QĐND - Thiếu tá, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Đại, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 5, Trung đoàn 20, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Ông đã tham gia hàng trăm trận đánh ở chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long và truy đuổi tàn quân Pôn Pốt. Trận đánh bằng tên lửa H12 ứng dụng của ông là một trong những trận mang lại hiệu quả cao, góp phần làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam.

H12 là loại pháo phản lực do Liên Xô sản xuất, đặt trên xe chiến đấu có sức cơ động nhanh. Tuy nhiên, bộ đội ta đã có cách sử dụng sáng tạo là tháo rời từng quả, điểm hỏa bằng điện với hiệu điện thế là 12V, trang bị cho từng tổ hỏa lực 3-4 người. Tùy từng điều kiện cụ thể mà tổ chiến đấu sử dụng cho phù hợp như: Lợi dụng bờ đất, đắp bệ, gác lên chạc cây…

Vào khoảng trung tuần tháng 8-1973 (Nguyễn Ngọc Đại khi đó là Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội hỏa lực H12, Đại đội 16, Trung đoàn 20), có 2 tiểu đoàn bộ binh ngụy cùng 2 chi đội xe bọc thép lội nước M113 tổ chức hành quân từ cánh đồng Sài Gòn, qua kênh Năm Phú sang Đồn Chùa Mới (Giồng Riềng, Kiên Giang) để chiếm lại đồn trước đó đã bị ta đánh chiếm. Khoảng 9 giờ sáng, đội hình của địch hành quân đến kênh Năm Phú thì dừng lại để tập kết lực lượng. Thấy thời cơ thuận lợi, chỉ huy trung đoàn ra lệnh cho đại đội hỏa lực đánh tập kích vào đội hình địch.

Đại đội cử hai tổ chiến đấu, trong đó tổ 1 do Nguyễn Ngọc Đại làm tổ trưởng. Ông đã cùng đồng đội mỗi người mang một quả hỏa tiễn dài gần 2m, lợi dụng bờ mương, bờ thửa, lặn ngụp dưới nước để tiếp cận địch. Khi đến được vườn của một hộ dân thì đội hình của ông chỉ còn cách địch khoảng 600-700m. Ông hội ý chớp nhoáng với đồng chí Thành, tổ trưởng tổ 2. Tổ của ông đánh vào giữa đội hình địch, còn tổ 2 sẽ đánh “khóa đuôi”. Hai tổ nhanh chóng chọn vị trí trận địa và lợi dụng bờ đất làm bệ phóng. Khi đã chỉnh phương vị, cự ly nhắm vào chiếc xe thứ năm, ông lệnh cho đồng chí Năm điểm hỏa. Quả hỏa tiễn vừa vút ra khỏi nòng pháo thì cột lửa từ chiếc xe thứ năm của địch đã bùng lên như một bó đuốc lớn. Bên cạnh tổ 2 cũng đã kịp thời phóng một quả đạn vào cuối đội hình địch. Bằng hai quả đạn, hai tổ chiến đấu đã làm cho đội hình địch rối loạn, tạo điều kiện cho các lực lượng khác tiếp tục tiến công tiêu diệt địch.

HỮU LỆ (Ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Ngọc Đại)