Trong khuôn khổ chương trình “Chế tạo tổ hợp chiến đấu cho bộ binh”, Cục nghiên cứu phát triển Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra mẫu thử nghiệm của thiết bị điện quang phổ gắn lên mũ bảo vệ cho bộ binh...
Trong khuôn khổ chương trình “Chế tạo tổ hợp chiến đấu cho bộ binh”, Cục nghiên cứu phát triển Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra mẫu thử nghiệm của thiết bị điện quang phổ gắn lên mũ bảo vệ cho bộ binh.
Thiết bị này có tên là “Man-tris” được dùng để bảo đảm cho việc tiến hành các hoạt động tác chiến trong điều kiện đêm tối và trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Đồng thời, nó còn được dùng để trao đổi thông tin bằng hình ảnh giữa các binh lính và xác định vị trí của họ có kèm theo hình ảnh trên bản đồ số, có khả năng tự động xác định sự di chuyển của các mục tiêu đang được quan sát thấy và chỉ thị mục tiêu để sử dụng hỏa lực tiêu diệt. Thành phần của thiết bị này bao gồm: 5 ca-mê-ra quang học kỹ thuật số, một bộ vi xử lý, một hệ thống dẫn đường, một máy thu thanh của hệ thống ra-đa dẫn đường vũ trụ NAVSTAR, các phương tiện liên lạc và kính ngắm tinh thể lỏng để phản chiếu thông tin hình ảnh. Hai ca-mê-ra màu làm việc ở bước sóng hồng ngoại, hai máy ghi hình ảnh của mục tiêu nhờ sự bức xạ ánh sáng tự nhiên trong đêm và một máy bảo đảm quan sát ở tầm xa. Nhờ sử dụng đồng thời các ca-mê-ra mà các binh sĩ có thể phát hiện sự bức xạ ánh sáng và các mục tiêu ngụy trang. Sự khác biệt cơ bản của thiết bị quang học “Man-tris” với các thiết bị quan sát hiện đang biên chế trong lực lượng vũ trang Mỹ được dùng khi tầm nhìn bị hạn chế là ở chỗ thiết bị “Man-tris” này có sử dụng công nghệ tạo hình ảnh nhờ bộ xử lý mới với hiệu suất làm việc cao. Nó tiến hành phân tích thông tin thu được ở các dải tần khác nhau của bước sóng dài và tạo hình ảnh màu của mục tiêu đang được quan sát (chất lượng hình ảnh tương đương ban ngày). Ngoài ra, bộ xử lý này còn đưa ra các dữ liệu tính toán được để điều chỉnh vị trí của các binh sĩ và mục tiêu theo số liệu của hệ thống dẫn đường và hệ thống ra-đa dẫn đường vũ trụ. Các chuyên gia đang xem xét chức năng tự động ghi hình khu vực quan sát trong thời gian 10 giây, sao chép lại và trao đổi thông tin giữa các quân nhân với sở chỉ huy nhờ trạm ra-đa trong phạm vi gần 16km.
Giai đoạn nghiên cứu cuối cùng của chương trình này đã được tiến hành vào giữa năm 2006 và đã đưa ra được các mẫu nghiên cứu thử nghiệm dã chiến, dự kiến vào cuối năm 2008 sẽ đưa ra sản xuất hàng loạt. Hiện nay chi phí cho chương trình đã lên tới 37 triệu USD. Nếu thiết bị này được đưa vào trang bị cho bộ binh thì khả năng trinh sát của bộ binh sẽ được tăng lên rất nhiều trong điều kiện phải hoạt động trong tầm nhìn bị hạn chế và trong điều kiện đêm tối có sử dụng vũ khí có độ chính xác cao.
NGÔ HỮU KỶ