Học viên Học viện Chính trị-Quân sự trao đổi, đóng góp xây dựng đề tài khoa học. Ảnh: THANH TÌNH

Chúng tôi xác định: Tổ chức cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ đơn thuần là hoạt động mang tính phong trào. Do vậy, để có chất lượng cao, công tác chỉ đạo trong tổ chức thực hiện hoạt động này ở Học viện Chính trị-Quân sự (CT-QS) nhiều năm qua được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ - Mở đầu buổi làm việc với chúng tôi, Thượng tá-PGS-TS Nguyễn Bá Dương, Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ và Môi trường Học viện khẳng định như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà anh Dương khẳng định với chúng tôi khá chắc chắn về việc tổ chức cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học. Bởi, qua kết quả khảo sát với hàng trăm phiếu điều tra xã hội học ở nhiều đối tượng chúng tôi đều thu được kết quả rất khả quan. Hơn 98% khẳng định sự cần thiết trong việc tổ chức cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học. 98,8% ý kiến cho rằng, Học viện đã rất quan tâm đến vấn đề trên. Đặc biệt, có tới 99% các ý kiến khẳng định giá trị thực tiễn của các đề tài, các chuyên đề khoa học do học viên nghiên cứu. Những con số trên phần nào thể hiện rõ tính hiệu quả trong công tác tổ chức, chỉ đạo cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học ở Học viện CT-QS những năm gần đây, đặc biệt năm học 2007-2008.

- Trên thực tế không ít ý kiến cho rằng: Nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phải chăng chỉ là sự sao chép, hoặc cao hơn là sự tổng hợp và nặng về lý luận? Câu hỏi này được chúng tôi đặt ra cho PGS-TS Nguyễn Bá Dương.

- Đúng là thực tế vẫn tồn tại vấn đề trên. Nó không chỉ tồn tại trong phạm vi nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên, mà thậm chí còn có biểu hiện ở một số đề tài mang tính sâu rộng hơn, trình độ cao hơn. Tuy nhiên, đối với công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện CT-QS nói chung, công tác tham gia nghiên cứu khoa học của học viên nói riêng, điều này không “có chỗ” để tồn tại. Trong quá trình thẩm định, nếu các hội đồng nghiệm thu phát hiện bất kỳ đề tài nào trùng lắp từ ba dòng trở lên không những bị đình chỉ, mà còn xem xét đến kết quả rèn luyện của từng học viên, nhóm học viên vi phạm.

Để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học của học viên, Ban Giám đốc Học viện chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản gắn với từng chuyên ngành đào tạo, kết hợp chặt chẽ với việc nghiên cứu ứng dụng đi sâu vào các vấn đề cụ thể trong thực tiễn học tập, rèn luyện của từng đối tượng. Để bảo đảm chất lượng, Học viện đã đặt ra các tiêu chí hết sức cụ thể. Học viên muốn tham gia nghiên cứu khoa học trước hết điểm trung bình chung phải đạt từ 7,5 trở lên. Tên đề tài, phạm vi nghiên cứu, hướng nghiên cứu, số lượng người tham gia… đều được Hội đồng khoa học của từng cấp xét duyệt. Đặc biệt, đề tài phải thể hiện được cái mới. Đây là một yêu cầu rất cao, đồng thời thể hiện quy trình kiểm duyệt hết sức chặt chẽ. Chính từ sự kiểm duyệt chặt chẽ này, nên trong những năm gần đây các đề tài hoặc chuyên đề khoa học do học viên nghiên cứu ở Học viện CT-QS không còn hiện tượng trùng lắp hoặc sao chép. Đặc biệt, đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng được các học viên tập trung phân tích, luận giải, tìm ra biện pháp giải quyết, khắc phục những khâu yếu, mặt yếu trong giáo dục-đào tạo, rèn luyện chính quy ở từng đối tượng, từng đơn vị. Điều này cũng phần nào khắc phục được tính chung chung, nặng về lý thuyết của các đề tài khoa học khi nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Không chỉ chú trọng trong khâu chỉ đạo, tổ chức tiến hành, Ban Giám đốc Học viện còn thành lập các tiểu ban đánh giá, chấm điểm theo định hướng hoặc chủ đề nghiên cứu. Do vậy, các đề tài do học viên nghiên cứu được Học viện đánh giá không những bảo đảm tính khách quan mà còn đạt độ chính xác cao.

Tuy đã triển khai hết sức chặt chẽ, nhưng nhìn nhận một cách khách quan chúng tôi vẫn nhận thấy: Việc tổ chức cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học ở Học viện CT-QS không phải đã hết những hạn chế, khuyết điểm. Ngoài việc nhận thức chưa đầy đủ của một số cán bộ, học viên, vẫn tồn tại hiện tượng nghiên cứu theo lối suy diễn, chủ quan. Nguyên nhân của vấn đề này là do tác giả hoặc nhóm tác giả không có đầy đủ số liệu điều tra, khảo sát. Cá biệt vẫn có những học viên xác định chủ đề, hướng nghiên cứu quá rộng, nên không đủ sức để đầu tư. Do vậy, các giải pháp nêu ra thiếu tính khả thi…

Dẫu còn những tồn tại, khiếm khuyết nhất định, song nhìn chung việc tổ chức cho học viên tham gia nghiên cứu khoa học ở Học viện CT-QS đã đạt được những kết quả rất khả quan. Đây không chỉ là bước đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giáo dục-đào tạo, mà còn góp phần rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo cho người học, từng bước nâng cao chất lượng dạy, học, góp phần quan trọng hình thành nhân cách, phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ chính ủy, chính trị viên theo tinh thần Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Chỉ tính riêng năm học 2007-2008, toàn Học viện đã tổ chức triển khai, nghiên cứu và nghiệm thu 125 đề tài, chuyên đề khoa học; viết hàng trăm bài tham luận hội thảo, tọa đàm khoa học ở các cấp. Đặc biệt, thông qua nghiệm thu ở cấp cơ sở, các đơn vị đã lựa chọn được 29 đề tài, 28 chuyên đề khoa học tiêu biểu dự thi cấp Học viện với kết quả đạt được khá cao: 31% đề tài khoa học và 21,4% chuyên đề được Hội đồng khoa học của Học viện xếp loại A.

LÊ LONG KHÁNH