 |
Tiết mục múa Chăm của đoàn viên, thanh niên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong đêm giao lưu văn nghệ với đồng bào xã Phước Mỹ (Phước Sơn, Quảng Nam).
|
Trai thanh tân vui thú giang hà/Sao anh trẻ mãi không già hỡi anh. Xin đố các bạn đó là con gì?
Đó là câu hỏi được đưa ra tại diễn đàn thanh niên Chi đoàn 9 (Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1). Buổi sinh hoạt với chủ đề “Thanh niên với kỷ luật” đang khá “nặng nề” bỗng chuyển sang vui vẻ, sôi nổi hẳn lên. Diễn đàn lập tức râm ran những lời bàn tán cùng những cánh tay giơ cao xin được trả lời. Chúng tôi, những vị khách của diễn đàn hôm ấy cũng cảm thấy bất ngờ trước sức hút của các câu đố dân gian đối với chiến sĩ.
Với những người làm công tác thanh niên ở đơn vị cơ sở thì làm gì để “nâng cao tính hấp dẫn của các buổi sinh hoạt Đoàn?” vẫn là một câu hỏi “hóc búa”. Trả lời câu hỏi này không dễ nhưng để khắc phục tình trạng “thiếu muối” trong sinh hoạt Đoàn thì việc tổ chức các trò vui nhộn bằng các câu đố dân gian cũng là một thứ “gia vị” phù hợp. Cái dí dỏm của trò chơi, sức “mê hoặc” của những câu “đố tục, giảng thanh” đem lại cho chiến sĩ những nụ cười sảng khoái, những hiểu biết mở rộng về văn hóa truyền thống. Thiếu úy Trần Văn Hùng, Bí thư Chi đoàn 1 (Tiểu đoàn 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho rằng: “Câu đố dân gian đem lại cho các buổi sinh hoạt Đoàn một sức hút khó tin mà những bảo bối khác không thể có được”. Theo Hùng thì chi đoàn anh đã áp dụng khá nhiều “thủ pháp” để tăng tính hấp dẫn trong sinh hoạt như: trò chơi tập thể, hát theo băng hình, hát theo chủ đề..., nhưng nhược điểm của các “thủ pháp” trên là không phải ai cũng có thể tham gia hoặc là tham gia nhưng mất nhiều thời gian hướng dẫn thì mọi người mới có thể hiểu, hưởng ứng một cách tích cực. Còn câu đố dân gian thì vốn rất gần gũi, có thể cùng một câu đố nhưng chiến sĩ ở mỗi vùng khác nhau lại có thể có những đáp án khác nhau. Hay cùng một đáp án nhưng lại có nhiều dạng câu đố khác nhau. Ví dụ: cùng một đáp án là “chú cún” thì có 3 câu đố liên tiếp được đưa ra: “Đứng thì thấp, ngồi thì cao?”, “Đầu làng đánh trống/Cuối làng phất cờ/Trống đánh đến đâu/Cờ phất đến đấy?”, “Khen ai sáng dạ như đèn/Tối trời như mực biết quen mà mừng?”.
Trở lại với câu đố mà chủ tọa Trần Văn Hùng đưa ra trong buổi diễn đàn vừa rồi của đơn vị anh: “Một cây mà có năm cành/Nhúng nước thì héo để dành thì tươi?”. Có một chiến sĩ giải câu đố trên là “Hai bàn tay” thì một chiến sĩ khác xin ra một câu đố tiếp: “Có một người lính/Tính được trăm công nghìn việc?”. Và đáp án cuối cùng vẫn là: “Hai bàn tay”.
Việc tổ chức đố vui có sức hút thanh niên đến đâu? Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ Nhà văn hóa thanh niên Trường Sĩ quan Không quân cho biết: “Sinh hoạt văn hóa thanh niên rất cần sự sôi nổi nhưng sự sôi nổi ấy phải có ngưỡng văn hóa, và nếu yêu cầu cao hơn thì buổi sinh hoạt ấy phải kích thích được sự chủ động, sáng tạo của người trong cuộc. Một buổi sinh hoạt được coi là thành công là buổi mà người tổ chức chỉ đưa ra ý tưởng còn những người tham dự là tác giả và đạo diễn của nó”. Anh Sơn cho rằng: “Nếu tổ chức đố vui thì rất dễ đạt được các tiêu chí trên. Trong mỗi thanh niên, ai cũng “lận lưng” vài câu đố mà mình biết được từ thuở đánh đáo, đánh cù”. Một số thanh niên lớn lên ở thành phố không được tiếp xúc nhiều với trò chơi dân gian thì khi nhập cuộc cũng dễ dàng “sáng tạo” cho mình một câu để đố lại mọi người”. Đó là lợi thế dễ gây “bùng nổ tranh cãi”, “lạm phát câu hỏi” của đố vui. Khi không khí “hội nghị” được giải tỏa thì cũng là lúc người chủ tọa phải biết cách kéo mọi người quay lại chủ đề chính của diễn đàn.
Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, cán bộ Học viện Chính trị Quân sự cho rằng: “Lợi thế của đố vui là ai cũng có thể đứng ra tổ chức và càng tổ chức thì càng sưu tầm được nhiều câu đố phong phú, hấp dẫn. Kho tàng câu đố dân gian vốn rất giàu có, khi được khích lệ thì nó có khả năng phát triển rất nhanh, khả năng “hiện đại hóa” cũng rất nhanh. Những cán bộ Đoàn nếu chịu khó sưu tầm qua thực tế, tổ chức nhiều hoạt động này thì “vốn liếng” của họ sẽ không bao giờ cạn”. Anh Hoàng cũng cho biết, ở Học viện Chính trị Quân sự, có những chi đoàn đã sưu tập được hàng trăm câu hỏi đố vui do các đoàn viên tự gom góp thông qua các diễn đàn họ thực hiện trong khóa học - một “hành trang” kha khá cho nghề nghiệp của họ lúc ra trường công tác.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG