 |
Khu chăn nuôi lợn tập trung của đơn vị M76, đoàn C69.
|
Đó là quan điểm phục vụ của ngành Hậu cần Quân khu 4. Từ quan điểm này, ngoài việc thường xuyên đẩy mạnh xây dựng hậu cần KVPT tỉnh, thành phố, Quân khu 4 đã coi trọng chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ. Tiếp xúc với cán bộ, nhân viên làm công tác hậu cần ở các đơn vị tôi nhận thấy họ quán triệt rất rõ quan điểm trên và trong hành động đã có những bước chuyển thực sự.
Ngành Hậu cần Quân khu đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch và điều hành kế hoạch bảo đảm hậu cần theo hướng năm sau tập trung giải quyết những khâu yếu, mặt yếu, những việc chưa làm được của năm trước. Trong các phương án, kế hoạch, các cấp đã coi trọng nâng cao chất lượng vật chất, phương tiện hậu cần phục vụ bộ đội huấn luyện, dã ngoại; phòng, chống thiên tai, thảm họa trong mọi hoàn cảnh. Phương án, kế hoạch hậu cần cũng được mở rộng phân cấp tạo thuận lợi cho các đơn vị phát huy điều kiện tại chỗ trong khai thác, TGSX, bảo đảm tốt nhu cầu về ăn, ở, mặc; điều kiện sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe bộ đội. Ngoài kế hoạch chung hằng năm, hằng quý, hằng tháng của quân khu, các đơn vị đều có kế hoạch chi tiết về chi tiêu bảo đảm hậu cần từng quý, tháng, tuần. Mọi giấy tờ, sổ sách cấp phát, chi tiêu đều được tổng hợp, ghi chép thống nhất, rõ ràng. Mỗi kế hoạch đều quy định rõ chức trách, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần của người chỉ huy các cấp, chống thất thoát, mất mát, lãng phí...
Quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo, chỉ huy Cục Hậu cần tổ chức kiểm tra đôn đốc. Cán bộ các ban, ngành theo chức năng bám đơn vị, bám cơ sở tích cực theo dõi, nắm chắc tình hình mọi mặt công tác hậu cần để phát hiện tham mưu, đề xuất với trên và chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở. Đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần là lực lượng nòng cốt tiến hành công tác bảo đảm hậu cần ở các đơn vị. Chính vì vậy mà trước khi đón nhận chiến sĩ mới, cơ quan Hậu cần quân khu đã khảo sát, cùng các đơn vị rà soát lại số lượng, chất lượng đội ngũ chuyên môn, ổn định biên chế đội ngũ hậu cần. Ngoài những người được đưa đi đào tạo hằng năm ở các trường, đầu năm ngành hậu cần đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, tinh thần thái độ phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ hậu cần cho hầu hết cán bộ, nhân viên. Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên hậu cần của Quân khu 4 đủ khả năng tổ chức quản lý, điều hành và thực hiện công tác hậu cần ở cơ sở theo cương vị, chức trách được giao.
Mấy năm gần đây, Quân khu tập trung xóa nhà tạm, củng cố sửa chữa các loại nhà theo thiết kế mẫu và xây hàng nghìn mét vuông nhà ở mới bảo đảm thoáng mát về mùa hạ, ấm áp về mùa đông. Hàng trăm triệu đồng đã được đầu tư bảo đảm nước sinh hoạt cho Đoàn pháo binh Thuận An, đơn vị Bình Long (Đoàn Ngự Bình), Phân đội 13 (Đoàn 80); Đơn vị 19; Đơn vị M76 (Đoàn C68); Phân đội 12 (Bộ Tham mưu) và một số đơn vị khó khăn về nước sinh hoạt trước khi đón chiến sĩ mới. Các đơn vị tuyến đảo tổ chức xử lý nước lợ để có đủ nước sạch cho chiến sĩ sinh hoạt. Bằng phát huy nội lực, 100% cán bộ, chiến sĩ Đoàn công binh Hải Vân; Đoàn H06 Tăng-Thiết giáp; Đoàn Ngự Bình, Đoàn phòng không H83... đã có nước nóng tắm vào mùa đông. Nhiều đơn vị ở vùng sâu vùng xa đã tăng cường sửa chữa hệ thống điện lưới, tăng cường quản lý giảm thất thoát điện; tổ chức sản xuất tập trung một số doanh cụ, trang thiết bị bảo đảm đủ sinh hoạt cho bộ đội. Các đơn vị đã chú trọng công tác chống sét, chống mối, xử lý rác thải bảo đảm an toàn, sạch sẽ. Nhiều khu doanh trại cũ nhưng được vôi ve lại khang trang, sáng sủa như mới.
Cơ quan Hậu cần, Tài chính của Quân khu chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt tiền ăn, lương thực, thực phẩm, thực hiện triệt để tiết kiệm trong tất cả các khâu. Mô hình tăng gia sản xuất, chế biến tập trung được đa dạng hóa đưa nhiều sản phẩm chất lượng cao vào bữa ăn của bộ đội. Ở các đơn vị: Đoàn Ngự Bình; Đoàn 80 thông tin; Đoàn công binh Hải Vân; Đoàn C68; Đoàn Thuận An; Đoàn H83... mỗi tiểu đoàn có từ 3 đến 4 nghìn mét vuông rau xanh các loại; từ 120 đến 150 đầu lợn (bình quân 50kg/con); 2 đến 3 nghìn héc-ta ao hồ nuôi cá (bình quân thu hoạch 3 tấn tôm, cá/năm) và từ 20 đến 30 con bò cùng hàng nghìn gia cầm khác. Đầu năm 2008, đón nhận thêm hàng trăm chiến sĩ mới, nhiều đơn vị vẫn tự túc 100% rau xanh; 60 đến 70% thịt, cá; chi thêm vào bữa ăn 700 đến 1000 đồng/ngày.
Những ngày đầu năm 2008 này, toàn Quân khu đang tập trung bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật chế biến, nấu ăn và quan điểm, thái độ phục vụ gắn với đẩy mạnh phong trào xây dựng bếp nuôi quân giỏi – quản lý tốt. Chất lượng bữa ăn được cải thiện rõ rệt, định lượng thịt vượt từ 15 đến 20g, cá từ 5 đến 7g/người.. Trên bàn ăn của chiến sĩ luôn có đủ hộp đựng tăm, ống đựng đũa, giấy lau... hợp vệ sinh. Ngoài ra còn có đủ các loại gia vị như lọ giấm tỏi, muối vừng, mắm ớt, rau thơm và hoa quả tráng miệng. Năm 2008 này, Quân khu 4 tiếp tục quy hoạch hệ thống vườn, giàn, ao, chuồng theo hướng cơ bản, tăng diện tích đất TGSX nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nuôi dưỡng bộ đội.
Bài và ảnh: Thuận Thắng