QĐND - Thượng úy Nguyễn Công Dân, Phó đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn 454 (Quân khu 3) bật khóc mỗi khi nói về quá khứ của mình. Người hiểu hoàn cảnh của anh thì cho rằng, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc; người chưa hiểu thì bảo đó là những giọt nước mắt của lỗi lầm.

Quê huyện Thanh Hà (Hải Dương), tuổi thơ của Dân vất vả, nhọc nhằn: Bố bị liệt, cuộc sống của gia đình đều trông vào sự tảo tần của mẹ. Dẫu mẹ đã rất cố gắng, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn không chịu buông tha. Thương mẹ, thương cha, Dân quyết chí nỗ lực học tập với hy vọng sau này lớn lên có thể thay đổi cuộc sống của gia đình. Và rồi, Dân đã toại nguyện với giấy báo thi đỗ vào Trường Sĩ quan Pháo binh.

Sau 5 năm học tập, rèn luyện, ra trường với quân hàm trung úy, Nguyễn Công Dân trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Vì bố bị liệt, nhà cách đơn vị không quá xa, nên Dân đặt quyết tâm tiết kiệm tiền lương mua xe gắn máy để tiện về thăm gia đình. Thế nhưng đồng lương sĩ quan trẻ eo hẹp, lại phải lo toan bệnh tật của bố và cuộc sống gia đình, nên ước mơ đó của anh vẫn dang dở. Thế rồi tài chính đơn vị thông báo sắp có đợt truy lĩnh tiền phụ cấp khu vực. Nhẩm tính số tiền được truy lĩnh đủ để mua chiếc xe gắn máy cũ, nên Dân đánh liều vay lãi để sớm có phương tiện đi lại. Dân vay 9 triệu đồng với hình thức lãi ngày để mua chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki Viva. Nhưng niềm vui của chàng sĩ quan trẻ chưa được bao lâu thì lo lắng đã ập đến. Lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi khoản phụ cấp truy lĩnh mà anh trông đợi vẫn chưa có. Nguyễn Công Dân nhớ lại: “Cứ đến ngày trả lãi tôi lại lo. Chủ nợ thúc giục, dọa dẫm, nhiều đêm tôi thức trắng tìm cách vay mượn để các chủ nợ không vào đơn vị đòi tiền”.

Trong vòng luẩn quẩn, anh đánh liều chơi lô đề, mong tìm vận may, nhưng may mắn không đến, chỉ thấy số nợ ngày càng tăng: Từ 9 triệu đồng lên 40 triệu, rồi 60 triệu... Thất vọng, lại sợ bị kỷ luật, anh quyết định làm đơn xin ra quân với tính toán, số tiền giải quyết ra quân đủ để trang trải nợ nần. Để được ra quân, thậm chí anh còn làm những việc gây ấn tượng không tốt với chỉ huy đơn vị và đồng chí, đồng đội. Thiếu tá Lê Hồng Quang, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 14 nhớ lại: “Chỉ huy đơn vị khi đó không nắm bắt được diễn biến tư tưởng của cán bộ thuộc quyền, nên bị động. Đến khi sự việc vỡ lở, chúng tôi mới vào cuộc”.

Nhận thấy khoản nợ nần của Nguyễn Công Dân một phần do sự bồng bột, nên chỉ huy đơn vị đã tìm hiểu ngọn ngành và cùng gia đình đưa ra hướng giải quyết. Anh em trong đơn vị, người nhiều, người ít cho Dân vay để trả khoản nợ lãi ngày; đồng thời theo dõi, tạo điều kiện để anh có cơ hội phấn đấu. Và anh đã không phụ tấm lòng của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cũng như đồng chí, đồng đội. Trả xong nợ, Nguyễn Công Dân nỗ lực phấn đấu; mới đây được bổ nhiệm từ trung đội trưởng giữ chức vụ phó đại đội trưởng.

Trong ngôi nhà riêng cùng vợ và cậu con trai kháu khỉnh, Nguyễn Công Dân cho biết: “Nếu đơn xin ra quân của tôi được chỉ huy đơn vị chấp thuận, chắc cuộc sống của tôi đã rẽ theo hướng khác và chắc tôi sẽ không dám về nhà thăm bố mẹ, bởi tôi luôn là niềm hy vọng của cả gia đình”.

Còn vợ anh dí dỏm: “Nếu điều đó xảy ra thì chắc sẽ không có cu Tuấn như bây giờ. Sau này, con phải nhớ công ơn các ông, các bác, các chú trong đơn vị bố”.

Chuyện buồn của Thượng úy Nguyễn Công Dân xảy ra hai năm trước, nhưng vẫn là bài học thời sự đối với không ít đơn vị. Chuyên mục “Diễn đàn công tác tư tưởng” mong nhận được hồi âm về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gửi về thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn hoặc Phòng Biên tập CTĐ, CTCT, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội.

ĐỨC DỤC - KIM ANH