QĐND Online - Thực tiễn 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc (1945-1975) đánh đuỏi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta cho thấy, bằng cách đánh kết hợp đột phá với bao vây- chia cắt, vu hồi- thọc sâu, các chiến dịch tiến công của ta đã mang lại những thắng lợi to lớn. Sự kết hợp ấy được vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của từng chiến dịch. Trong chiến dịch Tây Bắc (1952), ta lần lượt đột phá vào tuyến phòng ngự của địch ở Nghĩa Lộ- Phù Yên, rồi đánh địch ở Mộc Châu, Bản Hoa, Ba Lay, Mường Lục... đã mở toang cửa vào Tây Bắc; đồng thời mở một mũi vu hồi, thọc sâu vào nam Lai Châu, khiến quân địch ở Sơn La không bị đánh mà phải rút chạy. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta tiến hành vây hãm quân địch trong tập đoàn cứ điểm, rồi đột phá lần lượt theo lối “bóc vỏ”, tiêu diệt các vị trí ngoại vi phía bắc và đông bắc, sau đó đánh chiếm các khu vực phòng ngự then chốt ở phía đông, dần dần khép chặt vòng vây, đánh sân bay, triệt đường tiếp viện, tiếp tế, cuối cùng kết hợp đột phá với thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh (Xuân 1975), ta cùng một lúc đột phá trên 5 hướng: đông, đông bắc, bắc, tây bắc và tây nam, rồi thọc sâu vào nội đô Sài Gòn đánh chiếm các mục tiêu then chốt và trung tâm đầu não của ngụy quân, ngụy quyền.

Bao vây- chia cắt được thực hiện trước khi đột phá và trong suốt quá trình chiến dịch. Trước chiến dịch, ta thường kết hợp bao vây chiến dịch và chiến thuật; đồng thời tiến hành các biện pháp nghi binh, lừa địch để triệt để cô lập trên các hướng (khu vực) chủ yếu, bảo đảm đột phá thắng lợi. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1972), trước khi đột phá vào mục tiêu chủ yếu trước mắt là Đắc Tô - Tân Cảnh, ta đã đánh cắt giao thông giữa Plây-cu –Kon Tum và giữa Plây-cu –Tân Cảnh; đồng thời nghi binh đánh lạc hướng chú ý của địch về hướng Kon Tum, hút lực lượng dự bị chiến dịch của địch ra tây bắc Kon Tum để tiêu diệt một bộ phận và giam chân chúng ở đó, tạo thuận lợi cho quân ta đột phá, tiêu diệt nhanh gọn quân địch ở Đắc Tô-Tân Cảnh. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), ta đột phá trên hướng thứ yếu (Đường số 22) trước, hút lực lượng địch về hướng đó, tạo điều kiện đưa lực lượng chiến dịch vào triển khai thế trận chiến dịch và triển khai thế trận bao vây chia cắt địch trên hướng chủ yếu (Đường số 13), bảo đảm cho ta đột phá vào khu vực phòng ngự của địch ở Lộc Ninh được thuận lợi. Trong chiến dịch Tây Nguyên (1975), trước tiên, ta đánh cắt giao thông giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển miền Trung, giữa nam Tây Nguyên và bắc Tây Nguyên... để thực hành đột phá vào Buôn Ma Thuột giành thắng lợi. Thực tế cho thấy, nếu bao vây-chia cắt không tốt thì đột phá và phát triển chiến dịch gặp khó khăn; ngược lại đột phá không thành công thì cũng không hình thành và phát triển được thế trận bao vây-chia cắt tiêu diệt gọn quân địch.

Trong các chiến dịch tiến công của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, các đòn đột kích, vu hồi thọc sâu của chủ lực ta còn kết hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ, của các đội dân quân, du kích, biệt động, các đơn vị đặc công luồn sâu vào trong lòng địch và các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng... tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi./.

HÀ THÀNH