Ngay cả khi đang ngồi tại nhà, bạn cũng có thể chụp ảnh từ không trung chính căn nhà của mình đang ở. Đólà nhờ Google Maps, một dịch vụ rất mạnh của Google.
 |
Người đàn ông tắm trần trên mái nhà vô tình bị Google Earth chụp |
Ở một số nơi, Google Maps được chào đón khá nồng nhiệt, nhưng cũng có một số nơi, một số chính phủ không thích dịch vụ này bởi chúng tiềm ẩn những nguy cơ xâm hại quyền tự do cá nhân và đe dọa tới an ninh quốc gia.
Trước tiên, cần làm rõ một số khái niệm, đó là hai cụm từ hay được nhắc tới- Google Maps và Google Earth.
Về bản chất, hai dịch vụ này không khác nhau là mấy- đều cung cấp cơ chế xem ảnh từ vệ tinh các địa điểm trên mặt đất, nhưng cách thức hoạt động của chúng lại khác nhau.
Google Maps chạy trên trình duyệt Web, còn Google Earth chạy trực tiếp trên máy tính (người dùng download về cài) với nhiều tính năng hơn, hình ảnh sắc nét hơn, và cơ chế hỗ trợ tốt hơn.
Google mua lại bản quyền sử dụng Google Maps (tên do Google tự đặt) từ năm 2004 của hãng Keyhole. Đến năm 2005, sản phẩm này có thêm tên là Google Earth chạy trên các hệ điều hành Linux, MAC OS và MS Windows.
Chụp ảnh từ vệ tinh
Về cơ chế hoạt động, Google Earth sử dụng các hình ảnh chụp từ vệ tinh với chất lượng cực tốt. Ngay cả một chiếc ôtô di chuyển, hay một người nằm trên mái nhà cũng có thể hiển thị rõ nét.
Google Earth sử dụng cơ chế thu thập dữ liệu giống như các vệ tinh của NASA, chính vì vậy hình ảnh có thể hiển thị ở dạng 3D sống động và rất sắc nét.
Thế mới có chuyện một người tắm trần trên nóc nhà đã vô tình bị Google Earth “chộp được”. Đây cũng là bức ảnh rất độc đáo và hiếm gặp. Tuy vậy, sự độc đáo của dịch vụ này không chỉ dừng lại ở đó.
Google từng tuyên bố họ sẽ chụp ảnh mọi nơi trên mặt đất rồi đưa lên Google Earth. Tuy tuyên bố này chưa trở thành hiện thực nhưng những gì mà gã khổng lồ này làm cho tới nay đã chứng tỏ họ quyết tâm theo đuổi tới cùng.
Một trong những lý do mà Google theo đuổi quyết tâm này là vì lợi ích kinh doanh. Hiện phiên bản Google Earth đang được cung cấp theo hai cơ chế: miễn phí (hạn chế tính năng) và tính phí (đầy đủ tính năng).
Phiên bản tính phí cũng rất chênh lệch nhau về giá, ví dụ như bản Google Earth Plus là 20USD/năm, còn Google Earth Pro vọt lên 400USD/năm. Tất nhiên, “tiền nào của nấy”, Google Earth Pro có vô số tính năng mà người dùng thèm muốn, đặc biệt là khả năng xem ảnh vệ tinh tới từng chi tiết (dù là nhỏ nhất).
Vi phạm quyền riêng tư
Tuy nhiên, không phải lúc nào Google Earth cũng “thuận buồm xuôi gió”. Ứng dụng này đang bị nhiều nước đưa vào tầm ngắm bởi chúng có thể phơi bày các khu căn cứ quân sự hoặc những thiết bị quân sự nhạy cảm (chẳng hạn như tàu ngầm) trước bàn dân thiên hạ.
Người ta còn lo ngại những hình ảnh này sẽ bị các nhóm khủng bố hoặc những lực lượng cực đoan sử dụng để tấn công, hoặc đơn giản hơn là các quốc gia sử dụng chúng cho mục đích gián điệp. Chính vì vậy, không ít lần Google Earth “dây dưa” với nhà chức trách.
Gần đây nhất là cuối tháng 5/2008, EU đã đưa ra cảnh báo về dịch vụ Google Maps (cụ thể là tính năng Street View- xem đường phố) có thể sẽ vi phạm những quy định riêng tư khi được triển khai tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Street View vốn là tính năng được nhiều người dùng ưa thích vì chúng cho phép xem toàn cảnh với góc nhìn 360o về một địa điểm nào đó trên bản đồ. Hiện tại, tính năng này trong Google Maps mới chỉ có tại Mỹ và Canada; và châu Âu sẽ là đích kế tiếp của Google trong năm 2009.
 |
Tàu ngầm Trung Quốc bị Google Earth “chộp” được |
Làm lộ bí mật quân sự
Đã không ít lần Google Earth làm thót tim giới quân sự khi hiển thị rõ nét các khu căn cứ quân sự và những chiếc tàu ngầm hiện đại nhất.
Tháng 7/2006, Google Earth đã cung cấp những hình ảnh cực nét về một chiếc tàu ngầm hạt nhân đang di chuyển trên mặt nước dọc bờ biển phía đông của Trung Quốc. Người phát hiện ra phương tiện quân sự này là Hans Kristensen, chuyên gia tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS).
Theo ông, đó có thể là loại tàu hạt nhân Jin thế hệ 2 hoặc 3, được chụp tại khu căn cứ Bohai ở Huludao, cách thủ đô Bắc Kinh 400 km về phía đông.
Cũng liên quan tới tàu ngầm hạt nhân, tháng 9/2007, Virtual Earth (ứng dụng cạnh tranh do Microsoft cung cấp) đã đưa ra những hình ảnh chụp từ không gian một con tàu phóng tên lửa đạn đạo chạy bằng chân vịt 7 lưỡi gần khu căn cứ hải quân Kitsap-Bangor thuộc bang Washington (tây bắc Mỹ). Khu vực này là một phần của căn cứ vũ khí chiến lược Bangor có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất nước Mỹ.
Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm Google không được quay phim, chụp ảnh và công bố các chi tiết liên quan tới các cơ sở quân sự của Mỹ. Động thái này được đưa ra sau khi những tấm ảnh chụp một căn cứ quân sự tối mật tại Texas xuất hiện trên bản đồ Google Maps.
Tại thời điểm đó, Google đã quay phim một cách chi tiết đến nỗi ngay cả thanh chắn, các con đường dẫn vào khu kiểm soát, trụ sở chính và các thiết bị của khu quân sự này cũng hiện ra rõ mồn một trong không gian 3 chiều.
Dấy lên những lo ngại
Cựu Tổng thống Ấn Độ APJ Abdul Kalam từng bày tỏ sự lo ngại về những bức ảnh độ nét cao do Google Maps chụp tại một số địa điểm nhạy cảm ở nước này.
Google đã buộc phải đồng ý áp dụng quy chế kiểm soát gắt gao để đảm bảo rằng dịch vụ của họ không đe dọa tới an ninh quốc gia. Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ cũng nói rằng Google Earth đe dọa tới an ninh nước này và đang tìm cách đối thoại với các quan chức Google.
Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc cũng từng lo ngại rằng Google Earth sẽ cung cấp những hình ảnh về dinh thự của tổng thống nước, hay những khu căn cứ quân sự, và điều này có thể làm phương hại tới an ninh quốc gia.
Các quan chức điều hành nhà máy nguyên tử Lucas Heights tại Sydney, New South Wales cũng đã yêu cầu Google phải giám sát chặt chẽ các bức ảnh độ nét cao chụp cảnh nhà máy này từ trên không. Tuy nhiên, sau đó yêu cầu này đã được rút lại.
Tại Trung Quốc chưa rõ Google Earth có bị cấm hay không. Tuy nhiên sau vụ một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị phát hiện trên Google Maps thì rất có thể dịch vụ bản đồ này sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.
Theo: TPO-Gia Nguyễn