Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao 2 giải nhất, 10 giải nhì, 16 giải ba tặng các thí sinh xuất sắc. Mọi người đã chào nhau “online” trong điều kiện phòng dịch Covid-19 để trở về với công việc thường ngày tại đơn vị... nhưng dấu ấn đổi mới của một cuộc thi dường như vẫn in sâu và lan tỏa trong tâm trí của mỗi thí sinh, mỗi đại biểu...

Dấu ấn trước hết về chủ đề, nội dung của hội thi. Hầu hết các thí sinh dự thi đã lựa chọn đúng, trúng, chính xác những vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, như: Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; quan điểm về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN); phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ... Chủ đề những tưởng rộng lớn, bao trùm, nhưng đã được từng thí sinh cụ thể hóa, gắn sát với thực tiễn xây dựng quân đội, nhất là thực tiễn cơ sở; chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm quý và đề xuất giải pháp hiện thực hóa các nội dung theo từng chủ đề cụ thể.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết và các đại biểu tại Lễ bế mạc Hội thi Báo cáo viên giỏi toàn quân năm 2021, điểm cầu Hà Nội.

Tại hội thi, thí sinh trải qua 3 nội dung thi, gồm: Viết đề cương tuyên truyền; thuyết trình; thi nhận thức và trả lời câu hỏi do Ban giám khảo đặt ra. Ngoài việc viết đề cương tuyên truyền, thời gian cho các phần thi còn lại chỉ “gói gọn” trong 25 phút, nhưng tất cả BCV đều chuẩn bị rất công phu với tinh thần trách nhiệm cao. Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, TCCT, Trưởng ban Tổ chức hội thi, đánh giá: “Chất lượng nội dung các chuyên đề bảo đảm tính lý luận và thực tiễn, tính thời sự, tính chiến đấu, tính dự báo và định hướng tư tưởng cao, có sức cổ vũ hành động mạnh mẽ. Mỗi chuyên đề, mỗi BCV có cách tiếp cận dưới nhiều góc độ, phong cách thể hiện riêng khá độc đáo, gắn với liên hệ, vận dụng sát đặc thù nhiệm vụ và thực tiễn cơ quan, đơn vị... Do đó, tránh được sự nhàm chán, tăng tính phong phú, sinh động, hấp dẫn trong từng phần thể hiện”.

Điều đó được minh chứng rõ nét qua bài thi đoạt giải ba của Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam với chuyên đề “Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”. Bài thi không sa vào lý luận đơn thuần, mà nhấn mạnh đến nâng cao năng lực dự báo chiến lược về QPAN để tham mưu chính xác cho Đảng, Nhà nước sớm có đối sách chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Một điểm ấn tượng nữa của hội thi năm nay là lần đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối cầu truyền hình trong toàn quân. Để phục vụ hội thi, Binh chủng Thông tin liên lạc đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai 54 điểm cầu phục vụ vòng sơ khảo và 52 điểm cầu vòng chung khảo. Đồng thời, triển khai hệ thống truyền số liệu quân sự và máy tính đồng bộ đến từng điểm cầu để phục vụ việc ứng dụng phần mềm trong công tác tổ chức và các phần thi rất hiệu quả; bảo đảm chặt chẽ các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Ban tổ chức đã hỗ trợ tối đa các đồng chí BCV trình bày nội dung, thể hiện phương pháp, kỹ năng, nghệ thuật tuyên truyền mang sắc thái riêng gắn với từng đơn vị; tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, lan tỏa kết quả hội thi theo một cách thức mới; để hội thi thực sự trở thành ngày hội của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của BCV trong toàn quân.

Trong phần thi của Trung tá Ngô Minh Sáng, Phó chủ nhiệm Chính trị, Kho 661, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần với chuyên đề “An ninh con người trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” (đoạt giải nhất hội thi). Các điểm cầu im phăng phắc nghe BCV trình bày vừa rõ ràng, khúc chiết, vừa liên hệ, dẫn chứng rất sát với tình hình đơn vị. Trong chuyên đề, Trung tá Ngô Minh Sáng đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm an ninh con người, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, như: Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; bảo đảm tốt an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân và an ninh cộng đồng cho người dân; bảo đảm an ninh chính trị, quyền con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; an ninh con người phải gắn với an ninh xã hội, an ninh quốc gia và vấn đề độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc...

Trong 76 đồng chí cán bộ tham dự hội thi, có 38 đồng chí là bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở; 38 đồng chí là BCV cấp trên trực tiếp cơ sở và đầu mối trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Cán bộ dự thi là lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn, sư đoàn, chỉ huy cơ quan chính trị các cấp, có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, lý luận chính trị cao cấp chiếm tỷ lệ rất cao. Đây là cơ sở quan trọng bảo đảm chất lượng của hội thi cấp toàn quân năm nay.

Là thành viên Ban giám khảo hội thi, PGS, TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá: “Hội thi năm nay dù tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhưng TCCT tổ chức rất bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc. Các thí sinh được lựa chọn cẩn thận từ cơ sở, đều là những BCV rất chất lượng. Qua hội thi, tôi thấy rằng, đây là những người thật, việc thật, chứ không phải là luyện “gà nòi” để đi thi. Đặc biệt, dù thi trực tuyến trong điều kiện phòng dịch Covid-19 nhưng tại các điểm cầu, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiều đồng chí đến nghe; cả những thí sinh đã thi rồi vẫn ngồi lại nghe để học tập lẫn nhau, tạo sức lan tỏa hội thi rất thiết thực, hiệu quả”.

Phát biểu bế mạc hội thi, thay mặt lãnh đạo TCCT, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT biểu dương thành tích xuất sắc của các đồng chí cán bộ dự thi; biểu dương các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, phát huy tốt tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, tạo ấn tượng lan tỏa trong hội thi lần này.

Để phát huy kết quả của hội thi, tạo sức lan tỏa và vận dụng hiệu quả vào việc hoàn thành nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị, Trung tướng Trịnh Văn Quyết yêu cầu cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp và các đồng chí BCV cần tiếp tục bám sát thực tiễn, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; tạo xung lực mới, cao trào mới để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đội ngũ BCV trong quân đội cần nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội và đơn vị; chủ động, nhạy bén trước các tình huống phức tạp; tham mưu giúp cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng, tạo sự nhất trí cao về chính trị, tư tưởng và hành động trong toàn quân. Nội dung các chuyên đề dự thi cần được tiếp tục phát triển, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, chiến sĩ toàn quân nghiên cứu, học tập. Bởi, mỗi chủ đề dự thi là sản phẩm trí tuệ được đầu tư công phu, có nội dung chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn, có thể vận dụng vào thực tiễn hoạt động quân sự, quản lý bộ đội và xây dựng đơn vị.

Từ dấu ấn đổi mới phương thức tổ chức hội thi, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tổ chức rút kinh nghiệm, tìm tòi, đề xuất biện pháp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, kết hợp truyền thống với hiện đại để công tác BCV, tuyên truyền miệng nói riêng, công tác tư tưởng trong quân đội nói chung ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực ở từng cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại...

Bài và ảnh: DUY THÀNH