Giờ huấn luyện chiến thuật của dân quân xã biên giới Hướng Linh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Một trong những vấn đề được quan tâm trong công tác quốc phòng ở Quảng Trị là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV. Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là xây dựng DQTV trở thành lực lượng nòng cốt của công tác quân sự địa phương. Nhiều năm qua, Quảng Trị đã phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong phát triển lực lượng DQTV theo phương châm: “Dân bàn, dân cử, dân chăm lo”.

Những ngày công tác ở Quảng Trị, chúng tôi càng thấu hiểu, với một dải đất đã từng chịu đựng bao đau thương, mất mát qua mấy cuộc chiến tranh, người dân ý thức về trách nhiệm của mình với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc sâu sắc biết nhường nào. Vấn đề quan trọng không bao giờ cũ là phải làm cho cán bộ, nhân dân thấy được ý nghĩa thiết thực, sự liên quan mật thiết giữa củng cố, xây dựng lực lượng DQTV với bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng-an ninh. Thực tế ở Quảng Trị mỗi huyện, thị; mỗi cơ quan xí nghiệp, nông trường tuy có cách làm riêng nhưng đều giống nhau ở một điểm là người dân được tham gia bàn bạc tổ chức xây dựng lực lượng DQTV để bảo vệ làng xã, cơ quan, xí nghiệp, lâm trường mình. Đến các địa bàn trọng điểm như: Hải Thượng, Hải Phú (huyện Hải Lăng), hai huyện biên giới ĐakRông, Hướng Hóa và một số xã ven biển... chúng tôi thấy các vấn đề: số lượng dân quân cần phải có bao nhiêu, tiêu chuẩn như thế nào, nên cử những ai tham gia... cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và khả năng chăm lo của từng cơ sở đều được chính quyền các địa phương tổ chức cho dân sôi nổi bàn bạc. Khi đã được kết nạp, chiến sĩ DQTV không chỉ được quản lý khi tập trung huấn luyện mà còn được theo dõi bởi tai, mắt nhân dân khi về sinh hoạt tại cộng đồng. Ngoài căn cứ vào kết quả huấn luyện và tham gia hoạt động, uy tín của cán bộ, chiến sĩ DQTV qua đóng góp của dân cũng là một căn cứ để phân loại đảng viên, đoàn viên và đề nghị khen thưởng hằng năm. Định kỳ cấp ủy, chính quyền các cơ sở đều tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân trong sàng lọc bổ sung mới, cho ra khỏi lực lượng DQTV những người không đủ tiêu chuẩn. Nhờ đó mà chất lượng chính trị của lực lượng DQTV Quảng Trị thường xuyên được nâng cao.

Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có trung đội dân quân cơ động. 100% xóm, bản đều có tiểu đội hoặc tổ dân quân chiến đấu tại chỗ. Có thể nói các địa phương cơ sở ở Quảng Trị đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện khả năng kinh tế. Trong điều kiện còn nghèo, mức độ cải thiện đời sống nhân dân còn chậm nên việc chăm lo cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của DQTV ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhưng cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc Quảng Trị quyết không để “vùng trắng” hoặc sinh ra chỉ gọi là cho có DQTV. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các địa bàn trọng điểm, các xã biên giới nhất thiết phải xây dựng được lực lượng DQTV mạnh. Toàn tỉnh Quảng Trị có 17 xã biên giới, cách đây vài năm còn có những xã trung bình, thậm chí yếu về công tác quốc phòng nhưng nay thì 100% đều đạt khá trở lên. Với tư tưởng chỉ đạo thực hiện tốt “ba bám”: bám dân, bám địa bàn, bám nhiệm vụ, Ban CHQS các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho lực lượng DQTV. Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ DQTV ở Quảng Trị là việc làm thường xuyên. Quảng Trị đã có hơn 200 lượt cán bộ DQTV được tập huấn tại Quân khu. Ngoài ra tỉnh cũng đã mở được 156 lớp tập huấn cho hơn 5.000 lượt cán bộ DQTV các cấp. Theo phân cấp hằng năm, Bộ CHQS tỉnh chịu trách nhiệm tập trung huấn luyện cho cán bộ xã đội trưởng, chính trị viên xã đội. Ban CHQS huyện chịu trách nhiệm huấn luyện cho đội ngũ cán bộ xã đội phó, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng. Ban CHQS xã, phường đội chịu trách nhiệm huấn luyện chiến sĩ DQTV. Với kết quả kiểm tra hằng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó có từ 75 đến 80% khá, giỏi, Quảng Trị trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về xây dựng DQTV của Quân khu 4.

Bài và ảnh: THUẬN THẮNG