế hoạch phục hồi những chuyến bay do thám của U-2, chiếc máy bay từng làm người Mỹ mất mặt khi bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô tháng 5-1960. Rạng sáng chủ nhật ngày 14-9-1962, một chiếc U-2 được lệnh cất cánh làm nhiệm vụ trinh sát đường không ở khu vực phía tây Cu-ba. Tối hôm đó, các chuyên gia phân tích không ảnh của CIA đã thức trắng để kiểm tra, đối chiếu, so sánh những tấm ảnh U-2 vừa chụp với những tấm ảnh có từ trước. Họ bàng hoàng phát hiện dấu vết đầu tiên về sự có mặt của một căn cứ tên lửa tầm trung của Liên Xô ở San Cristobal (tỉnh La Ha-ba-na). Ngay lập tức, thông tin trên được cấp báo cho cố vấn An ninh quốc gia, G. Băn-đi (G. Bundy). 11 giờ trưa 16-10-1962, trên bàn Tổng thống Ken-nơ-đi đã có tất cả những tấm ảnh phóng to cùng lời chú giải của CIA về căn cứ tên lửa của Liên Xô trên đất Cu-ba.

Theo CIA, những bãi phóng tổng hợp của Liên Xô xây dựng ở Cu-ba được cấu thành từ 16-20 quả tên lửa, có thể sẵn sàng tham chiến trong vòng 2 tuần nữa. Khi đó, Oa-sinh-tơn, Đa-lát hay Xanh Lu-ít và rất nhiều thành phố khác cùng toàn bộ các căn cứ trực thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Liên Xô. Viễn cảnh khủng khiếp trên khiến người Mỹ không thể ngồi yên. Trong một hành động được cho là đối phó, Lầu Năm góc nhanh chóng vạch ra kế hoạch huấn luyện quân sự và lấy đó làm bình phong che mắt để tiến hành tập kết binh lực ở các căn cứ quân sự thuộc bang Phlo-ri-đa, gần Cu-ba.

Tham gia kế hoạch huấn luyện quân sự trên của Lầu Năm góc có khoảng 40.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, trong đó 5000 quân được bố trí ở căn cứ hải quân Goan-ta-na-mô của Mỹ trên lãnh thổ Cu-ba. Sư đoàn đổ bộ đường không số 101, tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tất cả chỉ đợi lệnh là nổ súng tiến công Cu-ba.

Từ 11 giờ trưa đến 6 giờ chiều 16-10-1962, Ken-nơ-đi đã triệu tập hai cuộc họp bí mật thảo luận về kế hoạch hành động đối với Cu-ba. Phái diều hâu trong Lầu Năm góc đưa ra hai phương án cứng rắn. Một là lực lượng vũ trang Mỹ trực tiếp tấn công Cu-ba. Ban đầu, máy bay Mỹ sẽ tiến hành tấn công đường không, phá hủy các cơ sở phòng thủ, kho vũ khí và sân bay của Cu-ba. Sau đó, lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đổ bộ lên Cu-ba, tiêu diệt toàn bộ tên lửa, nhân viên kỹ thuật của Liên Xô và chính quyền Phi-đen. Phương án thứ hai là huy động khoảng 500 chiếc máy bay tiến hành ném bom rải thảm đối với Cu-ba, mục tiêu chủ yếu là các bãi phóng tên lửa của Liên Xô. Tuy nhiên, cả hai phương án này rõ ràng mang tính xâm lược, đặc biệt là có thể khơi nguồn cho một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô, nên đã gặp phải sự phản đối của phái ôn hòa chiếm đa số tại cuộc họp. Quan trọng hơn, Ken-nơ-đi vẫn chưa biết rõ mục đích thực sự của Liên Xô khi đem tên lửa bố trí tại Cu-ba. Do vậy, Ken-nơ-đi cho rằng việc phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Cu-ba lúc này là vô cùng mạo hiểm.

Sau nhiều lần cân nhắc và hiệp thương với các nhân vật chóp bu Nhà Trắng và Lầu Năm góc, Ken-nơ-đi quyết định thành lập hai tiểu ban đặc biệt, yêu cầu hai tiểu ban này khẩn cấp hoàn thành kế hoạch chi tiết cho việc đối phó với tình hình mới phát sinh ở Cu-ba. Để bảo mật, những người tham gia hai tiểu ban này vẫn phải làm những công việc thường nhật của mình. Nhìn vẻ ngoài, cuộc sống của những người dân Mỹ vẫn diễn ra bình thường, ít ai ngờ rằng khi đó đất nước họ đang chuyển động cùng quá trình thai nghén một hành động quân sự lớn nhằm vào đảo quốc nhỏ bé – Cu-ba.

Đại tá, PGS, TS Trần Nam Chuân

Kì 1: Những chuyến tàu bí mật trên biển Ca-ri-bê