Gần hai năm qua, Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị được quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả ở Trường sĩ quan Lục quân 2. Điểm nổi bật là khi thực hiện cơ chế mới, giữa chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp luôn đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm trong mọi công việc.
Chúng tôi gặp Trung tá Trần Xuân Anh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 trên bãi tập của học viên. Anh cho biết: “Đối tượng học viên của tiểu đoàn là cử tuyển, nhận thức và trình độ còn hạn chế và không đồng đều nên gặp rất nhiều khó khăn trong huấn luyện. Trước thực trạng đó, chúng tôi bám sát học viên, phát hiện những khâu yếu, mặt yếu ở từng người, từng môn cụ thể. Yếu môn gì, nội dung nào, tôi trao đổi kịp thời với đồng chí chính trị viên rồi chúng tôi triệu tập cấp ủy, đề xuất các giải pháp và phân công ủy viên, cán bộ phụ trách, giúp đỡ động viên từng người. Biện pháp này thu được hiệu quả thiết thực, kết quả huấn luyện ngày một nâng cao. Trung bình hiện nay có 80% khá, giỏi. Có chính trị viên bên cạnh, tôi yên tâm lắm…”.
 |
Cán bộ Đại đội 5, tiểu đoàn 2, Trường sĩ quan Lục quân 2 kiểm tra và động viên học viên huấn luyện chiến thuật. (Ảnh: Thanh Kim Tùng)
|
Thiếu tá Vũ Tiến Thanh, chính trị viên tiểu đoàn 8, bộc bạch thêm:
“Theo nhiệm vụ chức trách, chúng tôi đảm nhiệm mỗi người một mảng, nhưng không tách rời mà luôn hỗ trợ nhau trong công tác và cuộc sống hằng ngày”.
Cũng ở tiểu đoàn 8, chúng tôi được nghe câu chuyện của Trung úy Lê Minh Kha, chính trị viên đại đội 1. K Ních là học viên người dân tộc K Ho, có ông ngoại đột ngột qua đời. Theo tập tục chế độ mẫu hệ của người K Ho, cháu ngoại phải có mặt để chịu tang, nhưng quy định chung của nhà trường chỉ có các quan hệ như bố, mẹ, vợ, chồng, con, mới là đối tượng được giải quyết. Trong trường hợp này, chính trị viên Kha và đại đội trưởng đã bàn bạc kỹ và quyết định đề nghị lên trên giải quyết cho K Ních đi tranh thủ theo chế độ đặc biệt, về chịu tang ông ngoại. Cán bộ, học viên trong đơn vị ai cũng cho rằng giải quyết như vậy là hợp tình hợp lý, còn K Ních thì cảm động lắm và anh đã trở lại trường sớm hơn thời gian cho phép, học tập, công tác tốt hơn.
Ở đại đội 3, đại đội trưởng và chính trị viên lại rất “hợp gu” tìm ra biện pháp giáo dục học viên chậm tiến. Đại đội có học viên NDT chấp hành kỷ luật kém, cán bộ đã giáo dục nhiều nhưng T chưa tiến bộ. Vậy là, vào hôm tổ chức sinh nhật NDT, các anh chủ động gọi điện thoại trực tiếp về gia đình T. Trao đổi giữa T với bố mẹ, chị gái và người thân qua điện thoại được phát lên loa trong phòng sinh nhật. Đại đội trưởng và chính trị viên cũng trao đổi trực tiếp với bố mẹ T, làm ai cũng xúc động. Sau lần tổ chức sinh nhật đó, T chuyển biến rõ rệt trong học tập, công tác, trở thành học viên khá của đơn vị hiện nay.
Tiểu đoàn trinh sát là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “3 nhất, 2 không, 1 công trình”. Khi tôi đề cập việc huy động sức người sức của trong củng cố nơi ăn chốn ở, Thiếu tá Nguyễn Văn Thái, chính trị viên tiểu đoàn, cho biết: “Sau khi có chủ trương, tôi và tiểu đoàn trưởng chủ động bàn bạc, nêu một số phương án, trong đó có phương án tận dụng triệt để mọi nguồn thu từ tăng gia, chăn nuôi của tiểu đoàn, kêu gọi cán bộ, học viên tự nguyện đóng góp thêm và đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Chúng tôi tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ đào đắp, gom nhặt đá, sỏi, mua cát, xi măng, phát huy tinh thần sáng tạo, khéo tay của “nghệ nhân” để xây dựng cảnh quan”.
Không chỉ ở các phân đội trên, mà nhìn chung toàn trường, giữa chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp luôn có tinh thần đoàn kết cao, phối hợp chặt chẽ, trên tinh thần vì nhiệm vụ chung, vì chất lượng giáo dục- đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các học viên: Hoàng Văn Thành, Nguyễn Tiến Hoàn, Nguyễn Công Ước… ở đại đội 2, tiểu đoàn 4, có chung bày tỏ: “Chúng tôi học tập được nhiều điều từ cách làm việc, cư xử, giải quyết quan hệ của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp ở nhà trường”. Xin lấy ý kiến trên làm lời kết cho bài viết nhỏ này”.
NGUYỄN MINH ĐỨC