QĐND - Trong dân gian, bất cứ ở đâu, nói đến "anh lính Cụ Hồ" mọi người đều tỏ ý kính nể và tôn trọng. Đó là lẽ tất nhiên đối với những con người đã đánh đổi cuộc sống của mình để giành độc lập, tự do cho dân tộc, đồng thời bộ đội Cụ Hồ luôn hết lòng phục vụ nhân dân trong mọi trường hợp, cả thời chiến và thời bình. Cách sống đầy nhân văn của các anh đã làm nên "thương hiệu" tình cảm sâu sắc ấy.

Một đám cháy bùng lên, một cơn bão ào tới, một con lũ cuốn qua... ta đều thấy bóng áo lính xông lên cứu giúp bà con, đưa người ra khỏi nơi nguy hiểm, bảo vệ tài sản cho dân, rồi lại lao vào khắc phục hậu quả không kể ngày đêm...

Đi trên đường phố đô thị, bên cạnh hình ảnh các anh chị công an giữ trật tự an ninh, ta cũng thường gặp các chú bộ đội đưa các cụ già và em nhỏ qua đường, dỗ nín các trẻ bị lạc tìm cách đưa về nhà hoặc tới đồn công an nơi gần nhất.

Ở chỗ nào có sự bất bằng mà có hình bóng các anh là trật tự được lập lại. Mọi người chịu nghe lời phân giải có lý có tình của các anh.

Trong cuộc sống làm ăn gặp lúc chiêm khê, mùa úng, bà con nông dân ta nghĩ ngay đến sự giúp đỡ của Bộ đội Cụ Hồ.

Ở vùng cao, biên giới, hải đảo, nơi nào có các anh là nơi ấy có sự bình yên, có cuộc sống ấm no, có cái chữ cho các em thơ, có viên thuốc cho người già đau ốm, giải thích cho dân bản bãi dần mê tín, tin tưởng vào chính quyền, không nghe theo kẻ xấu; các tệ nạn nghiện hút, trồng cây thuốc phiện, buôn bán ma túy được khuyên bỏ. Biên giới trở thành mái nhà hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc.

Bộ đội Ban CHQS huyện Quỳ Châu (Nghệ An) giúp nhân dân trong bão lũ. Ảnh: Minh Trường

Những truyền thống vô cùng tốt đẹp ấy là đã được rèn đúc qua bao năm tháng, qua bao thời kỳ, lúc chiến đấu không sợ hy sinh, ngày hòa bình không sợ gian khổ, là con em của nhân dân nên hết lòng vì dân mà phục vụ.

Các thanh niên còn măng tơ vào quân ngũ đã được huấn luyện lối sống tập thể, mình vì mọi người, mọi người vì mình, dẹp đỡ "cái tôi" ích kỷ, vui với cộng đồng kỷ luật, tự giác học tập rèn luyện để xứng đáng với cái tên Bộ đội Cụ Hồ!

Qua thời gian làm nghĩa vụ, ra quân trở về gia đình, về địa phương, ai cũng thấy con người ấy khác hẳn với ngày trước. Giản dị hơn, ngăn nắp hơn, lễ phép hơn, ý tứ hơn, nhã nhặn hơn, yêu lao động hơn... cùng với bao cái hơn khác, làm con người ấy "lớn" hẳn lên.

Trường học quân đội là nơi rèn luyện con người về mọi mặt. Cho nên nhiều gia đình đều muốn con em mình được qua những năm tháng làm nghĩa vụ quân sự vẻ vang.

Tác phong quân nhân thấm sâu lặng lẽ vào con người, cho cả đến khi trở về làm dân vẫn được bảo tồn là cựu chiến binh, cựu quân nhân đầy yêu thương. Các anh tham gia công tác đoàn thể, công tác chính quyền, gánh vác công việc phục vụ nhân dân ở địa phương, là lực lượng cốt cán của các phong trào trật tự an ninh, xây dựng nông thôn mới, tích cực lao động sản xuất đưa khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất, lôi cuốn bà con làm theo.

Các anh tự hào mình "cựu" mà không cũ. Dù là thương, bệnh binh cũng quyết làm theo lời dạy của Bác Hồ "Tàn chứ không phế".

Biết bao tấm gương cựu chiến binh, cựu quân nhân đi đầu trong việc hiến đất làm đường, làm mương tiêu, máng tưới, xây dựng nhà trẻ, trường học, trạm y tế... đã lôi cuốn được bà con noi theo. Các anh cũng là lực lượng tham gia giám sát việc xây dựng công trình, bảo đảm chất lượng, không bị ăn cắp, bớt xén nguyên vật liệu, để các công trình bền vững với thời gian.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là ý nguyện và hành động thiết thực của các anh.

Đã 70 năm đi qua, từ anh lính đầu trần, chân đất, súng kíp quàng vai, đến nay đã đủ các quân, binh chủng hiện đại với vũ khí tối tân và một lịch sử truyền thống vẻ vang đánh ngã hai đế quốc to phải về nước, với những trận võ công oanh liệt: Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đập tan uy thế B52, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đánh cho ngụy nhào, đưa non sông về một dải thống nhất.

"Anh lính Cụ Hồ" mãi mãi là hình tượng đẹp và cao quý ở trong lòng nhân dân./.

GIANG QUÂN  (Nhà nghiên cứu văn hóa)