QĐND Online - 40 năm đã trôi qua, “81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ” vẫn mãi là ký ức hào hùng không thể nào quên của những chiến sĩ Quảng Trị; đặc biệt là với hơn 10 cán bộ, chiến sĩ cuối cùng rút khỏi Thành cổ của Tiểu đoàn 3-Tỉnh đội Quảng Trị (K3 Tam Đảo). Đại tá Đỗ Văn Mến, người Tiểu đoàn trưởng năm xưa khi giở lại hồi ức về những ngày đối mặt với sự sống và cái chết trong “chảo lửa” Quảng Trị 1972  vẫn không khỏi xúc động…

Tháng 7-1972, Đại tá Đỗ Văn Mến là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, được trên giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị chốt giữ phía Đông Bắc Thành cổ. Từ ngày 10-7-1972, kẻ địch dùng nhiều loại bom, pháo và hỏa lực của xe tăng bắn phá dữ dội vào trận địa suốt ngày đêm. Chúng tổ chức nhiều đợt tấn công ở cấp đại đội và tiểu đoàn. Song, được sự chi viện pháo binh của Mặt trận B5 và các đơn vị bạn, K3 vẫn kiên cường đánh trả quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ngày 12-7-1972, tướng ngụy là Ngô Quang Trưởng ra lệnh cho các đơn vị bằng mọi giá phải tái chiếm Quảng Trị. Chúng chia quân làm 3 mũi đồng loạt tấn công bắn phá dữ dội, trọng điểm là trận địa Thành cổ. Trên cương vị là chỉ huy Tiểu đoàn, Đỗ Văn Mến trực tiếp liên lạc với cấp trên đề nghị pháo chiến dịch chi viện và lệnh cho Đại đội 12 dùng hỏa lực cối 82mm, cối 60mm và súng 12,7mm đánh địch từ xa, đồng thời chỉ thị cho các đại đội bộ binh phối hợp đưa vũ khí vào gần mới được nổ súng để tiết kiệm đạn. Với phương án tác chiến đó, trong suốt 3 ngày địch dùng cả phi pháo bắn phá và tổ chức nhiều đợt tấn công nhưng đều bị K3 đánh bật ra khỏi Thành. Đại tá Đỗ Văn Mến kể: “Ngày 14-7-1972, một tổ biệt kích ngụy bí mật đột nhập vào phía Đông Thành cổ để cắm cờ chụp ảnh. Đại đội 11 phát hiện diệt cả 3 tên, thu cờ 3 que. Ở thế giằng co với địch, tôi yêu cầu toàn đơn vị phải đề cao tinh thần cảnh giác và luôn sẵn sàng độc lập tác chiến”.

Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Tư liệu.

Liên tiếp nhiều ngày sau đó, quân ngụy vừa công phá vừa phái nhiều tổ biệt kích lấn chiếm trận địa. Bom pháo bắn phá đêm ngày khiến mặt đất Thành cổ bị cày xới tung lên. Song, mỗi lần địch tấn công, K3 dưới sự chỉ huy của đồng chí Mến đã lợi dụng hầm hào công sự tấn công chia cắt đội hình và tiêu diệt địch. Tuy nhiên, lực lượng của đơn vị cũng bị thương vong khá nhiều. Sau khi nhận được điện của Bộ Tư lệnh chiến dịch yêu cầu: “Tiểu đoàn 3 bằng mọi giá phải giữ vững Thành cổ, kiên quyết không cho địch cắm cờ, phải bảo đảm an toàn cho từng mét đất trong Thành”, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến đã họp Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị quyết tâm giữ vững Thành cổ. Ông nhớ lại: “Đêm đó dưới ánh trăng Thành cổ và bom đạn của kẻ thù, cả Tiểu đoàn 3 chúng tôi đã cùng viết lời thề quyết tử: K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”.

Đầu tháng 9-1972 là giai đoạn ác liệt nhất. Giằng co với địch đêm ngày, ta bị thương vong nhiều trong khi quân địch mỗi lúc một đông. Chúng liên tục dùng lực lượng quy mô cấp trung đội, đại đội kết hợp với hỏa lực bắn phá liên tục và dày đặc tiến công vào Thành. Ngày 10-9-1972, từ Tri Bưu và làng Hành Hoa, theo hướng Đông Bắc, địch sử dụng cả xe tăng, súng phun lửa bắn phá dữ dội vào trận địa. Đỉnh điểm là trận đánh ngày 12-9 ta phải đương đầu với 2 đại đội lính thủy đánh bộ ngụy. Lúc này lực lượng của K3 chỉ còn hơn hai chục cán bộ, chiến sĩ. Đích thân Tiểu đoàn trưởng Mến cũng xuống đơn vị chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu cùng anh em. Với lòng dũng cảm, quyết tâm bảo vệ Thành cổ, cả Tiểu đoàn đồng loạt nổ súng và xuất kích tiêu diệt địch. Kể đến đây, ông còn nhắc với chúng tôi về gương chiến đấu xuất sắc của một đồng đội. Đó là đồng chí Hán Duy Long, chiến sĩ Đại đội 9, trong trận này anh bắn một lúc 9 quả B40 diệt 38 tên địch.

Đại tá Đỗ Văn Mến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (K3 Tam Đảo-Tỉnh đội Quảng Trị).

Dừng lại một chút khi nhắc về đồng đội, Đại tá Đỗ Văn Mến lại tiếp tục câu chuyện một cách say sưa. K3 Tam Đảo vẫn liên tục phải chống chọi với nhiều đợt địch tấn công. Chúng cứ tiến lên rồi lại bị đánh bật ra. Giằng co mãi, sau đó chúng quay sang củng cố lực lượng tại chỗ và đào hầm hào bao vây Thành. Lúc này lực lượng của Tiểu đoàn còn rất mỏng. Tiểu đoàn trưởng Mến lệnh cho toàn đơn vị tập trung các loại vũ khí lại, mỗi đồng chí sử dụng 3 đến 4 loại súng và phải cơ động trong một đoạn hào dài 20-30 mét, kết hợp với xuất kích nhỏ kiên quyết đánh địch bật ra. Buổi tối, ông tổ chức cho bộ đội ra ngoài Thành lấy vũ khí đạn dược của địch để tiêu diệt địch. K3 vẫn quyết cầm cự với địch đến cùng để giữ trọn lời thề với Thành cổ. Ngày 16-9-1972, khi quân số của Tiểu đoàn bị thương vong gần hết chỉ còn lại hơn 10 đồng chí cũng là lúc K3 được lệnh rời khỏi Thành, kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Ngày 23-9-1973, Tiểu đoàn 3 Tỉnh đội Quảng Trị đã được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đồng chí Đỗ Văn Mến sau khi rời Thành cổ tiếp tục tham gia chiến đấu trên những chiến trường khác cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, ông vẫn luôn giữ trong mình phẩm chất của người lính Cụ Hồ, với lời thề của K3 năm xưa. Năm 2009, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông nói: “Đây là thành tích của đồng đội. Tôi chỉ thay mặt anh em, những người có thể trở về và những người còn mãi nằm lại Thành cổ nhận lấy mà thôi”.

Với suy nghĩ đó, ông đã trao bảng ghi tặng danh hiệu này cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam làm hiện vật để đưa vào hệ thống trưng bày và lưu giữ cho mai sau. Cũng thật tình cờ, một tháng sau buổi phỏng vấn Đại tá Đỗ Văn Mến chúng tôi được gặp một đồng đội của ông. Đó là Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi-nguyên Trợ lý quân lực K3-Tam Đảo trong chương trình gặp gỡ, tri ân đồng đội do Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam tổ chức. Ông Hợi chia sẻ: “Tôi và anh Mến sau này đã tìm được hơn 10 đồng chí của K3 Tam Đảo- những người cuối cùng rời khỏi Thành cổ. Mỗi người một phương và cũng già yếu cả nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên, hễ có dịp là gặp nhau ôn lại một thời hoa lửa ”. Được biết, Điện ảnh Quân đội-Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đang triển khai dự án thực hiện bộ phim tài liệu nhựa về những chiến sĩ K3 Tam Đảo do đồng chí Phạm Huyên làm đạo diễn. Hy vọng bộ phim này sẽ sớm đến với khán giả trong và ngoài quân đội.

Bích Trang