QĐND - Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP-AN). Thực hiện Quyết định 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai Đề án "Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh". Để giải đáp một số ý kiến của bạn đọc về những điểm mới của Luật GDQP-AN so với quy định của các văn bản trước đây, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với cơ quan chức năng.

Sự cần thiết phải ban hành luật

Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương cho biết, những năm qua, công tác GDQP-AN đã được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ đến mọi cấp, mọi ngành và toàn dân, ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện có hiệu quả. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (KTQP-AN) cho các đối tượng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng nội dung chương trình. Đối tượng GDQP-AN ngày càng được mở rộng; đạt được nhiều kết quả quan trọng. GDQP-AN cho học sinh, sinh viên từ trung học phổ thông đến đại học đã trở thành môn học chính khóa. Phổ biến KTQP-AN cho toàn dân được triển khai tích cực, rộng khắp, nội dung, hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú và đạt kết quả thiết thực. Thông qua giáo dục, phổ biến KTQP-AN cho toàn dân và bồi dưỡng KTQP-AN cho các đối tượng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một giờ học môn GDQP-AN của sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

 

Tuy nhiên, công tác GDQP-AN còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Ngày 3-5-2007, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: “Nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ GDQP-AN trong tình hình mới của một số cấp ủy, chính quyền, bộ, ngành Trung ương và cơ sở, của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành chưa sâu sắc, do đó, trách nhiệm chưa cao, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng cho công tác này, cá biệt còn có cán bộ chủ chốt ngại đi học bồi dưỡng KTQP-AN. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng KTQP-AN chưa cao, nhất là các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Tuyên truyền, giáo dục quốc phòng toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được coi trọng, hiệu quả thấp...”. Bên cạnh đó, do chưa được luật hóa nên số lượng lớn đối tượng như người quản lý, công nhân ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng chưa được bồi dưỡng KTQP-AN. Để đáp ứng với yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và khắc phục những yếu kém, bất cập trên, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật GDQP-AN. Luật GDQP-AN, Nghị định số 13 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GDQP-AN, kèm các thông tư hướng dẫn thi hành luật được ban hành đồng bộ; đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN trên phạm vi cả nước.

Luật hóa đối tượng bồi dưỡng KTQP-AN

Luật GDQP-AN lần này khẳng định rõ, việc học tập, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ QP-AN là nghĩa vụ, quyền lợi của cán bộ, đảng viên và toàn dân. Đề cập về những điểm mới khác biệt với các văn bản pháp luật trước quy định về GDQP-AN, Thiếu tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu)-Ủy viên Ban thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương, Trưởng ban thư ký hội đồng khẳng định: “Tính ưu việt của Luật GDQP-AN là đã luật hóa mở rộng đối tượng bồi dưỡng KTQP-AN. Những điểm mới đó được quy định cụ thể ở Điều 14, Điều 15 và Điều 16, Chương III của Luật GDQP-AN”.

Đối với đối tượng cán bộ, đảng viên, luật quy định rõ: Được bồi dưỡng KTQP-AN là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, là một trong những tiêu chí để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Trường hợp đặc biệt, người được bổ nhiệm chưa bồi dưỡng KTQP-AN phải bồi dưỡng KTQP-AN tương ứng với chức vụ, chức danh được bổ nhiệm (Điều 14). Đối với người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, Điều 15 quy định: Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phải tham gia bồi dưỡng KTQP-AN, bao gồm: Doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên; doanh nghiệp hoạt động phục vụ QP-AN; doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đối với người quản lý đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải tham gia bồi dưỡng KTQP-AN. Nội dung bồi dưỡng KTQP-AN cho người quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này tập trung vào chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP-AN. Quy định tại điều này không áp dụng cho người nước ngoài.

Điều 16 quy định, đối với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng KTQP-AN là chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức bồi dưỡng KTQP-AN cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Cũng tại Điểm a, Khoản 3, Điều 2 của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP quy định Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Quốc phòng cấp tỉnh quyết định triệu tập bồi dưỡng KTQP-AN cho thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư của đạo Phật; thành viên Ban Thường vụ, Chủ tịch các Ủy ban Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục, Giám mục phó, Giám mục phụ tá, Giám quản và người đứng đầu các dòng tu của đạo Công giáo; thành viên Ban trị sự Trung ương của các Hội thánh Tin lành; thành viên Hội đồng Chưởng quản, Hội đồng Hội thánh, Ban Thường trực Hội thánh, Phối sư và chức sắc tương đương trở lên của các Hội thánh Cao đài; thành viên Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; những chức vụ, phẩm trật tương đương của các tổ chức tôn giáo khác; người đứng đầu các trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo...; các nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật trên địa bàn theo kế hoạch được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Chủ tịch Hội đồng GDQP-AN cấp huyện triệu tập bồi dưỡng KTQP-AN cho chức việc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc trên địa bàn theo kế hoạch được Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt. Căn cứ chương trình khung của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhiệm vụ QP-AN của địa phương, UBND cấp tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình, nội dung bồi dưỡng KTQP-AN phù hợp...

Trước đây, các đối tượng người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư chưa được quy định trong văn bản pháp luật nên mới chỉ tổ chức vận dụng làm thí điểm ở các địa phương. Các quy định trong Điều 14, 15 và 16 của Luật GDQP-AN sẽ góp phần luật hóa mở rộng và nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng được bồi dưỡng KTQP-AN.

Để Luật GDQP-AN sớm đi vào cuộc sống

Để các văn bản quy phạm pháp luật về GDQP-AN, trong đó có Luật GDQP-AN sớm đi vào cuộc sống, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo: Trước hết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai chặt chẽ việc tập huấn các văn bản quy phạp pháp luật về GDQP-AN. Để bảo đảm tính đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về GDQP-AN, những cơ quan chức năng của các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành xây dựng các thông tư còn lại theo Kế hoạch 1911 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về GDQP-AN ở các cấp, các ngành; phát huy năng lực tham mưu, tư vấn của cơ quan thường trực, hội đồng GDQP-AN các cấp, ban CHQS các bộ, ngành trong việc quán triệt xây dựng hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN ở bộ, ngành, địa phương. Các địa phương tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến KTQP-AN cho toàn dân; nội dung phổ biến phải phong phú, hình thức phải đa dạng và phương pháp phải linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt coi trọng tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa... Cùng với đó, theo Đại tá, Nhà giáo nhân dân, TS Nguyễn Thiện Minh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm GDQP-AN theo Quyết định số 638 và Quyết định số 412 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, sau khi quy hoạch xong hệ thống nhà trường quân đội; Bộ Quốc phòng phối hợp các bộ, ngành, cơ quan có liên quan quy hoạch hệ thống trung tâm GDQP-AN trên phạm vi cả nước, để bảo đảm đến năm 2020, cơ bản sinh viên được học tập tập trung tại trung tâm GDQP-AN.

Bài, ảnh: LÊ DUY HỒNG