Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ TP Hà Nội đã chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn, vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội còn ghi lại, trước ngày Toàn quốc kháng chiến, Hà Nội được tách thành khu đặc biệt (Khu 11). Khu ủy, Ủy ban Bảo vệ và Bộ Chỉ huy mặt trận Khu 11 đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Trung ương, xúc tiến mọi công việc chuẩn bị kháng chiến ở Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Khu 11; đồng chí Lê Quang Đạo là Phó bí thư Khu ủy; đồng chí Vương Thừa Vũ làm Khu trưởng Mặt trận kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Khu 11.
 |
Chiến sĩ cảm tử Thủ đô dùng bom ba càng đánh xe tăng địch ở phố Cửa Nam, tháng 12-1946. Ảnh tư liệu
|
Khu ủy 11 được Trung ương giao nhiệm vụ cụ thể: Khi địch cố tình gây chiến tranh thì phải lãnh đạo quân và dân Hà Nội nhanh chóng đánh trả, giành thế chủ động, chiến đấu giam chân địch một thời gian để hậu phương hoàn thành công việc chuẩn bị và tổ chức lực lượng bước vào thời chiến. Phương châm là phải tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch nhưng đồng thời phải giữ gìn và phát triển lực lượng của ta để kháng chiến lâu dài.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, để thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, 17 khu phố nội thành được chia làm 3 liên khu (1, 2, 3) và 5 khu ngoại thành theo mô hình chung: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ (sau ngày 19-12 đổi thành Ủy ban Hành chính kháng chiến). Các đồng chí khu ủy viên Khu 11, liên khu ủy viên của 3 liên khu nội thành, đảng ủy viên của 5 khu ngoại thành kiêm nhiệm phụ trách các đoàn thể cứu quốc địa phương mình.
Đặc biệt, 3 liên khu nội thành được tăng cường các đồng chí khu ủy viên Khu 11. Cán bộ chỉ huy Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu được bố trí xuống các phố để hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến trong việc bố trí lực lượng tác chiến, đào hào, đắp ụ, làm công sự phòng ngự chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Thực hiện mệnh lệnh của Tổng chỉ huy, 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, quân và dân Hà Nội nổ súng, mở đầu Toàn quốc kháng chiến, Mặt trận Hà Nội trở thành chiến trường chính trong cuộc tổng giao chiến đầu tiên.
Trong 60 ngày đêm chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kìm chân địch 2 tháng trong thành phố, gấp 2 lần thời gian Trung ương yêu cầu. Thắng lợi đó đã tạo điều kiện cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Một trong những yếu tố quan trọng để Đảng bộ TP Hà Nội lãnh đạo quân, dân Thủ đô giành chiến thắng đó là xây dựng tổ chức đảng vững mạnh với đội ngũ đảng viên kiên trung. Đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, Hà Nội đã có hơn 500 đảng viên luôn nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhân dân, vì độc lập dân tộc.
Thông qua đội ngũ đảng viên, Đảng bộ TP Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng cho quần chúng thấu suốt đường lối kháng chiến của Đảng, chung ý chí để hành động. Đến giữa tháng 12-1946, thành phố đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, giúp cho quân và dân Thủ đô tự tin, chủ động bước vào cuộc kháng chiến, tin tưởng vào đường lối của Đảng và thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
Một đặc điểm hết sức quan trọng của Đảng bộ TP Hà Nội lúc này là đa số đảng viên đều có trình độ học vấn khá cao, lại được rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Với năng lực và học vấn, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng của tuổi thanh xuân, đội ngũ đảng viên của Hà Nội đã vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, làm tròn vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng.
Đó chính là nền tảng để đảng viên sớm thấm nhuần đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ để tổ chức quần chúng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cần kíp được tiến hành trong thời gian ngắn, như: Di chuyển máy móc, nguyên vật liệu quý của các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành rồi chuyển lên chiến khu; thực hiện tản cư nhân dân ra khỏi thành phố; tiễu trừ Việt gian; vận chuyển vũ khí cho mặt trận; phá hủy đường sá, cầu cống, dựng chướng ngại vật để ngăn chặn địch...
Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này tiếp tục soi rọi vào công cuộc đổi mới hôm nay. Đảng bộ, quân và dân Hà Nội luôn phát huy bài học kinh nghiệm xây dựng tổ chức đảng chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong toàn Đảng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xứng đáng với truyền thống văn hiến, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng.
NGUYỄN THỊ THANH LOAN