Khá đông chiến sĩ xung phong trả lời và bổ sung, hoàn chỉnh nội dung khiến buổi học trở nên sôi nổi, hào hứng, tăng tính tương tác giữa người dạy và người học. Trong giờ giải lao, Binh nhì Nguyễn Phú Cường, chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1) tâm sự: “Giáo dục truyền thống theo phương pháp này giúp chúng tôi chú ý hơn, tiếp thu nhanh hơn, bởi phải "động não" liên tục và luôn trong trạng thái sẵn sàng trả lời mỗi khi cán bộ nêu câu hỏi. Chính vì vậy mà buổi học không còn tình trạng chểnh mảng, lơ là, tiếp thu thụ động, nên kết quả học tập tốt hơn”.
 |
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 96) tham quan, học tập chính trị tại phòng Hồ Chí Minh của đơn vị. |
Phương pháp giáo dục truyền thống trực quan, sinh động kết hợp gợi mở, tương tác được áp dụng rộng rãi tại Lữ đoàn 96 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối tượng chiến sĩ mới. Tùy theo nội dung bài học, cán bộ đảm nhiệm lên lớp không chỉ chuẩn bị kỹ giáo án, hình ảnh, tư liệu, cách thức trình bày... mà còn chuẩn bị thêm nhiều câu hỏi gợi mở, định hướng nội dung để chiến sĩ trả lời và bổ sung cho nhau.
Trung tá An Quý Đôn, Phó chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn cho biết: “Những năm gần đây, cơ quan tích cực tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn chỉ đạo tập huấn công tác Đảng, công tác chính trị có thêm nội dung đổi mới phương pháp giáo dục chính trị lấy người học làm trung tâm.
Phương pháp này nhấn mạnh sự tương tác, phát huy tính sáng tạo, chủ động của chiến sĩ trong học tập, lĩnh hội kiến thức; đồng thời khắc phục tình trạng truyền thụ một chiều tẻ nhạt”. Theo đó, tất cả các nội dung giáo dục, học tập về chính trị đều áp dụng linh hoạt phương pháp truyền đạt hấp dẫn, tăng tính tương tác, nêu vấn đề để cán bộ, chiến sĩ cùng trao đổi đi đến thống nhất nhận thức, hành động. Đây cũng là cách nắm thực chất trình độ, tư duy, khả năng diễn đạt của người học về một nội dung, vấn đề cụ thể.
Ngoài phần tương tác trong giờ lên lớp, các đơn vị trong lữ đoàn còn tổ chức hiệu quả giờ thảo luận. Cán bộ đóng vai trò gợi mở, định hướng nội dung; chiến sĩ sẽ trả lời, kể cả tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Trên cơ sở đó, cán bộ kết luận thống nhất nội dung, chỉ ra những điểm mạnh, yếu, nhận thức đúng và chưa đúng của chiến sĩ, rồi triển khai ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, để đội ngũ cán bộ làm chủ nội dung trong mọi tình huống, lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm; khích lệ cán bộ tích cực tìm hiểu, trau dồi kiến thức toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo Đại tá Trần Hoài Nam, Chính ủy lữ đoàn: Giáo dục chính trị sẽ kém hiệu quả nếu không có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, thiếu sự tương tác với người nghe.
Cho nên, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn chỉ đạo đổi mới, bồi dưỡng phương pháp giáo dục chính trị, lựa chọn những cán bộ có trình độ, kỹ năng, phương pháp sư phạm tốt để phổ biến kinh nghiệm cho cán bộ trẻ, khắc phục triệt để việc giáo dục chính trị truyền đạt một chiều, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG