Nắm vững và đánh giá đúng so sánh lực lượng địch-ta là vấn đề rất quan trọng trong tác chiến nói chung và tác chiến chiến dịch nói riêng. Chỉ có trên cơ sở nắm vững và đánh giá đúng so sánh lực lượng địch-ta cả trước trong và sau chiến dịch ta mới xác định được đúng quyết tâm chính xác, lựa chọn cách đánh phù hợp, sử dụng lực lượng và tạo lập thế trận có lợi nhất để tiêu diệt địch giành thắng lợi. Tuy nhiên, việc nắm vững và đánh giá đúng về địch không hề đơn giản, đó thực sự là cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng và quyết liệt giữa ta và địch. Trong các chiến dịch đầu kháng chiến chống Mỹ, trên cơ sở hiểu địch cả về âm mưu, biện pháp chiến lược và ý đồ, thủ đoạn chiến dịch, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu của chúng, nghệ thuật của ta là kéo địch ra khỏi công sự, xa các căn cứ hỏa lực, tách rời bộ binh địch với những cái mạnh của chúng (hỏa lực, cơ động), đưa địch vào những khu vực bất lợi cho chúng, có lợi cho ta nhằm tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng. Chiến dịch Ba Gia (từ ngày 29- 5 đến 20- 7- 1965) là một điển hình như thế.
Chiến dịch Ba Gia được hình thành trên một hướng của đợt hoạt động Xuân-Hè 1965 của quân và dân khu 5, nhằm tiêu diệt sinh lực chủ lực quân ngụy (trung đoàn 51, trong đó có tiểu đoàn 1 ngụy đóng tại đồn Ba Gia) mở rộng vùng giải phóng Sơn Tịnh-Trà Bồng, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của địa phương đang lên, giữ hành lang nối liền Tây Nguyên với đồng bằng Trung Trung Bộ. Lực lượng của ta tham gia chiến dịch có Trung đoàn 1 chủ lực Khu 5, 2 tiểu đoàn của tỉnh Quảng Ngãi cùng bộ đội huyện và dân quân, du kích trên địa bàn. Chiến dịch chia làm hai đợt với 2 tình huống cơ bản. Trong tình huống đầu tiên ta đã đánh giá đúng mạnh, yếu và khả năng đối phó của địch; địch đóng dã ngoại và địch trong đồn Ba Gia lực lượng vừa đông, vừa phòng ngự trong công sự vững chắc, có hỏa lực bảo vệ chặt chẽ, có khả năng chi viện, hỗ trợ cho nhau, địa hình lại chống trải khó tiếp cận. Nếu ta đánh đồn ngay từ đầu vừa tốn lực lượng, vừa không chắc thắng và ta sẽ không đủ lực lượng để đánh viện lớn. Mặt khác, do chưa bị ta đánh lần nào nên địch ở đây rất hung hăng, kiêu ngạo và có nhiều biểu hiện chủ quan khinh xuất, nếu một điểm nào đó bị uy hiếp nhất định địch sẽ rời đồn đi ứng cứu. Với cách đánh giá, nhận định khách quan, khoa học như trên nên ngay sau khi 2 trung đội dân vệ của địch ở chợ Phước bị ta tập kích, đã kích thích tính chủ quan, hung hăng của tên thiếu tá ngụy chỉ huy đồn Ba Gia. Theo lệnh của y, cả tiểu đoàn 1 ngụy rời khỏi đồn để đi “truy lùng du kích”, và cuối cùng đã lọt vào thế trận phục kích của ta và hoàn toàn bị tiêu diệt. Trong tình huống này ta đã khéo léo khai thác tiónh hung hăng của tên chỉ huy địch, thể hiện nghệ thuật nắm và đánh giá đúng địch, điều địch theo ý định của ta. Được như vậy do ta hiểu rõ quy luật đối phó của địch, nắm được từng bước phản ứng của chúng kể cả việc am hiểu cá tính của tên chỉ huy. Như vậyk trong trận mở màn chiến dịch, ta đã thành công ở chỗ không cần phải đánh điểm đồn Ba Gia mà vẫn buộc địch phải rời đồn ra ngoài để tiêu diệt.
Sau khi tiểu đoàn 1 ngụy ở đồn Ba Gia bị tiêu diệt, địch lập tức điều trung đoàn 51 (gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn xe bọc thép 113) tiến vào khu vực Ba Gia-Sơn Tịnh để ứng viện cho đồn Ba Gia đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Tương quan so sánh lực lượng có sự thay đổi đột ngột; nếu tính đầu tiểu đoàn thì tỷ lệ so sánh ta-địch là 1 trên 1, nhưng đơn vị địch có quân đông hơn, binh khí kỹ thuật nhiều và hiện đại hơn. Rõ ràng ta không có khả năngtập trung tiêu diệt ngay một lúc cả cụm quân địch lớn như vậy mặc dù địch đã bộc lộ ở ngoài công sự. Trước tình thế đó, ta đã chủ đông vận dụng nghệ thuật tập trung, phân tán lực lượng một cách linh hoạt. Khi tương quan so sánh lực lượng chưa có lợi cho ta, ta đã phân tán lực lượng chủ lực, phối hợp với lực lượng địa phương tại chỗ để phân tán, căng kéo lực lượng địch trên nhiều mục tiêu và hướng khác nhau, thực hiện chia cắt trung đoàn 51 ngụy từ cụm lớn thành nhiều cụm nhỏ cách biệt nhau và buộc phải trú quân ban đêm trong điều kiện chưa kịp xây dựng công sự, trận địa và hạn chế về chi viện hỏa lực. Đồng thời, khi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta, ta đã kiên quyết tập trung Trung đoàn 1 củng cố đội hình mở cuộc tiến công vào các cụm quân địch ngay trong đêm. Kết quả, trung đoàn 51 ngụy bị tiêu diệt hoàn toàn. Như vậy trong tình huống thứ hai, nét đặc sắc nổi bật là nghệ thuật đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng địch-ta ở từng thời điểm khác nhau, từ đó kiên quyết vận dụng cách đánh một cách linh hoạt, sáng tạo làm nên thắng lợi của chiến dịch trong điều kiện địch đông hơn ta gấp nhiều lần./.
THU TRANG