QĐND - Sau khi Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5 và 6-1-2015 đăng bài “Vấn đề việc làm cho bộ đội xuất ngũ ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), nhiều bạn đọc là bộ đội xuất ngũ đã phản hồi, bày tỏ sự tán thành với đề tài báo nêu, kiến nghị báo phản ánh thêm nhiều mô hình tốt, cách làm hay để giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Trang Ý kiến chiến sĩ số báo này xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cách làm trong tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho bộ đội xuất ngũ ở một số trường cao đẳng nghề trên địa bàn Quân khu 3.
Lựa chọn điều kiện, hoàn cảnh phù hợp
Đó là khẳng định của phần lớn học viên là quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đang theo học tại Trường Cao đẳng Nghề số 3 và Trường Cao đẳng Nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) khi chia sẻ với chúng tôi. Tuy nhiên, đến với từng khoa đào tạo nghề cụ thể, khi đặt câu hỏi “tại sao bạn lại chọn theo học nghề này” thì chúng tôi lại nhận được những cách trả lời khác nhau từ học viên.
Nguyễn Trọng Phúc (sinh năm 1994), quê ở huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) nguyên là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395), hiện là học viên Khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Nghề số 3-Bộ Quốc phòng) tâm sự: “Tôi thấy đời sống xã hội của đất nước ta đang từng ngày đổi thay mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người mua sắm ô tô đi lại, đương nhiên nhu cầu phục vụ sửa chữa cho loại phương tiện này sẽ tăng lên. Đây chính là cơ sở để tôi chọn và theo học nghề này, với tin tưởng sau khi kết thúc khóa học sẽ có ngay việc làm ổn định. Trước đó, khi chúng tôi chuẩn bị xuất ngũ, nhà trường đã về đơn vị trực tiếp tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm…”.
 |
Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề kiểm tra chất lượng dạy và học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề số 3, tháng 8-2014.
|
Học viên Nguyễn Mạnh Khoa, Lớp Hàn K3, Trường Cao đẳng Nghề số 20, chia sẻ: “Từng là chiến sĩ của Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1), năm 2012, tôi trúng tuyển nguyện vọng 2 của Trường Đại học Lâm nghiệp, Khoa Quy hoạch đô thị, nhưng tôi vẫn lên đường nhập ngũ để làm tròn nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc. Tưởng chuyện học hành chỉ là tạm gác lại, nhưng rồi ngay sau khi xuất ngũ, tôi nhận thấy, nếu tiếp tục theo học đại học thì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơ hội việc làm còn rất xa. Mà dù có học gì đi nữa thì cũng chính là để có việc làm ổn định nên tôi đã thay đổi quyết định, chọn theo học nghề hàn vì nghề này vừa dễ kiếm được việc làm, lại cho thu nhập cũng không phải là thấp”.
Đến từ xã Hiệp Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), học viên Phạm Văn Quảng bộc bạch: “Em nguyên là chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 242 (Quân khu 3). Năm 2013, em xuất ngũ, được nhà trường về tận đơn vị tư vấn. Hơn nữa, các bạn ở quê có tới hơn 10 người theo học ở Trường Cao đẳng Nghề số 20, hiện đã có 7 người đi xuất khẩu lao động, số còn lại đều có việc làm ổn định. Từ việc “mắt thấy tai nghe”, em đã đi học nghề và nhận thấy mình đã sáng suốt khi chọn theo học nghề tại đây”.
Dạy nghề sát nhu cầu thị trường lao động
Đại tá Lê Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 3 cho biết như vậy khi nói về định hướng đào tạo của nhà trường thời gian qua. Theo Đại tá Lê Thanh Thủy, đây cũng là lý do khiến những năm gần đây, các trường đào tạo nghề thuộc LLVT Quân khu 3 ngày càng thu hút đông đảo các đối tượng theo học, trong đó quân nhân xuất ngũ và các đối tượng chính sách chiếm tỷ lệ rất cao. Kể từ tháng 5-2013 đến nay, sau khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt Trường Cao đẳng Nghề số 3 là một trong 26 trường đầu tiên của cả nước được đầu tư để đào tạo nghề chất lượng cao khu vực ASEAN và quốc tế, thì công tác đào tạo nghề ở đây đã có những bước đột phá mới. Bám sát thực tế nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, nhu cầu học nghề của các đối tượng, nhất là quân nhân xuất ngũ, con em các gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số... Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo các ngành nghề trong từng giai đoạn phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện Trường Cao đẳng Nghề số 3 đang đào tạo 7 nghề ở trình độ cao đẳng, 14 nghề ở trình độ trung cấp và 11 nghề ở trình độ sơ cấp. Đặc biệt, với việc chú trọng đầu tư cả đội ngũ giáo viên chất lượng cao và cơ sở vật chất học thực hành đối với các nghề mũi nhọn như: Công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, điện công nghiệp, điện-điện tử và lái xe ô tô các hạng... trường đã thu hút một lượng lớn sinh viên theo học. Chỉ tính riêng trong năm 2014, số đối tượng theo học các ngành nghề là hơn 15.000 học sinh, sinh viên, trong đó quân nhân xuất ngũ chiếm tới hơn 70%.
Còn theo Thượng tá Vũ Đức Nam, Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 20, cách thu hút học viên được nhà trường coi trọng là phải tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn cho bộ đội trước khi xuất ngũ. Cán bộ nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị tiến hành hoạt động này. Việc quan tâm giải quyết việc làm, thu hút các doanh nghiệp tuyển dụng cũng củng cố niềm tin của học viên theo học.
Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH DŨNG