QĐND Online - Bắt đầu hoạt động cách mạng từ khi 17 tuổi, từng “hoạt động điều nghiên” đầy khó khăn và gian khổ, là lính đặc công tinh nhuệ tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ, từng có vinh dự được gặp và ăn cơm với Bác Hồ, là những nét nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Chí Nguyện...

Xin ở lại quê hương để chiến đấu

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất rợp bóng dừa thuộc xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cha mẹ đều mất sớm, anh em Lê Chí Nguyện đùm bọc nhau trong tình thương yêu của bà con lối xóm.

Chứng kiến cảnh lầm than mà giặc Pháp gây ra cho biết bao gia đình trên quê hương mình, cũng như bao lớp thanh niên trai làng khác, ngay từ năm 1953, khi mới 17 tuổi, Nguyện sớm gia nhập đội du kích xã Phong Mỹ, với gậy tầm vông, giáo mác và các vũ khí tự tạo, diệt ác phá tề giữa Đồng bằng sông Cửu Long với khí thế cách mạng sục sôi.

 

Du kích Ba Tơ . Nguồn: internet

 Năm 1954, có tên trong danh sách tập kết ra Bắc nhưng anh xin tiếp tục ở lại để vừa nuôi các em nhỏ, vừa tiếp tục đánh giặc cùng đồng đội. Tháng 4/ 1955, Nguyện được cấp trên và các cán bộ địa phương giao nhiệm vụ giao liên, liên lạc và đưa thư hoạt động bí mật tại quê nhà rồi tháng 10/ 1959, anh trở thành đội trưởng đội du kích xã Phong Mỹ.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, lập ra chính quyền bù nhìn, tay sai Ngô Đình Diệm. Dựa vào “hơi” của đế quốc, chính quyền Mỹ - ngụy lê máy chém đi khắp miền Nam để tiêu diệt các chiến sĩ cách mạng với khẩu hiệu “Giết nhầm còn hơn bỏ sót”.

Và rồi “công cụ giết người” đó cũng lết đến Bến Tre. Ngay tại xã Phong Mỹ, chúng cũng lập đồn bảo an để đàn áp và trả thù những người và gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp.

Hạ quyết tâm tiêu diệt đồn Phong Mỹ, đội trưởng Nguyện nhanh chóng sang xã bạn mượn 4 cây súng trường về trang bị cho đội, còn lại anh em chủ yếu vẫn dùng tầm vông, giáo mác là chính. Bên ngoài, du kích bao vây đồn, sau đó anh vận động nhân dân kéo vào đồn địch kêu gọi con em bị bắt lính trở về với gia đình. Vũ khí ít, du kích dùng khí đá cho vào ống tre đốt nổ gây thanh thế làm bọn địch trong đồn hết sức hoảng loạn. Đồn Phong Mỹ hàng, đội du kích thu được khá nhiều vũ khí. Trên đà thắng lợi, đội tiếp tục phụ diệt đồn Châu Hòa, giao giữ hai tù binh bị thương.

Xuất sắc trong “công tác điều nghiên”

Khoảng tháng 5/ 1961, cấp trên giao nhiệm vụ cho Nguyện cùng tổ trinh sát đặc công tiến hành quan sát, nghiên cứu chi tiết khu quân sự Cần Lê của địch, án ngữ trên Quốc lộ 13, sát thị trấn Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước).

Đặc thù công việc là chỉ có thể thực hiện trong đêm, ban ngày vẫn phải ngụy trang trong rừng để chờ đêm xuống, hơn nữa đối phương còn luôn luôn đề cao cảnh giác. Không những thế, xung quanh đồn là rào kẽm gai, mìn cóc, mìn râu cộng công sự bằng bê tông kiên cố; thêm vào đó, bọn địch được trang bị nhiều vũ khí hiện đại của Mỹ. Ban ngày, chúng cử từng toán lính cùng với chó nghiệp vụ đi đánh hơi, lùng sục xung quanh cứ điểm, ban đêm thì liên tục bắn pháo sáng kết hợp với đèn chiếu công suất lớn, sẵn sàng lia đạn nếu thấy bất cứ vật gì di chuyển.

Hai lần trong hai đêm tổ “điều nghiên” (làm công tác trinh sát) đều không thể tiếp cận được mục tiêu. Lần thứ ba, Lê Chí Nguyện quyết tâm một mình vào trinh sát. Các anh em khác ở lại, nếu có vấn đề gì thì họ sẽ nhanh chóng rút về đơn vị.

Liên tục cắt rào quan sát từng lô cốt, cách bố trí của địch, anh tỉ mỉ ghi chép chi tiết vào giấy. Bỗng, khi di chuyển từ vị trí lô cốt số 1 đến lô cốt số 2 thì anh phát hiện địch đi tuần; nhanh trí, anh ém sát mình vào hàng rào rồi vọt người vượt qua bãi cỏ mắc cỡ Tây, bị gai cào, máu chảy khắp nơi rồi lại phải “hứng trọn” đàn vắt rừng khát máu.

Thoát khỏi chi khu quân sự Cần Lê của địch thì trời đã sáng rõ. Trên người chi chít chỗ loét, xước do lá cỏ cứa vào, những nốt đỏ ửng máu do vắt đốt, chỉ có đúng chiếc quần lót đặc chủng, chẳng kịp suy nghĩ, nén đau đớn, anh vừa chạy vừa quan sát, nhịn đói, khát thì vục nước ở vũng tù đọng mà uống, đến 4 giờ chiều thì tới được Sóc Thiếc, tìm về đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo an toàn và bí mật tuyệt đối. Đồng đội mừng rỡ ôm chầm lấy Nguyện vì tưởng anh đã bị bắt hoặc hy sinh.

Không nghỉ ngơi, ngay lập tức, anh báo cáo tình hình cụ thể các vị trí của địch tại chi khu Cần Lê để ban chỉ huy lập kế hoạch tấn công. Nhờ nắm chắc tình hình, bố cục công sự trận địa địch, đơn vị của Nguyện cùng bộ binh trung đoàn 1 bổ sung tiến đánh, xóa sổ căn cứ địch một cách thuận lợi, tiêu diệt hơn 40 tên, thu nhiều vũ khí.

Chiến thuật đánh đặc công lúc đó còn rất mới mẻ, nhưng đây là chiến thắng đã đi vào lịch sử, là trận chiến công đồn mà đơn vị đặc công đóng góp một phần rất lớn. Sau trận chiến này, anh được chỉ huy trung đoàn tặng Bằng khen.

Sau này anh tâm sự “Công tác điều nghiên cực kỳ khó khăn, chỉ có một quần lót, toàn người hóa trang tránh địch phát hiện. Mỗi lần đi điều nghiên về, máu chảy đầy mình vì gai mắc cỡ Tây dày đặc, cao quá đầu người, vắt cắn khắp người, cắn no rơi rồm rộp. Rồi đói khát, mệt lả nhưng tôi luôn quán triệt rằng mình có nghiên cứu kỹ, cụ thể địch tình thì mới giúp quân ta chiến thắng nhanh gọn, đỡ phải thương vong”.

Văn Hiếu