Do đó, việc bảo đảm ATTHL, nhất là đối với các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) được duy trì khá tốt. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn đơn vị để xảy ra mất ATTHL, nhất là trong sử dụng vũ khí, đạn dược, làm ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của bộ đội. Thế nên, việc duy trì nghiêm nguyên tắc, bảo đảm tốt ATTHL là một phần việc đặc biệt quan trọng mà lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị luôn phải quan tâm sát sao.

Phổ biến kỹ các hướng dẫn, quy định về an toàn

Trao đổi với các cán bộ Phòng Huấn luyện Kỹ thuật chiến đấu bộ binh, Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), chúng tôi được biết: Bảo đảm ATTHL là một tiêu chí đặc biệt quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Chính vì vậy, trong các hội nghị giao ban hằng tuần, hằng tháng, sơ kết, tổng kết, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, BTTM và chỉ huy các đơn vị đều nhấn mạnh đến công tác bảo đảm an toàn. Các văn bản hướng dẫn về phương pháp huấn luyện, quy tắc, nguyên tắc bảo đảm an toàn khi sử dụng lựu đạn, thuốc nổ, đạn thật trong bắn kiểm tra, diễn tập… đều đã được BTTM biên soạn và hướng dẫn đầy đủ tới từng đơn vị. Chẳng hạn năm 2010, BTTM đã ban hành Quy tắc bảo đảm ATTHL, trong đó thể hiện khá đầy đủ các quy định về công tác bảo đảm an toàn khi huấn luyện, tập luyện đối với từng nội dung, tình huống cụ thể. Tháng 6-2016, Tổng Tham mưu trưởng tiếp tục ra Chỉ thị số 1145/CT-TM về việc bảo đảm ATTHL, kiểm tra, diễn tập; tháng 11-2017, BTTM quy định bổ sung một số nội dung về công tác bảo đảm an toàn thông qua Quy định số 2522/QyĐ-TM, trong đó nêu rõ các công việc, các khâu, các bước mà lãnh đạo chỉ huy đơn vị phải làm trước, trong và sau khi huấn luyện, kiểm tra, diễn tập có sử dụng đạn thật, thuốc nổ, lựu đạn...

Chiến sĩ mới Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 673 (Quân đoàn 2) luyện tập bắn súng AK bài 1. Ảnh: HOÀNG HÀ

Có thể nói, hệ thống văn bản pháp quy về công tác bảo đảm ATTHL, kiểm tra, diễn tập là rất đầy đủ. Công tác hướng dẫn cũng được các đơn vị triển khai rốt ráo. Qua khảo sát thực tế tại Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), Sư đoàn 324 (Quân khu 4) và một số đơn vị chuyên ngành khác chúng tôi thấy, việc tập huấn, hướng dẫn bảo đảm ATTHL được các đơn vị làm thường xuyên liên tục. Trong lần trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Trung Hiếu, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 cho biết: “Trước mỗi đợt kiểm tra bắn đạn thật, các đơn vị đều tổ chức hướng dẫn bổ sung đối với các thành phần làm nhiệm vụ như bảo đảm thao trường, trường bắn, dẫn bắn, báo bia… Kết thúc các buổi kiểm tra đều phân công cán bộ rà soát lại khu vực kiểm tra, làm công tác an toàn thao trường theo đúng quy định, do đó đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm ATTHL”.

Cùng với việc huấn luyện động tác kỹ thuật trong bắn đạn thật, sử dụng các loại vật nổ, việc bổ sung kiến thức và quy trình kiểm tra đối với các loại đạn dược trước khi cho bộ đội sử dụng cũng được Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật hướng dẫn chặt chẽ. Biện pháp, cách thức kiểm tra các loại đạn, lựu đạn, các loại thuốc nổ, hỏa cụ… trước, trong và sau khi sử dụng trong huấn luyện, diễn tập được cụ thể hóa trong Hướng dẫn số 1588/HD-QK ngày 2-4-2018. Làm tốt các nội dung trong hướng dẫn này, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn từ đạn dược, vũ khí trang bị.

Từ thực tế có thể khẳng định, các quy định về bảo đảm an toàn là đầy đủ. Vấn đề là các đơn vị chấp hành các quy định đó như thế nào để công tác bảo đảm an toàn được thể hiện bằng kết quả tích cực trong thực tế. Qua rút kinh nghiệm một số vụ mất ATTHL, kiểm tra, diễn tập cho thấy, hầu hết nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan trong chấp hành nguyên tắc và thiếu kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ trong hướng dẫn bộ đội, trong xử trí các tình huống có dấu hiệu mất an toàn. Các vụ mất ATTHL, huấn luyện (bơi, rèn luyện thể lực…) cơ bản là do thiếu sự sâu sát trong kiểm tra, giám sát khi bộ đội tập luyện.

Giám sát chặt chẽ hành động của bộ đội

Từ nay cho đến hết tháng 5-2019, các đơn vị trong toàn quân sẽ đồng loạt tiến hành đợt kiểm tra “3 tiếng nổ” để kết thúc khóa huấn luyện CSM. Chiến sĩ năm thứ hai thực hiện một số bài bắn theo kế hoạch huấn luyện. Lượng đạn thật, lựu đạn, thuốc nổ phải sử dụng ở các đơn vị trong thời điểm này là rất lớn. CSM lại là những người còn thiếu kinh nghiệm, tâm lý chưa vững vàng khi tiếp xúc với đạn thật, lựu đạn, thuốc nổ. Vì vậy công tác bảo đảm an toàn càng phải được hướng dẫn kỹ càng, việc duy trì kỷ luật thao trường phải được thực hiện nghiêm, chặt chẽ thì mới có thể bảo đảm tốt công tác an toàn như mong muốn. Theo Đại tá Nguyễn Văn Cộng, Phó trưởng phòng Huấn luyện Kỹ thuật chiến đấu bộ binh, Cục Quân huấn: Để bảo đảm tốt công tác an toàn khi bộ đội tham gia huấn luyện, kiểm tra (bắn đạn thật, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ) thì các đơn vị cần tiếp tục phổ biến lại để bộ đội nắm chắc các quy định về bảo đảm an toàn của BTTM và của Cục Quân huấn khi sử dụng vũ khí trang bị, đạn dược. Trước, trong và sau các đợt kiểm tra, dứt khoát phải làm tốt công tác an toàn thao trường, tuyệt đối không để sót lọt các loại đạn dược chưa nổ. Các thao trường chưa bảo đảm đủ điều kiện an toàn (độ cao ụ chắn, cự ly các tuyến bắn, dải bắn, đường cơ động…) thì dứt khoát không sử dụng cho bộ đội bắn, ném lựu đạn.

Theo dõi thực tế ở các đơn vị chúng tôi thấy, công tác bảo đảm an toàn phải được giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu, bước kể từ khi bộ đội bắt đầu tiếp xúc với vũ khí, đạn dược, như quá trình liên kết đồ dùng gây nổ, lắp ngòi lựu đạn, cất giữ đạn, vật nổ trước khi bắn, ném... Trước khi cấp phát đạn dược, vũ khí cho bộ đội, chỉ huy các đơn vị nhất thiết phải kiểm tra, bảo đảm vũ khí, đạn dược phải đạt đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo đảm an toàn. Trong thực tế đã có vụ mất an toàn xảy ra do vũ khí trước khi giao cho bộ đội chưa ở trạng thái an toàn.

Việc lựa chọn cán bộ tham gia vào công tác bảo đảm an toàn trong các buổi huấn luyện, kiểm tra, diễn tập cũng rất quan trọng, bởi nếu cán bộ có nhiều kinh nghiệm, có tính cẩn trọng, tỉ mỉ trong hướng dẫn bộ đội thì sẽ biết cách xử trí các tình huống bất trắc. Vì vậy, các đơn vị nên chọn đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm để làm nhiệm vụ dẫn bắn, dẫn ném. Trong thực tế vẫn còn nhiều đơn vị sử dụng đội ngũ tiểu đội trưởng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn để thực hành dẫn bắn, dẫn ném cho CSM, nên khi gặp tình huống bất trắc thì không biết cách xử trí phù hợp. Trong quá trình dẫn bắn, dẫn ném, đội ngũ cán bộ phải toàn tâm, toàn ý giám sát hành động của bộ đội, tuyệt đối không được làm việc riêng khi thực hiện dẫn bắn, dẫn ném. Chỉ huy đơn vị cần bố trí hệ thống loa, đài quan sát trên khu vực bắn, ném để bao quát và nhắc nhở thường xuyên, liên tục về công tác bảo đảm an toàn tới bộ đội…

Bảo đảm ATTHL, kiểm tra, diễn tập là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị. Vì vậy chỉ huy các cấp cần phải đầu tư công sức, trí tuệ cho nhiệm vụ này, trong đó phải tuyệt đối coi trọng việc hướng dẫn các nguyên tắc và giám sát, kiểm tra hành động của bộ đội ở mọi nơi, mọi lúc. Khi cả cán bộ và chiến sĩ đều thấu suốt được công tác bảo đảm an toàn và hoàn toàn làm chủ vũ khí, trang bị, đạn dược thì chắc chắn công tác ATTHL sẽ thu được kết quả tốt.

 TRẦN TUẤN - HOÀNG HÀ