Đảm nhiệm giảng dạy các môn: Cơ sở tự động hàng không, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện-điện tử, với đối tượng học viên đa dạng, cả trong nước và quốc tế, Thiếu tá Nguyễn Chí Vĩ hiểu rằng cần phải đổi mới phương pháp dạy học thì học viên mới dễ hiểu bài, cũng như khơi gợi niềm đam mê cho các học viên. Là một người giàu nhiệt huyết, đam mê, đi đến đâu, nhìn thấy tài liệu nào liên quan đến công việc, anh đều sưu tầm, mày mò nghiên cứu và làm việc không biết mệt mỏi. Chỉ tính riêng trong năm 2022, anh đã tham gia giảng dạy 430 tiết với 3 môn học riêng biệt cho các đối tượng; biên soạn hơn 600 trang bài giảng, kế hoạch giảng bài cho nhiều đối tượng học viên; chất lượng giảng dạy luôn đạt mục tiêu, yêu cầu của môn học. Thiếu tá Nguyễn Chí Vĩ chia sẻ: “Để những bài giảng thực sự hiệu quả, tôi biên soạn một số nội dung mở rộng về liên hệ thực tế của môn học. Qua đó, người học nắm bắt được các phương pháp, thực hành thuận lợi hơn”.
    |
 |
Thiếu tá Nguyễn Chí Vĩ trong giờ lên lớp.
|
Không chỉ sáng tạo trong giảng dạy, sau hai năm làm giảng viên ở Khoa Kỹ thuật cơ sở, anh bắt đầu tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học. Năm 2021, đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ FPGA thiết kế mô hình hệ thống khởi động động cơ trên máy bay L-39” do anh chủ trì được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ Tổng Tham mưu đánh giá đạt xuất sắc. Năm nay, anh tiếp tục chủ trì sáng kiến: “Thiết kế và chế tạo mô hình hệ thống dẫn đường quán tính không giá” và ấp ủ nhiều sáng kiến có giá trị khác để thực hiện trong năm 2023.
Thiếu tá, Tiến sĩ Mai Đức Nghĩa, Phó chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật cơ sở, Trường Sĩ quan Không quân cho biết: “Thiếu tá Nguyễn Chí Vĩ luôn phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, duy trì và điều hành bộ phận hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh có lối sống trong sạch, giản dị và gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, anh còn tích cực nghiên cứu khoa học và có nhiều phương pháp giảng dạy tốt, được cấp trên đánh giá cao".
Với những đam mê của mình, chàng trai sinh năm 1985, tại thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường, Nam Định) được đồng nghiệp yêu mến gọi là “cây sáng kiến”, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng giảng dạy ở Trường Sĩ quan Không quân.
Bài và ảnh: MAI VĂN ĐÔNG