Bác Trương Bích Thuỷ, nguyên là Vụ Phó Văn phòng Ban tuyên huấn Trung ương, đã tham gia toàn quốc kháng chiến từ những ngày đầu tại mặt trận Trị Thiên-Huế, kể lại:
Tổng khởi nghĩa tháng Tám, tôi xin gia nhập đoàn cán bộ Việt Minh huyện. Sau khi bầu cử Quốc hội (6-1-1946), là bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tôi được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã Thuỷ Xuân, rồi về Ban chấp hành Việt Minh huyện Hương Thuỷ. Cách mạng thành công vừa tròn một tháng thì giặc Pháp lại gây hấn Nam Bộ, chúng rắp tâm quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Ở Huế, quân Pháp đã bố trí các điểm đóng quân rải rác ở Toà đốc lý, trường Thiên Hựu, nhà ở của giám binh, trường Khải Định, Sở Công Chánh... Vào một đêm tối trời đầu tháng 12-1946, từ trụ sở Việt Minh Trung Bộ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đi xe đạp về cơ quan huyện uỷ.
Tất cả cán bộ đều được lệnh triệu tập trở về tề tựu đông đủ ở trụ sở. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đi thẳng vào vấn đề, phân tích tình hình và âm mưu địch đánh chiếm lại nước ta và những đường lối chủ trương của chính phủ để tiến hành kháng chiến. Anh nói: “Địch sẽ dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt để lừa bịp, hoặc khủng bố hung bạo để đập tan sự chống trả, hòng làm tê liệt ý chí chiến đấu của nhân dân ta. Đối với cán bộ, nếu gia đình có con đi hoạt động thì chúng sẽ bắt cha mẹ, vợ chồng, con cái. Chúng sẽ tra tấn đánh đập thậm chí giết chết. Mục đích của chúng làm lung lạc tinh thần cán bộ, vì tình cảm gia đình mà nao núng trở về đầu thú, hoặc từ bỏ con đường hoạt động kháng chiến”.
Phú Bài là một xã lớn và đình làng Phú Bài cũng là một đình làng lớn nhất huyện. Nếu giặc đến, đây sẽ là địa điểm chúng trú quân. Nhưng đốt đình làng là một việc làm phạm vào tình cảm và tín ngưỡng thiêng liêng của dân làng, nên các cụ phụ lão không cho đốt. Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng các cụ cũng đồng ý, lúc đó là 2 giờ sáng. Đám lửa bốc lên cao trên nền trời cũng chính là ngọn lửa căm thù đang cháy trong lòng chúng tôi lúc ấy. |
Giọng nói của anh hào hùng mà ân cần, thân thiết, gợi lên trong tôi những suy nghĩ về chiến tranh, về con đường cách mạng chông gai phía trước để xác định rèn luyện bản thân. Trước khi về, anh Nguyễn Chí Thanh còn căn dặn: “Các đồng chí hãy nhớ các bậc tiền bối của chúng ta đã vì lý tưởng cách mạng mà đi hoạt động trong thời kỳ bí mật dưới ách thống trị hà khắc của đế quốc, phong kiến, dù bị địch bắt tù đày hay lên máy chém vẫn một lòng son sắt hy sinh. Ngày nay chúng ta đã có Tổ quốc độc lập, các đồng chí hãy dũng cảm noi gương các bậc tiền bối mà giữ gìn non sông gấm vóc yêu quý của chúng ta”. Dưới trời khuya, bóng anh dần khuất trong đêm vắng nhưng những lời nói của anh còn âm vang mãi và khắc sâu vào tâm trí tôi.
Sau đó ít hôm, tôi được cử về xã Phú Bài, xã cuối cùng của huyện Hương Thuỷ, với danh nghĩa là phái viên của huyện để lãnh đạo chi bộ và UBND xã tuyên truyền giáo dục nhân dân thực hiện vườn không nhà trống, tổ chức tập luyện dân quân tự vệ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu... Trước ngày tổng khởi nghĩa, vào lúc 10 giờ đêm, tôi nhận được công văn khẩn cấp của Uỷ ban huyện, có 4 chữ hoả tốc gạch dưới bằng mực đỏ. Đại ý công văn viết: Giặc Pháp đã đổ bộ vào Đà Nẵng, có thể đến sáng mai sẽ tràn ra Huế. Vậy những điểm đã chuẩn bị sẵn, phải đốt ngay trong đêm nay, không được để sót.
Tôi liền triệu tập cấp tốc cuộc họp chi bộ và uỷ ban xã cùng anh Chữ-Trưởng ban phá hoại của huyện đang công tác tại xã. Toàn thể cán bộ đều nhất trí khẩn trương chấp hành mệnh lệnh và giao cho anh Chữ trực tiếp thi hành kế hoạch ngay trong đêm. Phú Bài là một xã lớn và đình làng Phú Bài cũng là một đình làng lớn nhất huyện. Nếu giặc đến, đây sẽ là địa điểm chúng trú quân. Nhưng đốt đình làng là một việc làm phạm vào tình cảm và tín ngưỡng thiêng liêng của dân làng, nên các cụ phụ lão không cho đốt. Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng các cụ cũng đồng ý, lúc đó là 2 giờ sáng. Đám lửa bốc lên cao trên nền trời cũng chính là ngọn lửa căm thù đang cháy trong lòng chúng tôi lúc ấy.
Vương Hân
(Theo lời kể của bác Trương Bích Thuỷ, huyện uỷ viên huyện Hương Thuỷ những ngày Thừa Thiên-Huế kháng chiến)