QĐND - Những năm gần đây, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các bệnh viện quân đội, nhằm hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đã từng bước được nâng lên. Một số bệnh viện đã chú trọng đầu tư cả về con người, cơ sở vật chất, chất lượng KSNK ngang tầm quốc gia. Tuy nhiên, nhìn chung ở phần lớn các bệnh viện quân đội hiện nay, công tác KSNK vẫn còn nhiều bất cập và chưa theo kịp yêu cầu…

Những cuộc giám sát đầu tiên về NKBV được thực hiện vào năm 2001 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân NKBV ở nước ta là 6,8%. Các trường hợp NKBV thường gặp là nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn vết mổ, tiết niệu, tiêu hóa… NKBV làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, ngày điều trị, chi phí điều trị và sự kháng thuốc của vi khuẩn và dẫn tới giảm chất lượng điều trị bệnh nhân.

Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) là một trong những cơ sở khám chữa bệnh đi đầu trong toàn quân về công tác KSNK. TS Kiều Chí Thành, Trưởng khoa KSNK Bệnh viện 103 cho biết: Khoa KSNK của bệnh viện được đầu tư hệ thống trang thiết bị khá hiện đại, như máy khử khuẩn tự động, máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp, tủ sấy khô, máy phun hóa chất khử khuẩn… Công tác KSNK tại Bệnh viện 103 được thực hiện khá hiệu quả. Bệnh viện đã xây dựng được mạng lưới KSNK, các quy chế, quy trình KSNK và triển khai thực hiện công tác kiểm soát NKBV chặt chẽ, góp phần hạn chế tỷ lệ NKBV.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện 103 (Học viện Quân y).

Những bệnh viện tổ chức tốt công tác KSNK như Bệnh viện 103 trong quân đội còn chưa nhiều. Đại tá Ngô Chí Đạt, Phó giám đốc Bệnh viện 7B (Quân khu 7) chia sẻ: Mặc dù đã được cấp trên quan tâm nhưng do nhiều nguyên nhân, nên hiện nay Bệnh viện 7B vẫn chưa có khoa KSNK, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện cũng chưa có, khiến công tác KSNK gặp nhiều khó khăn… Theo Đại tá, TS Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Vệ sinh phòng dịch (Cục Quân y), đây cũng là khó khăn chung của phần lớn bệnh viện quân đội hiện nay. Kết quả điều tra thực trạng công tác KSNK trong các bệnh viện quân đội mà Cục Quân y vừa thực hiện cho thấy, nhìn chung hệ thống KSNK ở các bệnh viện quân đội vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Điều này thể hiện qua những con số thống kê sau đây: Trong tổng số bệnh viện, cơ sở y tế toàn quân, tỷ lệ bệnh viện có Hội đồng KSNK chỉ đạt 44,8%; số bệnh viện có khoa KSNK cũng chỉ đạt 31%. Chỉ có 10,3% bệnh viện có đủ cả hội đồng, mạng lưới và khoa KSNK theo quy định. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang bị của các khoa, đơn vị tiệt khuẩn của các bệnh viện cũng chưa được đầu tư, xây dựng bài bản mà chủ yếu tận dụng cơ sở sẵn có. Ngoại trừ một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103 được trang bị các thiết bị khử khuẩn, tiệt khuẩn hiện đại, ở các bệnh viện còn lại vẫn sử dụng những dụng cụ lạc hậu…

Có nhiều nguyên dân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong công tác KSNK. Đó là tình trạng quá tải bệnh viện; lĩnh vực KSNK chưa có “sức hút”; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này cũng còn hạn hẹp… Thiếu tướng, TS Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y khẳng định: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là nhận thức về công tác KSNK của không ít cán bộ, nhân viên, thậm chí cả lãnh đạo còn chưa đúng. KSNK bệnh viện là vấn đề rất lớn, nhưng chưa được các cấp nhận thức đúng, nên việc quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.

Khảo sát thực tế chúng tôi thấy, ở không ít bệnh viện, cán bộ, nhân viên vẫn coi KSNK đơn thuần chỉ là “giặt, là, hấp, sấy”. Thậm chí có tình trạng lãnh đạo bệnh viện điều những cán bộ, nhân viên vi phạm kỷ luật về bộ phận KSNK, coi đây như một hình thức “kỷ luật”. Đại tá Lê Ngọc Anh cho rằng, việc mới chỉ có 44,8% bệnh viện quân đội thành lập Hội đồng KSNK là “bằng chứng” thể hiện công tác KSNK chưa được đề cao. Bởi việc thành lập và duy trì hoạt động của hội đồng không hề “quá sức” mà trái lại, hoàn toàn nằm trong "tầm tay” của các bệnh viện, vì các thành viên hội đồng làm việc kiêm nhiệm, không làm tăng biên chế của đơn vị…

Để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, cần phải có sự thay đổi từ nhận thức. KSNK không phải là “phép cộng” của các bộ phận tiệt khuẩn, giặt là, vệ sinh… mà đây là một chuyên khoa hết sức quan trọng, liên quan đến hoạt động của mọi khoa khác, là một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng điều trị. Cần nghiên cứu thành lập khoa KSNK trong các bệnh viện quân đội, kiện toàn hệ thống KSNK theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, lãnh đạo các bệnh viện cần quan tâm, tạo điều kiện để khoa KSNK thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và thực hiện quyền giám sát các hoạt động về KSNK trong toàn bệnh viện.

 Bài, ảnh: PHƯƠNG HIỀN