QĐND Online - Những năm gần đây ngoài việc lên lớp giảng dạy cho các đối tượng học viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa Thiết bị hàng không, Trường Sĩ quan Không quân luôn phát huy mạnh mẽ phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo của nhà trường.

Mô hình nguyên lý hoạt động của hệ thống khởi động động cơ máy bay Su-22M4 là một trong những đề tài giúp học viên học tập bám sát thực tế.

Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã ra đời, giúp học viên được học tập sát với thực tế mà không phải tốn nhiều thời gian lên lớp. Đó là: Mô phỏng thiết bị buồng lái máy bay L-39, mô phỏng hoạt động của hệ thống đồng hồ hộp màng, hoạt động của hệ thống đồng hồ chân trời…giúp cho học viên nắm chắc được cấu tạo và nguyên lý làm việc của các thiết bị một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt sáng kiến mô phỏng quá trình điều khiển hoạt động của hệ thống tự động lái CAY-22 trên máy bay Su-22M4 của Đại uý Đỗ Tiến Lương; thiết bị mô phỏng hoạt động của hệ thống ô xy KKO-5 của Đại uý Lê Đức Lợi đã được Hội đồng khoa học cấp Bộ Tổng Tham mưu nghiệm thu đánh giá cao về tính sáng tạo và khả năng ứng dụng.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm khoa Thiết bị hàng không khẳng định: Để có được thành công trên, các giảng viên của khoa đã bám sát thực tiễn ở đơn vị cơ sở, chủ động tìm ra những giải pháp kỹ thuật tối ưu để nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm có giá trị, nhằm giúp cho học viên hiểu nhanh, hiểu rõ vẫn đề cốt lõi của bài giảng. Nhiều đề tài, sáng kiến không những giúp học viên học tập có hiệu quả mà còn tạo điều kiện để các giảng viên trẻ của khoa phát huy được năng lực và trình độ tư duy nghiên cứu của mình.

Để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hằng năm lãnh đạo chỉ huy khoa đều phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà trường và phòng đào tạo, phát hiện, tuyển chọn những cán bộ, giảng viên có trình độ cao từ đơn vị cơ sở cử đi bồi dưỡng thực tế hoặc đi học ở các học viện, nhà trường trong quân đội; có chế độ ưu đãi, khuyến khích động viên để các cán bộ, giảng viên yên tâm học tập nhằm trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn để bảo đảm phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học của khoa sau này.

Giới thiệu mô hình hệ thống đồng hồ hộp màng trên máy bay.

Một điều đáng ghi nhận của khoa Thiết bị hàng không trong năm học vừa qua, đó là mặc dù mới được tái thành lập sau một thời gian dài không đào tạo nhưng tổ bộ môn Điện khí đã tích cực chủ động khắc phục mọi khó khăn để đào tạo 2 lớp chuyên ngành điện khí cho nhà trường và Quân chủng. Trong điều kiện trang bị, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các xe điều hoà nhiệt độ không khí ACU-40, xe áp suất thủy lực UPG-300, xe nạp khí tổng hợp UG3S cho học viên thực hành còn rất thiếu. Nhiều buổi lên lớp thực hành của học viên, giảng viên phải khắc phục bằng cách mượn các thiết bị đang sử dụng trên xe của đơn vị để lắp đặt lên xe thực hành cho học viên tham quan và khởi động, sau đó lắp trả lại cho đơn vị. Đây cũng là trăn trở để cán bộ, giảng viên của tổ bộ môn Điện khí nghiên cứu lắp đặt thêm mô hình xe mooc điều hoà nhiệt độ không khí cho học viên tham quan học tập.

Tính từ năm 2011 đến nay, khoa Thiết bị hàng không đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 5 đề tài, sáng kiến cấp trường và Quân chủng, 2 đề tài cấp Bộ Tổng tham mưu; biên soạn, biên dịch hàng chục cuốn tài liệu Su 22-M4 và Su -30. Ngoài ra, các giảng viên của khoa còn thực hiện thành công 6 nhiệm vụ ngành, vẽ hơn 200 bộ tranh các loại phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Bình quân mỗi giảng viên của khoa có giờ giảng 555 tiết/năm, trong đó có 90% giờ giảng bằng giáo án điện tử.

Có thể nói phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của khoa Thiết bị hàng không, Trường Sĩ quan Không quân đã thực sự tạo động lực để các giảng viên trong khoa nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời thúc đẩy quá trình tự học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.

Bài, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG