QĐND - Đã từ lâu, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ không chỉ in sâu vào trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam, mà còn trở thành một biểu tượng cao đẹp của văn hóa quân sự. Bởi vậy, mỗi lần nhắc đến hai từ “quân nhân”, người ta liên tưởng ngay đến những con người có bản lĩnh vững vàng, lễ tiết mẫu mực, tác phong chính quy, tư thế nghiêm túc, ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ.  Để giữ mãi hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, mỗi quân nhân phải thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội và giữ gìn lễ tiết, tư thế, tác phong ở mọi lúc, mọi nơi.

Cách đây chưa lâu, tôi đi xe máy đến công tác tại tỉnh Bắc Ninh. Đúng vào giờ tan tầm buổi chiều, đường sá tấp nập người qua lại. Đến một ngã tư ở trung tâm thành phố Bắc Ninh có đèn báo hiệu giao thông, trong khi người dân đi xe máy, xe đạp, xe ô tô dừng lại trước đèn đỏ để dành phần đường ưu tiên cho người đi bộ, thì bất chợt có hai quân nhân chuyên nghiệp (một thiếu úy, một trung úy) cố tình len lỏi vượt lên trước và vượt qua đường, gây ùn tắc giao thông cho luồng xe máy, ô tô đang lưu thông ngược chiều. Nhìn cảnh chướng mắt ấy, một phụ nữ than phiền: “Hai anh bộ đội mặc quân phục rõ chỉnh tề mà chấp hành Luật Giao thông đường bộ chả nghiêm túc tí nào cả…”.

Chiến sĩ Trung đoàn 50 (Quân khu 3) luyện tập động tác chào tại chỗ.

Một lần khác đi thăm Đền Hùng, tôi bắt gặp một tốp quân nhân 3 người mặc bộ quân phục của Quân chủng Phòng không - Không quân. Quần áo, giày tất rất đúng tác phong, nhưng trên đầu mỗi người lại đội một chiếc mũ cói te tua đi giữa dòng người đông đúc. Tác phong tùy tiện ấy của mấy quân nhân nêu trên khiến mọi người tò mò nhìn ngó và bàn tán… Một cô gái trẻ tếu táo: “Chú bộ đội ơi, chú có cái mũ “hot” quá, cho cháu mượn một lúc được không”? Còn một bác cựu chiến binh phê bình khéo: “Hình như bây giờ quân đội cho phép các cháu đi đường đội chiếc mũ cói này à”? Mấy quân nhân biết mình sai tác phong, không nói không rằng, nên lặng lẽ, cắm cúi đi tiếp.

Mới đây, tôi đến xem phim ở Rạp điện ảnh Quân đội tại số 17 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Ba Đình, Hà Nội). Hôm đó công chiếu một bộ phim hành động mới của Mỹ nên thu hút khá đông khán giả, nhất là khán giả trẻ. Trong khi mọi người im lặng, chăm chú theo dõi màn ảnh rộng, thì có hai nữ quân nhân khá trẻ trung, xinh xắn ngồi gần nhau, miệng vừa tí tách cắn hạt hướng dương, vừa rì rầm nói chuyện  gây khó chịu cho những người bên cạnh. Một số người ngồi gần đó đứng dậy bỏ đi tìm chỗ ngồi khác cho yên tĩnh.

Những trường hợp quân nhân nêu trên đều khoác bộ quân phục bên mình, nhưng lại không giữ gìn và thể hiện đúng tác phong, tư thế của Bộ đội Cụ Hồ nơi công cộng. Cần phải nhận thức sâu sắc rằng, bộ quân phục không đơn thuần chỉ là trang phục làm nên sự chính quy của người lính, mà đó còn là niềm vinh dự, tự hào của người quân nhân cách mạng.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hóa quân sự và tăng cường quản lý kỷ luật bộ đội của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, nhất là cấp cơ sở, đòi hỏi mỗi quân nhân phải nêu cao ý thức tự giác, nghiêm túc tự rèn, tự quản và gương mẫu chấp hành kỷ luật quân đội, thực hiện nếp sống văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, những lúc đi công tác lẻ, ra ngoài doanh trại hay đi tham quan, du lịch và tham gia các hoạt động văn hóa công cộng, nếu mặc quân phục, quân nhân càng phải thể hiện rõ tư thế, tác phong mực thước của Bộ đội Cụ Hồ./.

Bài và ảnh: PHƯƠNG DU