Theo Đại tá, GS, TSKH, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108, tính đến tháng 3-2021, bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép 7 loại mô, tạng khác nhau trên 316 bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện đã thực hiện thành công 5 ca phẫu thuật lấy-ghép đa tạng từ người cho chết não, đến nay, chức năng các tạng sau ghép đều đảm bảo tốt. Trong năm 2020, bệnh viện tiếp tục đột phá, thực hiện thành công hai ca ghép chi thể, với một ca được lấy từ người cho sống đầu tiên trên thế giới và một ca ghép hai cẳng bàn tay lấy từ người cho chết não lần đầu được thực hiện ở khu vực Đông Nam Á. Đây là sự kiện được Thông tấn xã Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020.
 |
Quang cảnh các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện một ca ghép tạng cho bệnh nhân. Ảnh: MAI HẰNG |
Để có được những kết quả đáng tự hào đó, thời gian qua, ngoài được trên đầu tư, bệnh viện đã tập trung mọi nguồn lực bảo đảm trang thiết bị phòng mổ hiện đại, phòng hồi sức chuyên sâu, các phòng xét nghiệm công nghệ cao; chuẩn bị chu đáo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để triển khai các kỹ thuật ghép tạng. Hiện nay, bệnh viện có 50 phòng mổ áp lực dương tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 5 phòng mổ siêu sạch (dùng cho ghép tạng và mổ hybrid với robot chụp mạch can thiệp hiện đại). Đặc biệt, bệnh viện luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề các thầy thuốc. Từ năm 2015 đến nay, bệnh viện đã liên kết, phối hợp tổ chức hàng loạt các chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ các trung tâm ghép tạng lớn trên thế giới như: Bệnh viện Foch (Pháp); Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc); Đại học Fukuoka (Nhật Bản)..., giúp đội ngũ thầy thuốc tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật ghép tạng. Cùng với đó, bệnh viện còn tham gia công tác tổ chức điều phối; tổ chức nhiều hội nghị khoa học, tạo diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép tạng; triển khai công tác vận động hiến tạng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Chúng tôi được biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ sớm triển khai quản lý điều hành “Trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người của bệnh viện” với tổ chức biên chế chính thức, chuyên trách; phát triển cơ sở này thành trung tâm ghép tạng lớn của Việt Nam và thế giới; tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các kỹ thuật khó, như: Ghép mặt, ghép tụy, ghép ruột... Cùng với đó, bệnh viện sẽ tập trung nghiên cứu tạo nguồn mô tạng sinh học và vật liệu thay thế, tạng nhân tạo; kiểm soát vấn đề thải ghép; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong ghép tạng; tăng cường công tác tổ chức-điều phối ghép tạng, xây dựng nhiều chương trình vận động, vinh danh người hiến tạng; hoàn thiện quy trình pháp lý chặt chẽ, tuân thủ các quy định về hiến, nhận tạng. Bệnh viện cũng sẽ chủ động đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật ghép mô, tạng cho các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam ngày càng phát triển, hiện đại, thiết thực nâng cao chất lượng chăm sóc, cứu chữa, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.
CHIẾN VĂN