Xã đảo Thanh Lân (thuộc huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) trông xa như một bức họa tuyệt đẹp: Từng đàn hải âu chao liệng đùa giỡn, mỗi đợt sóng xô bờ, tung bọt trắng xóa, những ngôi nhà mới nguyên màu ve ẩn mình dưới tán cây xanh, “phối cảnh” đẹp nhất vẫn là cơ ngơi của bộ độiđảo (thuộc đơn vị H42, Quân khu 3). Mới nhìn từ xa, ai cũng muốn đặt chân ngay tới đó.

Công viên của bộ đội đảo Thanh Lân
Con tàu từ từ giảm tốc, hòn đảo dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ cầu cảng đến doanh trại của cán bộ, chiến sĩ đảo Thanh Lân là con đường bê tông phẳng phiu. Đẹp quá! Một người, rồi nhiều người đồng thanh thốt lên như vậy. Ai cũng ngạc nhiên và trầm trồ trước vẻ đẹp rực rỡ của hoa hồng, hoa đồng tiền, cúc và giàn hoa giấy, cây cảnh được cắt tỉa công phu với những hình dáng đẹp mắt. Không ngạc nhiên sao được! Ở nơi đảo xa, nước ngọt ví như một thứ xa xỉ, hơn nữa gió biển quanh năm thổi ràn rạt… vậy mà các loài hoa và cây cảnh vẫn khoe sắc duyên dáng bên những ngôi nhà khang trang, sạch, đẹp. Hẳn tác giả phải có bí quyết gì? Thắc mắc của tôi và mọi người đã được cán bộ, chiến sĩ ở đảo giải đáp ngay.

Là người có thâm niên tròn mười năm gắn bó với những hòn đảo đông bắc Tổ quốc, Đại úy Nguyễn Quốc Khánh, Chính trị viên đảo Thanh Lân bật mí: “Ngoài một số cây anh em tìm kiếm được trên đảo, như: phong lan, si, lộc vừng... còn phần lớn các loài hoa và cây cảnh ở đây từ đất liền mang ra. Quê cán bộ, chiến sĩ ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Mỗi miền quê đều có những loài hoa, cây quý. Vì vậy, hầu như lần nào về quê nghỉ phép, khi trở lại đơn vị ai cũng mang theo vài khóm hoa, cây cảnh, cây ăn quả mang đặc trưng của quê hương mình ra trồng trên đảo. Để chắc chắn, có người còn mang theo cả hạt giống. Vượt ngàn trùng khơi với trạng thái tay xách nách mang, người mệt nhừ nhưng những cây giống - món quà đầy ý nghĩa của đất liền vẫn được mọi người nâng niu nguyên vẹn”.

Những món quà từ đất liền chất chứa tình cảm hướng về đảo xa. Đáp lại sự quan tâm ấy, những người lính đảo không chỉ chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió mà họ còn làm cho những món quà của đất liề ý nghĩa hơn. Hành trình của một cây nhãn lồng, hay khóm hoa giấy, đến với đảo là một “kỳ tích”, nhưng để những cây cau, si, sanh ngày ra đảo còn bé xíu, nay thân to lớn và kiểu dáng bề thế và những loài hoa đồng tiền, thược dược được coi là “kén” đất mà quanh năm vẫn tươi tốt là điều ít ai nghĩ tới. Trung sĩ Đinh Văn Toán tâm sự: “Khi có một loài cây mới ra đảo, cả đơn vị ai cũng nâng niu chăm bẵm, mong cây nhanh bám rễ và phát triển. Các loại đất tốt nhất trên đảo như: đất mùn, đất ủ phân chuồng liền được huy động và đưa ra trồng cây. Thời kỳ đầu là khó khăn nhất, nếu cây nào qua được giai đoạn này thì coi như chắc ăn 80%. Tuy nhiên, không phải cây nào cũng nhanh thích nghi với đất, môi trường gió bão và nước biển. Nhiều cây, nhất là giống cây thân mềm lại trồng đúng vào thời điểm mùa hè hoặc gặp gió hanh thì hay bị héo lá và chết do nóng và hơi mặn của nước biển”.

Tôi rất thích thú khi nghe chàng trai trông vẻ thư sinh quê ở xã Cộng Hòa (Yên Hưng, Quảng Ninh) kể: “Lính đảo chúng em quanh năm sống giữa biển cả, ngoài lúc làm nhiệm vụ ra thì chơi thể thao, viết thư cho gia đình, bạn bè. Viết xong rồi, chuyển thư đi và nhận hồi âm còn phụ thuộc vào những chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Lúc rảnh, chúng em lại cùng nhau ngắm hoa, tập cắt tỉa tạo kiểu dáng cho các loại cây. Cứ mày mò lâu ngày thành quen, chứ đâu phải là “có nghề” từ trước”.

Nhập ngũ tháng 10 năm 2007, Binh nhất Trần Văn Thao, quê huyện Vũ Thư (Thái Bình) vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đặt chân tới đảo. Thao kể: “Em chưa một lần đi tàu biển, nên khi tàu vừa rời đất liền chưa được nửa giờ, trong người em cảm thấy nôn nao chóng mặt. Sau hơn nửa ngày ngồi trên tàu trong tâm trạng mệt mỏi vì lúc đặt chân lên đảo thấy nhà cửa, cảnh quan ở đây đẹp quá làm em khỏe hẳn lên. Tuy xa nhà, xa đất liền, nhưng ở đây mọi người sống tình cảm và vui lắm anh ạ! Có chuyện gì anh em trong tiểu đội, trung đội cũng tâm sự cho nhau nghe. Tết đến, thâm tâm ai mà chẳng nhớ nhà, bạn bè và muốn về thăm gia đình, nhưng đây là lần đầu được đón xuân trên đảo nên ai cũng cảm thấy phấn khởi và tự hào. Em chỉ muốn gia đình và bạn bè biết rằng dù ở xa đất liền, nhưng những người lính đảo vẫn đủ hương vị của Tết, chúng em nguyện sát cánh cùng chắc tay súng, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống”.

Tàu nhổ neo rời đảo. Nơi mép nước những cánh tay săn chắc vẫy chào. Ngồi trên boong tàu, hình ảnh những gương mặt sạm nắng, gió và muôn vàn loài hoa khoe sắc, bao cây quý rễ bám sâu vào lòng đất, vươn mình vững chãi trong bão táp cứ lưu lại mãi trong tôi. Tôi hiểu, đó không chỉ là minh chứng cho sức mãnh liệt của sự sống mà còn là niềm tự hào của mỗi người lính đảo. Ngày đêm họ chắc tay súng, vững niềm tin canh giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, như những loài hoa trên đảo thầm lặng tỏa hương.

Bài và ảnh: LÊ DUY HỒNG