QĐND - Tôi về huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và tình cờ được nghe các cựu chiến binh kể về hành động dũng cảm húc đổ xe tăng địch trong trận tuyến Phan Thiết của một đồng đội. Ông là Trung sĩ Nguyễn Đức Sinh, nguyên thành viên kíp xe K63, Đại 8, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 203, Binh chủng Tăng-Thiết giáp. Nhà ông ở khu 2, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên. Sau chén trà đậm đà, giọng đầy cảm xúc, ông kể cho tôi nghe về trận tiến công giải phóng Phan Thiết tháng 4-1975 mà ông đã từng tham gia.
Tháng 5-1971, Nguyễn Đức Sinh tình nguyện nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện chiến sĩ mới, ông được biên chế vào Đại đội 15, Lữ đoàn 203 (Đại đội lái xe phà) hành quân vào Nam chiến đấu. Đây là loại xe phà chở tăng vượt sông, xe khá cồng kềnh nhưng ông vẫn lái xe vượt hàng nghìn ki-lô-mét an toàn tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Năm 1973, đơn vị chốt tại Gio Linh, Quảng Trị, tại đây ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
 |
Trung sĩ Nguyễn Thái Sinh kể lại chiến công ngày ấy. Ảnh: CTV. |
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ lái xe tăng K63, là xe chỉ huy của Quân đoàn 2 làm nhiệm vụ tiền tiêu, trinh sát tham gia giải phóng thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Sau khi phòng tuyến Phan Rang của địch ở tỉnh Ninh Thuận bị thất thủ, sáng 16-4, tỉnh Ninh Thuận được giải phóng. Quân địch hoang mang tột độ, hai tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang và Ðại tá Nguyễn Thu Lương bị ta bắt sống, quân địch bỏ chạy, rút theo đường biển. Chớp thời cơ, ngay chiều 16-4 quân ta mở đợt tiến công giải phóng thị xã Phan Thiết. Sau khi tuyến phòng thủ Phan Rang bị ta phá vỡ, địch trở lên hỗn loạn, nhưng vẫn còn khá mạnh. Lực lượng địch ở thị xã lúc này có Trung đoàn 6/Sư đoàn 2 ngụy quân và một số tiểu đoàn bảo an, đại đội dân phòng chốt giữ các khu dinh tỉnh trưởng, Lầu Ông Hoàng, Chi khu Thiện Giáo, Quân y viện... được yểm trợ bởi xe tăng M113 trong thị xã và pháo hạm từ biển Bình Thuận, máy bay A.37. Để ngăn cản đường tiến quân của ta, địch cho phá sập một số cây cầu tiến vào thị xã (trừ cầu Trần Hưng Đạo và cầu Phú Long) và dải mìn chìm, nổi chống tăng dày đặc dọc Quốc lộ 1, trước cửa ngõ tiến vào Phan Thiết.
Trung sĩ Nguyễn Thái Sinh được Chính ủy Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ lái xe tăng K63, số hiệu R146 dẫn đầu đội hình quân đoàn làm nhiệm vụ tiền tiêu, dẫn đường. Trên xe có Phó chính ủy Quân đoàn Nguyễn Công Trang; Trung tá Nguyễn Văn Bảo-Tùy viên quân sự bốn bên, Trưởng phòng Quân báo; Trưởng xe Phạm Đình Vạng; Pháo thủ Lò Khăm Pua; Trung đội trưởng Trinh sát Nguyễn Văn Dần và bốn chiến sĩ.
16 giờ 30 phút ngày 18-4, sau hai phát pháo hiệu của Bộ tư lệnh, tất cả đội hình của Quân đoàn 2 bắt đầu xuất phát. Đi đầu là xe chỉ huy của quân đoàn, tiếp sau là xe tăng của Lữ đoàn 203 và các quân binh chủng khác, theo đường Quốc lộ 1 tiến vào giải phóng thị xã Phan Thiết. Vào 20 giờ cùng ngày, khi chuẩn bị vượt qua cầu Phú Long. Địch phát hiện hướng tiến công của ta, chúng bắn pháo kích liên tục vào đội hình, chặn không cho xe tăng ta vượt qua cầu.
Từ máy thông tin P113, Nguyễn Thái Sinh nghe rõ Tư lệnh Quân đoàn 2 ra lệnh: “Tất cả tiến”. Anh nổ máy, bình tĩnh cho xe chuẩn bị vượt qua cầu. Trung tá Nguyễn Văn Bảo ra lệnh: "Lái xe chú ý, không được để xe lao xuống sông", Nguyễn Thái Sinh đáp lại: "Chỉ huy cứ yên tâm, tin tưởng vào tay lái cừ của cánh lính tăng chúng tôi".
Trời bắt đầu tối. Tầm quan sát hạn chế. Bom đạn vẫn nổ xung quanh xe. Lợi dụng ánh sáng của đạn pháo nổ, Nguyễn Thái Sinh cho xe nhanh chóng vượt qua cầu. Gần đến thị xã Phan Thiết xuất hiện ánh đèn của 3 xe địch lao ra. Trung tá Bảo hô: "Lái xe, chú ý, phát hiện có xe tăng địch". Sau tiếng “Rõ” đanh thép của người lái xe, tất cả im lặng, chờ đợi. Trung sĩ Nguyễn Thái Sinh bình tĩnh, cho xe tiếp tục tiến. Cách 150m, dưới ánh đèn cao áp, anh nhìn rõ 3 chiếc M113 của địch đang lao tới. Địch thấy chỉ có một xe tăng của ta đơn phương độc mã, nên có ý định bắt sống. Cách 100m hai xe đi đầu bất ngờ dàn đội hình, rẽ sang hai bên. Một xe sau cùng khép vào hình thành thế gọng kìm hòng kẹp xe tăng của ta vào giữa. Pháo thủ Lò Khăm Pua báo cáo "Súng 12,7mm trên xe đã bị pháo địch bắn hỏng". Tình huống khẩn cấp. Cách 50m, Trung sĩ Nguyễn Thái Sinh hô: "Các đồng chí, bám chặt" rồi bất ngờ tăng ga, húc thẳng vào chiếc M113 đi giữa. Một tia chớp lóe lên cùng tiếng nổ long trời phát ra từ sự va chạm, làm chiếc xe tăng địch đổ sang mép đường... Quá bất ngờ và hoảng hốt, quân địch ở trên ba xe nhảy ra ngoài, bỏ chạy. Ta thu được 3 xe M113 còn nguyên vẹn.
Phía sau, Lữ đoàn 203 và lực lượng ta đã vượt qua cầu Phú Long tiến đánh giải phóng thị xã Phan Thiết và bắt sống Tỉnh trưởng Bình Thuận vào hồi 22 giờ. Đến 2 giờ ngày 19-4, quân ta làm chủ hoàn toàn Tỉnh lỵ Phan Thiết. Vào 9 giờ sáng 19-4, Ủy ban Quân quản tỉnh Bình Thuận vào tiếp quản Phan Thiết. Ngay sáng 19-4, ba xe M113 chiến lợi phẩm đã được bàn giao cho Quân đoàn 2. Trung sĩ Nguyễn Thái Sinh cùng cán bộ, chiến sĩ trên xe tiếp tục làm nhiệm vụ tiền tiêu, giải phóng các tỉnh khác và tham gia giải phóng Sài Gòn.
Ngày 30-4, lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiều ngày 30-4, Tư lệnh Quân đoàn 2 đã khen ngợi và tuyên dương "Xe tăng R146 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lái xe giỏi và dũng cảm". Trung sĩ Nguyễn Thái Sinh được đơn vị đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Được hỏi về hành động dũng cảm ngày ấy, Nguyễn Thái Sinh khiêm tốn: "Đã là người lính, dù phải hy sinh gian khổ đến mấy cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, nhất là lính tăng tinh thần thép ấy lại càng vững vàng hơn".
Người chiến sĩ xe tăng húc đổ xe tăng địch năm xưa giờ đã bước sang tuổi 60, có 7 cháu nội, ngoại. Phát huy truyền thống Binh chủng “thép” anh hùng “đã ra quân là đánh thắng”, ông rất tích cực tham gia công tác xã hội... Được hỏi về nguyện vọng, ông tâm sự: “Nguyện vọng cuối đời của tôi chỉ mong gặp được những người đồng đội cũ năm xưa”.
KHUẤT TƯỞNG