Bài 3: Từng bước tiêu diệt Sư đoàn 25 nguỵ
Ngày 18-4-1975, Thường vụ Đảng ủy và Ban Tổ chức Quân đoàn 3 thông báo: Tôi có quyết định bổ nhiệm Sư đoàn trưởng chính thức. Cùng hôm ấy, sư đoàn tổ chức đoàn cán bộ đi trinh sát chuẩn bị chiến trường. Chuyến đi lần này rất thuận lợi vì được trực tiếp gặp Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh và Huyện ủy Củ Chi để bàn kế hoạch trinh sát thực địa và kế hoạch tác chiến, những người mà tôi đã khá quen biết trước đây. Các đồng chí cấp ủy địa phương đã được Trung ương Cục thông báo nên cũng đều nóng lòng sớm được gặp đơn vị chủ lực miền Bắc.
Tối 18-4, sư đoàn tổ chức cho từng trung đoàn đảm nhiệm trinh sát theo các hướng đã được phân công. Các trung đoàn lại chia nhỏ cho từng tiểu đoàn trinh sát các trận địa chốt chặn. Tôi đi theo hướng chủ yếu của Trung đoàn 98. Có thể nói chưa lần nào đi trinh sát chỉ huy lại “nhàn hạ” như lần này. Thật thú vị là chỉ cần xác định nơi chuẩn bị tác chiến trên bản đồ, tổ du kích dẫn đường sẽ đưa đúng đến vị trí từng đại đội cần chiếm lĩnh trận địa.
Du kích địa phương rất nhiệt tình và trách nhiệm, yêu cầu họ việc gì liên quan đến tác chiến là họ thực hiện ngay. Sau này, năm 1992, nhân dịp đi công tác Tây Ninh tôi có rẽ vào thăm huyện Trảng Bàng thì đồng chí đội trưởng du kích dẫn Trung đoàn 98 đi trinh sát thực địa chi khu Trảng Bàng ngày ấy nay đã trở thành Chủ tịch UBND huyện.
… Hôm ấy, khi triển khai công tác chuẩn bị đã xảy ra một sự cố khá nguy hiểm nhưng kết quả lại khá thú vị. Tiểu đoàn công binh của Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ làm đường quân sự gấp. Do đơn vị không quán triệt kỹ tình hình và không giao nhiệm vụ rõ ràng cho cấp dưới nên có 2 chiến sĩ cắm lộ tiêu làm đường đã đi lạc vào ấp chiến lược và bị địch bắt. Đặc điểm chiến trường này là ta-địch ở thế xen kẽ nhau, ấp này theo giải phóng nhưng ấp kia lại do địch kiểm soát, có ấp ban ngày địch khống chế nhưng ban đêm lại là của ta… Nghe tin 2 chiến sĩ bị địch bắt anh em cán bộ rất lo lắng vì sợ bị lộ kế hoạch tác chiến. Cũng phải thôi, nếu các chiến sĩ đó không chịu đựng nổi thì tác hại khó mà lường được. Nhưng thật lạ khi hai người bị địch bắt đưa về đồn, tên đồn trưởng không tra khảo gì mà lại coi họ như thượng khách, đối đãi tử tế, ăn uống đàng hoàng. Hắn chỉ yêu cầu khi sư đoàn đánh tới thì báo cho các lực lượng của ta biết là đồn đã đầu hàng và ghi công cho đồn đã giúp đỡ cách mạng… Rõ ràng quân địch ở đây đã biết rõ thân phận mình và chuẩn bị cho cái ngày kết thúc cuộc chiến đã đến quá gần…
Trở lại chuyện trinh sát thực địa, sau khi hoàn thành, xác định vị trí chiếm lĩnh chốt chặn cho từng phân đội, kế hoạch tác chiến của sư đoàn như sau: Sư đoàn 316 được Quân đoàn 3 tăng cường Trung đoàn cao xạ 232 và cụm pháo binh chiến dịch số 4, tiến hành tổ chức trận địa phòng ngự ngăn chặn địch trên ba khu vực: Trung đoàn bộ binh 148 đảm nhiệm phòng ngự ngăn chặn địch trên đoạn Trà Võ-Gò Dầu, tiêu diệt Trung đoàn 49 thuộc Sư đoàn 25 ngụy; Trung đoàn bộ binh 174 đảm nhiệm phòng ngự ngăn chặn địch trên khu vực Phước Mỹ-Phước Hiệp, tiêu diệt 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 50, thuộc Sư đoàn 25 và Liên đoàn Biệt động quân 32 ngụy; Trung đoàn bộ binh 98 làm nhiệm vụ cơ động đồng thời sẵn sàng tiêu diệt địch ở chi khu Trảng Bàng và Trung đoàn 46, thuộc Sư đoàn 25 ngụy; Trung đoàn pháo binh 187 tổ chức thành cụm pháo binh sư đoàn cùng với cụm pháo binh chiến dịch chi viện chung. Sở chỉ huy sư đoàn đặt cạnh cứ điểm Lào Táo trên hướng Trung đoàn bộ binh 98.
 |
Xe tăng và bộ binh ta đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu.
|
Đêm 12-4-1975, Trung đoàn bộ binh 148 bí mật vượt sông Sài Gòn, tiến vào chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Từ ngày 13 đến 18-4, Trung đoàn bắt đầu đánh những trận nhỏ lẻ ngăn chặn giao thông trên đường 22 từ Trà Võ đi Gò Dầu buộc địch phải co cụm lại xung quanh Trà Võ. Cũng trong thời gian này hệ thống pháo binh dày đặc của địch bắn khá chính xác vì được đo đạc và có kế hoạch hỏa lực sẵn nên sư đoàn chủ trương tập trung pháo binh của sư đoàn cùng với pháo binh của chiến dịch tăng cường tiến hành một đợt tập kích hỏa lực nhằm tiêu diệt một số trận địa pháo nguy hại của địch là Đồng Chùa, Cẩm Giàng, Bến Mương, Lào Táo- 4 trận địa pháo binh loại 155mm do tên sư đoàn trưởng Lý Tòng Bá trực tiếp nắm làm nòng cốt cho hệ thống hỏa lực của địch trên địa bàn.
Thế là một kế hoạch tập kích hỏa lực pháo binh được vạch ra: Tất cả pháo binh cơ giới của Trung đoàn pháo binh 187 và cụm pháo binh số 4 của chiến dịch tập trung lực lượng tiêu diệt bằng được trận địa pháo binh Đồng Chùa và Cẩm Giàng của địch trong ngày 14-4, sau đó tiếp tục tiêu diệt trận địa pháo ở Bến Mương, Lào Táo của địch. Súng cối của các trung đoàn chia nhau ra bắn kiếm chế các trận địa pháo binh khác của địch không cho chúng chi viện cho nhau. Để có hiệu quả cao, các đơn vị pháo binh đều tổ chức quan sát luồn sâu dùng các tổ du kích địa phương dẫn đường vào gần địch để hiệu chỉnh pháo cho chính xác. Thế là với số lượng pháo không nhiều hơn địch nhưng chỉ trong 2 ngày 14 và 15-4 với lượng đạn bắn không hạn chế, lần lượt các trận địa pháo binh nguy hại của địch đã bị ta tiêu diệt làm cho địch càng hoang mang lo sợ, suy sụp tinh thần.
Trong khi sư đoàn sử dụng đạn pháo của địch để diệt địch đã xảy ra một sự cố khá nguy hiểm. Hôm đó, tôi đang trong sở chỉ huy cùng đồng chí chính ủy bỗng nghe tiếng nổ đầu nòng của pháo ta, thế rồi mái lán căn nhà… của sở chỉ huy bị bay đi mất, thật may chúng tôi không ai việc gì. Tôi gọi điện cho Trung đoàn trưởng 187 thì được báo cáo: Anh em đã sử dụng viên đạn đuối tầm vì đạn mới thu gom không kịp phân loại vả lại trung đoàn cũng không biết sở chỉ huy sư đoàn lại nằm trên hướng bắn. Trung đoàn xin nhận khuyết điểm và cho di chuyển trận địa pháo đến vị trí khác.
Từ ngày 12 đến 14-4-1975 lần lượt các trận địa pháo binh nguy hại của địch bị tiêu diệt tạo điều kiện cho lực lượng Quân đoàn 3 tiến hành công tác tổ chức chuẩn bị chiến dịch được thuận lợi. Đợt hoạt động trước chiến dịch của sư đoàn chủ yếu là tiêu diệt các trận địa pháo nguy hại của địch còn bộ binh thì hoạt động nhỏ lẻ để nghi binh thu hút địch tránh đụng độ lớn khiến địch không phát hiện được lực lượng lớn của ta để các đơn vị lần lượt vào vị trí tập kết chiến dịch và chiến đấu an toàn. Trung đoàn 148 cứ thỉnh thoảng lại cho từng phân đội xuất hiện, khi quân địch đưa lực lượng ra thì quân ta lại lặng lẽ rút, rồi sau đó lại xuất hiện...
Trong một buổi phỏng vấn của các nhà báo về tình hình đụng độ với Quân giải phóng trên trục đường 1 và 22 tên Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 ngụy, vốn là tên “Tầu lai”, với thái độ hoang mang đã nói “Cánh quân Việt cộng mới xuất hiện trên chiến trường nơi chúng tôi đảm nhiệm đã có những hành động kỳ lạ, chúng bám chúng tôi như đỉa nhưng lại tìm mọi cách tránh đụng độ. Có thể đây chỉ là những lực lượng của địa phương, chưa thấy xuất hiện chủ lực miền Bắc”.
Ngày 19-4-1975, Sư đoàn 316 được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 thông báo địch có triệu chứng dồn các lực lượng thuộc Sư đoàn 25 ngụy từ Tây Ninh co về tập trung chiếm lĩnh khu vực Hóc Môn để tăng cường tuyến phòng thủ ngoại vi Tây Bắc Sài Gòn. Ngay trong đêm, chỉ huy sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 148 gấp rút gia tăng hoạt động. 6 giờ sáng 20-4, Tiểu đoàn bộ binh 6, Trung đoàn 148 nổ súng đánh chiếm cứ điểm Bầu Nâu. Ngay từ đầu, địch tập trung hỏa lực pháo binh và máy bay chi viện, chống trả quyết liệt. Đồng thời sử dụng Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 ngụy tổ chức phản kích liên tục. Bằng nhiều đợt xung phong ác liệt, đến 11 giờ bộ binh ta đánh chiếm được Bầu Nâu và Trung đoàn bộ binh 148 đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 49 ngụy buộc chúng phải rút chạy về cố thủ trong ấp chiến lược Dân Sinh, sát đường 22, cách cứ điểm khoảng 500 mét.
Ngày 21-4, Tiểu đoàn bộ binh 4, Trung đoàn 148 đánh chiếm cứ điểm Trà Võ, địch chạy về hướng đông nam Trà Võ, trụ lại đối phó.
Ngày 22-4, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 ngụy từ Gò Dầu và Cẩm Giàng hình thành hai mũi nhọn, có xe tăng và phi pháo yểm trợ thực hành phản kích nhằm chiếm lại Bầu Dầu - Trà Võ. Suốt ngày hôm đó, cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 148 đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, giành giật từng đoạn chiến hào, từng ụ súng với quân địch. Trong hai ngày đánh Bầu Nâu-Trà Võ, Trung đoàn bộ binh 148 đã tiêu diệt và bắt sống 487 tên địch, phá hủy 1 xe tăng, thu hơn 700 khẩu súng các loại.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lúc này chưa bắt đầu. Theo ý định của Bộ tư lệnh chiến dịch, trên các hướng tiến công, mỗi quân đoàn sử dụng một phần lực lượng đánh nghi binh tạo thế nhằm thu hút địch, không để cho chúng có thời gian điều chỉnh lực lượng và củng cố công sự trận địa trên các tuyến ngăn chặn, đồng thời bao vây chia cắt chủ lực địch ở tuyến ngoài, không cho chúng co lực lượng vào tuyến trong, tạo điều kiện cho chủ lực các quân đoàn ta tiêu diệt những mục tiêu trọng yếu bên trong. Sư đoàn 316 được tung ra hoạt động trước khi chiến dịch nổ súng chính là để thực hiện ý định đó.
Ngày 23-4, thấy mục đích của đơn vị là đánh chiếm đồn để kéo giữ chân địch đã đạt được, Trung đoàn bộ binh 148 thực hiện ý định của sư đoàn, lệnh cho Tiểu đoàn 6 rút ra ngoài cứ điểm Bầu Nâu, Tiểu đoàn 4 rút ra ngoài cứ điểm Trà Võ. Cùng với các đơn vị hỏa lực của trung đoàn tăng cường, hai Tiểu đoàn 4 và 6 cấu trúc trận địa bao vây Trà Võ và Bầu Nâu để cùng với các lực lượng khác trong trung đoàn tiến hành khóa chặt đoạn đường 22 giữa Tây Ninh và Gò Dầu, tiến tới tiêu diệt Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 ngụy và các đơn vị địa phương của quân ngụy trên địa bàn. Trên hướng Trảng Bàng, Phước Mỹ, Phước Hiệp, Suối Sâu các Trung đoàn bộ binh 98 và 174 lần lượt bước vào chiến đấu theo kế hoạch tác chiến của sư đoàn.
Sư đoàn 25 ngụy đang phòng ngự ngăn chặn ta trên hướng Tây Bắc Sài Gòn đồng thời cũng là hướng tiến công chủ yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh (Tây Ninh-Trảng Bàng-Củ Chi), thực sự lâm vào tình trạng bị giam hãm. Không những địch không rút được chân ra khỏi các căn cứ để co về cứu nguy cho Sài Gòn mà còn phải đưa lực lượng cơ động ra phản kích giải tỏa, để rồi bị giữ chân lại ở chính nơi chúng đến ứng cứu.
Lúc này, từ nhiều hướng, các binh đoàn chủ lực của ta đã trải qua chiến thắng trên các chiến trường Tây Nguyên, Bình Trị Thiên, Quảng Nam-Đà Nẵng, Nam Trung Bộ… với khí thế “Thần tốc, táo bạo” của đội quân bách chiến bách thắng Quang Trung-Nguyễn Huệ năm xưa, trên 5 hướng sẵn sàng tiến vào nội đô Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy.
*
* *
Chiều 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Quân đoàn 3 đảm nhiệm tiến công trên hướng tây bắc-hướng chủ yếu của chiến dịch. Quân đoàn 1 tiến công theo hướng đông bắc. Quân đoàn 2 đảm nhiệm hướng đông nam. Quân đoàn 4 đánh từ hướng đông. Binh đoàn 232 hướng tây nam. Các đơn vị đặc công, biệt động được huy động đánh chiếm những cây cầu trên các trục giao thông, đảm bảo cho những binh đoàn bộ binh được tăng cường tăng-thiết giáp thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nội đô như: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát…
Giờ của Chiến dịch Hồ Chí Minh lần này cũng là giờ G chung, đánh vào mục tiêu cuối cùng của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, giờ G lớn nhất của lịch sử dân tộc mà đã hơn một năm qua quân, dân ta hằng mong đợi.
Để phối hợp với các sư đoàn trong quân đoàn và các hướng của Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu đánh vào Sài Gòn, đêm 26-4, Sư đoàn 316 triển khai toàn bộ lực lượng hoạt động xung quanh các căn cứ địch, hình thành thế bao vây chia cắt, giam hãm quân địch và sẵn sàng tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy. Trung đoàn 148 sẵn sàng đánh chiếm lại căn cứ Bầu Nâu-Trà Võ và tiêu diệt Trung đoàn 49 thuộc Sư đoàn 25 ngụy. Trung đoàn 174 đánh chiếm cứ điểm Trung Hưng và Phước Hiệp, Phước Mỹ. Trung đoàn 98 đánh chiếm thị trấn Trảng Bàng và tiêu diệt Trung đoàn 46, Sư đoàn 25 ngụy.
Ngày 27-4, các cụm pháo binh quân đoàn và sư đoàn lần lượt bắn chế áp các trận địa pháo địch ở Đồng Chùa, Trảng Bàng và các nơi khác của chúng.
9 giờ sáng 28-4, Trung đoàn 174 đánh tan một tiểu đoàn của Trung đoàn 50, Sư đoàn 25 ngụy có xe tăng yểm trợ từ Đồng Dù nống ra hòng giải tỏa Phước Mỹ-Trung Hưng, diệt 50 tên. Sau đó, trung đoàn thừa thắng tiến công đánh chiếm đồn bảo an Cây Trôm. Chiều 28-4, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174 đã đánh chiếm Trung Hưng để mở rộng phạm vi chốt chặn.
22 giờ đêm hôm ấy, Trung đoàn 46, Sư đoàn 25 ngụy định lợi dụng đêm tối tiến công vào chốt chặn của Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 174 nhằm mở đường tháo chạy về Đồng Dù nhưng bị ta phát hiện, đánh bật trở lại.
Trung đoàn 98 vây đánh thị trấn Trảng Bàng và cụm Trung đoàn 46, Sư đoàn 25 ngụy. Khoảng 15 giờ chiều 28-4, địch cho 1 tiểu đoàn cùng xe tăng, xe thiết giáp tiến công vào trận địa chốt chặn của Tiểu đoàn bộ binh 7 nhưng bị ta chặn đánh, diệt 42 tên, buộc chúng phải co về.
Cụm pháo binh sư đoàn bắn mãnh liệt vào thị trấn Trảng Bàng, phá hủy một số công sự của địch trong chi khu, yểm hộ cho bộ binh đưa đội hình lên áp sát, thắt chặt vòng vây xung quanh Trảng Bàng, dùng loa vận động binh lính địch ra hàng. Lúc này Ban chỉ huy Trung đoàn 98 báo cáo: Có tên Thiếu tá Ninh-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 49 ngụy, người của ta cài vào hàng ngũ địch muốn dẫn cả tiểu đoàn ra hàng… Trong tình hình ấy tốt nhất là chiếm Trảng Bàng nhưng không cần nổ súng. Tôi cho anh em tiếp tục tiến hành công tác địch vận làm rã hàng ngũ địch, tiếp thu lực lượng ra hàng, cùng với địa phương phân loại, chỉ giữ lại bọn sĩ quan và những tên ác ôn có nợ máu, số còn lại thì thu vũ khí, giải thích, lập danh sách rồi cho họ giải tán, tự về nhà.
Cuộc chiến đấu trên hướng Trung đoàn bộ binh 98 vẫn tiếp diễn liên tục. Tới 16 giờ, các mũi của Tiểu đoàn bộ binh 9 đánh chiếm thêm cứ điểm Gia Lâm, Trảng Cầy, ngày càng khép chặt vòng vây sở chỉ huy Trung đoàn 46, Sư đoàn 25 ngụy và sở chỉ huy chi khu Trảng Bàng. Cũng trong ngày 28-4, trên hướng Trung đoàn bộ binh 148 ta đã tổ chức đánh chiếm cứ điểm Cầu Cam, vây chặt Bầu Nâu, Trà Võ, Bến Kéo, Bến Mương...
Trung tướng, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Hải Bằng
Giam chân, tiêu diệt địch trên hướng Tây Bắc Sài Gòn (bài 2)
Giam chân, tiêu diệt địch trên hướng Tây Bắc Sài Gòn (bài 1)
Bài 4: Tiến về Sài Gòn