QĐND - Những năm qua, cùng với lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới quy trình, nội dung chương trình, phương pháp dạy học trong hệ thống nhà trường quân đội, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư trang thiết bị dạy học (TTBDH), góp phần nâng cao chất lượng GD &ĐT, năng lực thực hành của người học. Nhưng so với sự phát triển của quân đội và các nhà trường, nhu cầu đầu tư, nâng cấp TTBDH cần tiếp tục được tiến hành đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “nhà trường đi trước đơn vị”…
Đầu tư tăng hằng năm, từ nhiều nguồn
TTBDH có vai trò quan trọng góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao trình độ giảng dạy của giảng viên, năng lực thực hành của học viên và chất lượng GD &ĐT của các nhà trường. Những năm qua, việc bảo đảm TTBDH trong các trường quân đội được đầu tư nguồn kinh phí lớn, tăng hằng năm. Kết quả đầu tư, nâng cấp TTBDH giai đoạn 2006-2010 cho 10 học viện, 12 trường sĩ quan, 12 trường quân sự quân khu, quân đoàn, 16 trường cao đẳng, trung cấp quân sự, 7 trung tâm đào tạo, 2 trường thiếu sinh quân và 21 trường cao đẳng, trung cấp nghề trong toàn quân đáp ứng theo chuẩn quốc gia và đặc thù quân đội, phù hợp đặc điểm của từng khối trường. Việc đầu tư TTBDH tập trung vào các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành binh chủng, các phòng học tin học, ngoại ngữ, kết nối internet; các phòng thí nghiệm công nghệ cao, sử dụng hệ điều khiển CAD, CAM, CNC, CIM, thư viện điện tử, trung tâm điều hành huấn luyện, công nghệ mô phỏng…
 |
Giờ học thực hành của học viên Học viện Hậu cần.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu cho biết: “Hai năm gần đây, việc đầu tư TTBDH tiếp tục được Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm, đầu tư lớn hơn, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ dạy học của các trường”. So với năm 2011, đầu tư mua sắm TTBDH cho các trường quân đội năm 2012 tăng là 8,3%. Năm học vừa qua, các trường đã đầu tư, nâng cấp bổ sung: 11 trung tâm điều hành, huấn luyện, 18 phòng thí nghiệm, 34 phòng học chuyên dùng, chuyên ngành, 9 phòng phương pháp, 28 phòng học phổ thông, 2 xưởng kỹ thuật, 83 máy chiếu đa năng... Kinh phí đầu tư mua sắm TTBDH được các trường sử dụng đúng mục đích, hiệu quả thiết thực. Đại tá Trần Văn Quyến, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Lục quân cho biết: “Với nguồn kinh phí đầu tư của Bộ Quốc phòng (3, 5 tỷ đồng), trong năm học 2010-2011, Học viện Lục quân đã nâng cấp, lắp đặt bảng điện tử thông minh, máy chiếu, camera ở 32 giảng đường, 1 phòng huấn luyện, sở chỉ huy diễn tập, kết nối đường truyền theo dõi hoạt động dạy học tại các giảng đường…”. Còn kết quả khảo sát tại Trường Trung cấp Kỹ thuật mật mã cho thấy: 100% học viên hứng thú, tiếp thu bài học nhanh hơn khi giảng viên sử dụng TTBDH hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy…
Ngoài sự đầu tư của Bộ Quốc phòng, việc đầu tư TTBDH cho các trường còn có sự quan tâm của các cơ quan, ngành chức năng, các quân, binh chủng theo từng lĩnh vực đào tạo. Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, nhiều năm nay được Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng cung cấp các trang bị, khí tài hiện đại phục vụ huấn luyện, diễn tập như thiết bị chiếu sáng, nhìn đêm… Các phòng Lab của Trường Sĩ quan Thông tin và Trung cấp Thông tin được Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc trang bị Tổng đài kỹ thuật số và các trang bị hiện đại nhất hiện nay để phục vụ dạy học. Các phòng học chuyên ngành của Học viện Hậu cần được Tổng cục Hậu cần cấp trang thiết bị, quân trang mới, giúp học viên học tập sát thực tế, nâng cao năng lực thực hành…
Trong điều kiện nguồn kinh phí của trên chưa đáp ứng theo nhu cầu, nhiều trường đã huy động nguồn vốn tự có và nguồn thu từ đào tạo phục vụ CNH, HĐH mua sắm TTBDH. Đại tá Phạm Đức Dũng, Phó giám đốc Học viện Hậu cần cho biết: Năm học vừa qua, học viện đã đầu tư hơn 3, 2 tỷ đồng, từ nguồn thu đào tạo phục vụ CNH, HĐH và cùng nguồn kinh phí trên cấp, đến nay đã hoàn thành lắp đặt máy tính, máy chiếu ở 70% số phòng học.
Tăng cường đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả
Theo báo cáo của Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu: "Trang thiết bị phòng học, phòng chuyên dùng, TTBDH của các trường hiện nay vẫn còn thiếu về số lượng, thấp về chất lượng. Một số vũ khí, trang bị huấn luyện chuyên ngành trong nhà trường còn lạc hậu so với đơn vị; thao trường, bãi tập triển khai quy hoạch chậm, đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa". Trong khi, đặc điểm đào tạo trong quân đội là đào tạo cán bộ theo chức vụ, có học vấn tương ứng và đào tạo chuyên môn kỹ thuật có tay nghề thực hành cao, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, nhà trường với đơn vị. Bởi vậy, trước sự phát triển của các trường, việc đầu tư, hiện đại hóa TTBDH càng thêm cấp thiết…
 |
Học viên Học viện Hậu cần trong phòng thí nghiệm
|
Hiện nay, các trường đang thực hiện đầu tư TTBDH theo kế hoạch số 4 về đầu tư các phòng học chuyên ngành, kế hoạch số 1218 về đầu tư, nâng cấp TTBDH các học viện, nhà trường quân đội giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch đầu tư đổi mới và phát triển nghề. Trong giai đoạn từ 2011-2015, với định mức đầu tư từ 1, 5 đến 5 tỷ đồng/năm cho các học viện đào tạo cấp chiến dịch, chiến lược và các trường đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học thì rất khó khăn trong việc mua sắm các TTBDH hiện đại. Nhiều khí tài, trang bị thật, thiết bị mô phỏng có giá thành hàng tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu TTBDH hết sức cần thiết, gồm nhiều chủng loại, đòi hỏi lượng kinh phí lớn, các trường đều mong muốn được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Đại tá Trần Văn Quyến, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Lục quân, kiến nghị: Bộ Quốc phòng bổ sung thêm ngân sách để từng bước hiện đại hóa TTBDH xây dựng và ứng dụng phần mềm, công nghệ mô phỏng… nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng tình với kiến nghị trên, Đại tá Phạm Đức Dũng, Phó giám đốc Học viện Hậu cần, bày tỏ: “Việc đầu tư kinh phí theo lộ trình hiện tại còn thấp so với nhu cầu, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục quan tâm, huy động thêm nhiều nguồn để giúp các trường đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa TTBDH…”.
Mục tiêu đầu tư TTBDH cho các trường những năm tới, Bộ Quốc phòng xác định rõ thứ tự ưu tiên, xây dựng các trường trọng điểm, các ngành nghề mũi nhọn có trang bị kỹ thuật mới, trung tâm mô phỏng tương ứng với nhiệm vụ được giao. Qua đó, người học có điều kiện tiếp xúc, học tập trên trang bị kỹ thuật mới từ nhà trường, sẽ không bị “tụt hậu”, phải ‘học thêm” khi về đơn vị. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vũ khí trang bị huấn luyện chuyên ngành trong các nhà trường vẫn còn lạc hậu so với đơn vị. Khắc phục hạn chế này, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2012-2013, Trung tướng Phạm Xuân Hùng, Phó tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo: Các cơ quan chức năng phối hợp với các quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục báo cáo, bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật nhóm 1 cho các học viện, nhà trường theo kế hoạch đã được thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Với các trang bị, khí tài hiện đại, đắt tiền không thể đưa về nhà trường để học tập, huấn luyện, các trường tăng cường ứng dụng phần mềm mô phỏng, công nghệ mô phỏng, vào giảng dạy, đồng thời chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức đưa học viên về học tập tại đơn vị….
Cùng với quá trình đầu tư TTBDH đòi hỏi nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ quản lý, giảng viên, học viên. Xây dựng chuẩn TTBDH cho từng cấp học, bậc học, ngành học, có phần mềm quản lý chặt chẽ, thống nhất TTBDH theo từng trường và hệ thống nhà trường toàn quân; hoàn thiện các quy chế, quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả. Nâng cao năng lực khai thác, sử dụng TTBDH của giảng viên, học viên bảo đảm tính đồng bộ, kết hợp giữa người dạy, người học với nội dung, phương pháp và TTBDH; đẩy mạnh phong trào giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm và nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình huấn luyện; kết hợp TTBDH hiện đại với TTBDH truyền thống, nâng cao chất lượng GD &ĐT…
Bài và ảnh: Vũ Xuân Dân