QĐND - Tại Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), để thủ tiêu tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản, bọn cai ngục đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man. Thế nhưng với tinh thần bất khuất và khí tiết trung kiên của những người cộng sản, phong trào đấu tranh vẫn diễn ra bằng nhiều hình thức.
 |
Đường hầm vượt ngục được phục dựng tại Khu di tích nhà tù Phú Quốc.
|
Để sớm thoát khỏi bàn tay tàn ác của kẻ thù, trở về với cách mạng, tổ chức cho những chiến sĩ cộng sản vượt ngục được Đảng ủy các phân khu xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo thống kê, từ tháng 7-1967 đến tháng 4-1972, tại Nhà tù Phú Quốc, các chiến sĩ ta đã tổ chức 41 lần vượt ngục, khoảng 300 chiến sĩ cộng sản thoát ngục trở về với cách mạng. Trong các hình thức mà những chiến sĩ cộng sản áp dụng để vượt ngục như: Vượt lẻ, vượt rào, đánh quân cảnh và hải quân khi đi lao động bên ngoài và đào hầm... thì hình thức đào hầm đạt hiệu quả cao nhất, với số người thoát ra được nhiều nhất.
Đường hầm thường được đào dưới sạp nằm của các chiến sĩ cộng sản trong phòng giam và ngụy trang kỹ lưỡng. Tổ đào hầm được Đảng ủy Phân khu lựa chọn và phân công cụ thể; nhóm đào hầm và nhóm cảnh giới. Dụng cụ đào hầm tự tạo từ cà mèn, thìa (muỗng) ăn cơm, cọng kẽm gai, cọng sắt và can nhựa đựng đất...
Đường hầm đầu tiên được đào ở phòng giam số 13, phân khu B2 vào cuối năm 1969 với chiều dài khoảng 120m. Để hoàn thành đường hầm này, các chiến sĩ đã thực hành đào suốt 6 tháng liền. Đến ngày 21-1-1969, từ đường hầm này đã có 21 chiến sĩ cách mạng vượt thoát. Tiếp đó, đường hầm ở phân khu A4 dài 113m, sâu 1,5m, đường kính 0,65m, cách 10m có một lỗ thông hơi, đã giúp 41 chiến sĩ cộng sản vượt thoát ra ngoài vào đêm 23 rạng sáng 24-12-1971.
Đường hầm vượt ngục là chiến công thần kỳ của các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại Nhà tù Phú Quốc, đồng thời trở thành nỗi ám ảnh của địch ở trại giam này. Ngày nay, tại Khu di tích Nhà tù Phú Quốc có công trình được phục dựng, mô tả lại đường hầm, đồng thời tại đây cũng trưng bày những chiếc thìa là dụng cụ được các chiến sĩ cộng sản sử dụng để đào các đường hầm, tổ chức vượt ngục năm xưa.
Bài và ảnh: NGÔ THANH