QĐND - Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Hệ thống pháp luật về quốc phòng của chúng ta được bổ sung thêm một luật mới. Thế nhưng hệ thống này vẫn chưa được đầy đủ và đồng bộ, cần phải tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Từ đạo luật gốc…
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước pháp quyền với định nghĩa cơ bản nhất là không ai ở trên luật pháp. Mọi người đều phải tuân theo pháp luật. Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đương nhiên, để được tôn trọng và thực hiện nghiêm minh, pháp luật phải luôn phù hợp với quy luật khách quan, luôn thúc đẩy, tạo điều kiện cho xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người. Chính vì lẽ đó, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các nhiệm vụ quan trọng nói trên.
Trong hệ thống pháp luật của nước ta, Hiến pháp là một bộ phận quan trọng nhất. Hiến pháp là văn bản pháp lý đặc biệt, là đạo luật gốc, thể hiện một cách tập trung nhất ý chí và những lợi ích cơ bản của nhân dân lao động trên các lĩnh vực của đời sống nhà nước và đời sống xã hội.
 |
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp |
Kế thừa Hiến pháp năm 1992, những nội dung cơ bản liên quan đến quy định về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của cơ quan, tổ chức và công dân đã được quy định chặt chẽ trong bản Hiến pháp 2013. Hiến pháp mới quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân; Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Các quy định về nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng… trong lực lượng vũ trang cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp mới. Các vấn đề mới về việc quyết định lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới cũng đã được bổ sung vào Hiến pháp.
Hiến pháp 2013 cũng đã khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Những nội dung cơ bản về chế định bảo vệ Tổ quốc là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh ở nước ta.
Chính vì Hiến pháp-đạo luật gốc đã được sửa đổi, do vậy, các đạo luật khác của quốc gia, trong đó có các đạo luật về quốc phòng cũng phải được sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp.
Đến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Nhằm thể chế hóa Hiến pháp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng quân đội nhân dân, Chính phủ, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã và đang khẩn trương xây dựng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án Luật, dự án Pháp lệnh. Đồng thời, các cơ quan này cũng đang nghiên cứu xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh.
Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã xem xét và thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Luật mới đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành. Luật mới có thêm nhiều chính sách góp phần động viên đội ngũ sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ yên tâm công tác trong quân đội. Ví dụ như, cấp bậc cao nhất đối với chức vụ Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội là Thiếu tá (luật hiện hành là Đại úy). Cấp bậc cao nhất đối với chức vụ Trung đội trưởng là Đại úy (luật hiện hành là Thượng úy). Chế độ tiền lương và phụ cấp của sĩ quan cũng có sự thay đổi. Bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ. Sĩ quan được hưởng phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự. Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà công vụ theo quy định của pháp luật.
Cùng với việc thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội cũng đã xem xét dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Dự kiến dự án Luật này sẽ được thông qua trong kỳ họp tới.
Nhiều dự án Luật khác liên quan đến công nghiệp quốc phòng; Tình trạng khẩn cấp; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Động viên công nghiệp; Dự bị động viên và dân quân tự vệ… cũng đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu để xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật hoặc Pháp lệnh cũ cho phù hợp với Hiến pháp. Nhiều chuyên gia pháp luật và đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có một bộ luật về quốc phòng, trong đó quy định các vấn đề về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, dân quân tự vệ…, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
TS NGUYỄN HUYỀN NGA