Bà Múi chia sẻ: “Gia đình tôi ở trên vùng núi thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Hồi chưa vào bộ đội, thằng Choóng chẳng đi xa bao giờ, quanh năm chỉ ở nhà quen làm rừng, làm rẫy, trồng ngô, trồng lúa. Nó nhút nhát lắm, nói tiếng Kinh không rõ. Vậy mà bây giờ nó bạo dạn, nói trước đông người rất trôi chảy. Các chú bộ đội giáo dục, rèn luyện cho Choóng thay đổi nhanh quá. Gia đình mừng lắm”.

Trò chuyện với Chíu Văn Choóng, điều chúng tôi ấn tượng ở anh là sự năng động, nhanh nhẹn. Nhớ lại những ngày đầu nhập ngũ, Choóng tâm sự: “Khi mới đến đơn vị, tôi rất lo lắng vì lần đầu xa nhà, đến sống ở đơn vị toàn những người xa lạ, không dám nói chuyện và ngại tiếp xúc. Cán bộ trung đội, đại đội thường xuyên gặp gỡ, tâm sự và chia sẻ rất gần gũi, thân thiết nên tôi tự tin lên nhiều. Trong các buổi tâm sự đồng đội cấp đại đội, tôi đã vượt qua sự e ngại để nói về bản thân mình”.

Cán bộ Trung đoàn 43 hướng dẫn chiến sĩ người dân tộc thiểu số ngắm bắn súng tiểu liên AK bài 1A. 

Với tất cả các chiến sĩ người dân tộc thiểu số ở Trung đoàn 43, chúng tôi đều cảm nhận được sự tự tin, trưởng thành trong suy nghĩ và hành động. Sự quan tâm, giúp đỡ của đơn vị đã giúp các chiến sĩ hòa nhập và có động lực để rèn luyện, phấn đấu. 

Theo Thượng tá Nguyễn Duy Túc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 43, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các chiến sĩ người dân tộc thiểu số. Trước khi bước vào huấn luyện, đơn vị đã tổ chức tập huấn riêng cho các cán bộ trực tiếp quản lý những chiến sĩ người dân tộc thiểu số. Nội dung tập trung vào học và nắm chắc ngôn ngữ, văn hóa, phong tục của đồng bào. Đây là những kiến thức quan trọng giúp cán bộ có thể kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và truyền đạt kiến thức cho chiến sĩ. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ quản lý phải luôn gần gũi, quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao để giúp chiến sĩ phát huy tài năng, tạo sự gắn kết trong đơn vị.

Bài và ảnh: PHẠM QUYẾT