QĐND - Khẩu phần ăn dã chiến (KPADC) là định lượng ăn (có thể ăn liền) được cấp đến từng binh sĩ để sử dụng trong tác chiến. Nghiên cứu, sản xuất KPADC cho binh sĩ phù hợp với đặc điểm tác chiến trên chiến trường, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như năng lượng cần thiết nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lính được quân đội nhiều nước quan tâm.

Chế độ ăn của binh sĩ trong Quân đội Trung Quốc phụ thuộc vào nhiệm vụ đặc thù của từng quân, binh chủng. Với trinh sát đặc công, do hoạt động trong môi trường bí mật cao, binh sĩ cần ăn nhanh, thậm chí phải ăn vào ban đêm và một ngày chỉ ăn một bữa nên khẩu phần ăn của đối tượng này chủ yếu vẫn là lương khô ép. Với các lực lượng khác, khẩu phần ăn có thể là các loại lương thực, thực phẩm đựng trong bao bì chân không. Quân đội Trung Quốc đã sản xuất và đưa vào sử dụng loại cơm từ gạo sấy và thức ăn khô đựng trong túi. Đặc biệt, ngành Hậu cần quân đội Trung Quốc đã sản xuất KPADC tự hâm nóng đựng trong các túi có thể tích nhỏ, sử dụng rất tiện dụng trong hành quân, chiến đấu. Nhờ đó, quân nhân có bữa ăn với cơm nóng, thức ăn nóng có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất phù hợp với các đơn vị hoạt động ở vùng có khí hậu khắc nghiệt hoặc ở vùng núi cao và trong mùa lạnh. Các nhà khoa học hậu cần Quân đội Trung Quốc cũng đã nghiên cứu, sản xuất loại sữa chua có tác dụng bổ sung chất điện giải cho cơ thể. Loại sữa chua đặc biệt này đựng trong hộp và không cần bảo quản trong tủ lạnh. Quân nhân hoạt động hàng tháng trong rừng núi vẫn có sữa chua để dùng.

Khẩu phần ăn KP-02A do Viện Nghiên cứu ứng dụng Quân nhu (Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) nghiên cứu sản xuất. Ảnh: Xuân Giang.

Ngành Hậu cần Quân đội Nga không nghiên cứu sản xuất nhiều chủng loại KPADC mà tập trung lựa chọn một số khẩu phần ăn bảo đảm chế độ dinh dưỡng cân bằng, có nhiệt lượng cao, dễ bảo quản trong thời gian dài. Hiện nay, Quân đội Nga đang đề ra mục tiêu tăng nhiệt lượng cho từng khẩu phần lên mức 7.100 Kcalo/người/ngày. Ngoài ra, thông qua phương pháp bảo quản tiên tiến như dùng các loại vật liệu phù hợp làm bao bì giúp cho quá trình vận chuyển khẩu phần ăn được dễ dàng và thời gian cất trữ được lâu hơn. Ngoài tiêu chuẩn của các quân nhân tham gia chiến đấu trực tiếp hoặc diễn tập, Quân đội Nga còn đề ra chế độ ăn uống cho quân nhân khi làm các nhiệm vụ khác như cảnh giới mục tiêu; tuần tra; bộ binh cơ giới; tiêu chuẩn cho nhóm quân nhân chịu bức xạ điện từ, điện tử, làm việc trong các môi trường có ô nhiễm điện từ…

Quân đội Nhật Bản ngoài việc chú trọng sản xuất KPADC có chất lượng tốt, chế độ dinh dưỡng cao còn đặc biệt quan tâm tới các yếu tố như màu sắc, hương vị… của khẩu phần ăn. Hiện nay, KPADC của quân đội Nhật Bản chia làm hai loại: Loại KPADC như bánh mì khô, lương khô ép, thực phẩm hộp… được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp; loại KPADC sử dụng kỹ thuật chưng hấp tiên tiến được đóng trong các bao thành phẩm (ví dụ cơm, đậu, thịt, rau, hăm-bơ-gơ…). KPADC loại này được cấu thành từ hàng chục loại thực phẩm phổ thông, có vị ngon, dinh dưỡng cao, được sử dụng rộng rãi và có thời gian bảo quản được hơn một năm.

Việc nghiên cứu sản xuất KPADC phục vụ bộ đội đã và đang được ngành Hậu cần quân đội ta chú trọng, góp phần phục vụ huấn luyện, chiến đấu. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, KPADC của bộ đội chủ yếu là gạo rang, cơm nắm… Đến thời kỳ chống Mỹ, quân đội ta đã nghiên cứu chế biến thực phẩm và khẩu phần chế biến sẵn như lương khô, cơm sấy, đồ hộp… Bộ đội đặc công có khẩu phần ĐC1, ĐC2. Trong khẩu phần có viên tăng lực, viên chống lạnh, giảm khát… Những năm 90 của thế kỷ trước, quân đội ta nghiên cứu khẩu phần ăn dạng tuýp sử dụng cho đặc công nước. Bộ đội có thể vừa bơi vừa ăn và ăn liên tục từ 2 đến 3 ngày vẫn bảo đảm sức chiến đấu. Thời kỳ này, quân đội ta cũng đã nghiên cứu khẩu phần KP1, KP2 phục vụ bộ đội tác chiến trên đảo…

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tổng cục Hậu cần đã hoàn thành Đề tài khoa học mã số KCB.02.02 “Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện khẩu phần ăn phù hợp cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới”. Đề tài đã nghiên cứu xây dựng các loại khẩu phần ăn cho đối tượng bộ binh, đối tượng quân binh chủng phù hợp với điều kiện tác chiến mới, bảo đảm năng lượng theo yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội. Kết quả, đã xây dựng được 9 loại khẩu phần ăn với thực đơn thay đổi. Các khẩu phần ăn đã đáp ứng được yêu cầu năng lượng trong điều kiện chiến đấu khẩn trương. Khẩu phần ăn có bao bì nhẹ, bền, có khả năng chống được tác động của môi trường khí hậu, không ngấm nước. Cơ cấu thức ăn của khẩu phần là thực phẩm trong nước, chế biến hợp khẩu vị, có thể ăn liền, tiện sử dụng trong điều kiện không thể tổ chức nấu ăn, tiếp tế ăn. Khẩu phần ăn có khối lượng và bao gói gọn nhẹ, tiện mang theo trong quá trình cơ động, tác chiến trong các điều kiện địa hình, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lượng, chất dinh dưỡng cho bộ đội…

PHƯƠNG HIỀN (tổng hợp)